Khi nào bị cáo dám nghĩ, dám làm được miễn trách nhiệm hình sự?

Hội đồng xét xử miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo dựa trên tinh thần của Đảng và Nhà nước về đấu tranh, phòng chống tham nhũng, về bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm.

Cán bộ dám nghĩ, dám làm được tòa án ghi nhận

Trong bản án sơ thẩm đối với 38 bị cáo vụ Công ty Việt Á nâng giá kit test Covid-19 hưởng lợi bất chính hơn 1.200 tỷ đồng, cựu Giám đốc CDC tỉnh Bình Dương Nguyễn Thành Danh là người duy nhất được TAND TP Hà Nội tuyên miễn trách nhiệm hình sự.

Chính sách khoan hồng đặc biệt này đối với ông Danh cũng là đề nghị mà đại diện Viện Kiểm sát bất ngờ đưa ra chỉ ít phút trước thời điểm hội đồng xét xử tuyên án vào chiều 12/1.

Ông Nguyễn Thành Danh được trả tự do sau khi tòa tuyên án.

Ông Nguyễn Thành Danh được trả tự do sau khi tòa tuyên án.

Theo hội đồng xét xử, trong vụ Việt Á, ông Nguyễn Thành Danh không tư lợi cá nhân. Điều này thể hiện qua việc người này nhiều lần từ chối nhận tiền, nhận quà cảm ơn từ Công ty Việt Á. Ông Danh còn đưa ra lời cảnh tỉnh nhân viên cấp dưới không tiếp xúc, nhận quà doanh nghiệp.

Đặc biệt, thời điểm xảy ra vụ án, ông Danh đã có thể nghỉ hưu trước thời hạn. Song ông này vẫn ở lại CDC để tham gia chống dịch Covid-19. Tòa án sơ thẩm đánh giá đây là tinh thần dám nghĩ, dám làm của giám đốc CDC Bình Dương trong bối cảnh đại dịch.

Bên cạnh đó, luật sư Nguyễn Thành Công (bào chữa cho ông Danh) còn cung cấp thêm tài liệu thể hiện nguyên giám đốc CDC Bình Dương là thầy thuốc ưu tú, được nhiều giấy khen, bằng khen do Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Y tế và UBND tỉnh Bình Dương trao tặng. Đây là những tình tiết góp phần cho ông Danh được hưởng khoan hồng.

Cũng liên quan vụ Việt Á, tại họp báo chiều 16/8/2023, Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực có chủ trương phân loại xử lý người vi phạm. Theo đó, người lợi dụng chức vụ quyền hạn để tác động, chỉ đạo cấp dưới làm trái quy định nhằm mang lại lợi ích cho bản thân và Công ty Việt Á; người cầm đầu, chủ mưu, vụ lợi bị nghiêm trị.

Còn nhóm được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự là những người thứ yếu, phụ thuộc, phải thực hiện theo mệnh lệnh, không có động cơ vụ lợi. Họ không được hưởng lợi và ở tuyến đầu chống dịch, chủ yếu vi phạm trong hoạt động đấu thầu.

Ngoài các trường hợp nêu trên, trong kết luận điều tra vụ Việt Á ban hành hồi tháng 8/2023, có hai cá nhân được C03 Bộ Công an miễn trách nhiệm hình sự, không khởi tố điều tra và không đề nghị truy tố. Đó là hai nguyên lãnh đạo Bộ Y tế gồm ông Nguyễn Trường Sơn và ông Trương Quốc Cường.

Khi nào bị can, bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự?

Dưới góc độ pháp lý, tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích, để phân hóa hành vi phạm tội, thể hiện chính sách khoan hồng nhân đạo và khuyến khích người có hành vi phạm tội khắc phục hậu quả, pháp luật có quy định những trường hợp miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hay cho hưởng án treo.

Theo khoản 2 Điều 8 Bộ luật Hình sự, những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.

Khi đó, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm pháp luật sẽ quyết định đến trách nhiệm hình sự. Nếu tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì hành vi vi phạm pháp luật đó sẽ được xử lý bằng các biện pháp khác mà không phải là chế tài hình sự.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Ngoài ra, luật sư dẫn Điều 29 Bộ luật Hình sự quy định về các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự, nhấn mạnh người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn nhiều điều kiện, như: Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận...

Hoặc người thực hiện tội phạm nghiêm trọng đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, có rất nhiều trường hợp làm trái công vụ nhưng họ không vì vụ lợi, mà mục đích chỉ để làm tốt hơn công việc. Do đó, khi thực hiện chính sách hình sự, Đảng và Nhà nước có sự phân loại, phân hóa.

Như trường hợp của ông Nguyễn Thành Danh, luật sư Cường nhìn nhận về bản chất pháp lý, hành vi của ông Danh thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm, nên việc điều tra, truy tố, xét xử là có căn cứ.

Đến khi tuyên án, hội đồng xét xử miễn trách nhiệm hình sự cho ông Danh dựa trên tinh thần của Đảng và Nhà nước về đấu tranh, phòng chống tham nhũng, về bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm theo các nghị quyết của Đảng và nghị định của Chính phủ.

"Hành vi của bị cáo không còn nguy hiểm, nên căn cứ vào chính sách pháp luật mới, chính sách xét xử hình sự hiện nay, việc tòa án miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo là có căn cứ, thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo của pháp luật", luật sư nêu quan điểm.

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/khi-nao-bi-cao-dam-nghi-dam-lam-duoc-mien-trach-nhiem-hinh-su-192240115151720566.htm