Khi nam giới là hội viên danh dự của hội phụ nữ

Những ngày qua, hình ảnh một số nam giới (hội viên danh dự của Hội LHPN Việt Nam) khoác lên mình bộ áo dài, say sưa hòa mình vào những điệu nhảy dân vũ và diễu hành áo dài hưởng ứng 'Tuần lễ áo dài' năm 2024 do Hội LHPN tỉnh Hòa Bình tổ chức được chia sẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội. Hình ảnh này để lại ấn tượng với nhiều người. Trong vai trò hội viên danh dự của hội phụ nữ, nam giới được xem là những nhân tố kỳ vọng mang 'luồng gió mới' thúc đẩy sự phát triển phong trào, hoạt động của các cấp hội phụ nữ.

Công nhận, kết nạp nam giới làm hội viên danh dự của Hội LHPN Việt Nam là điểm mới của công tác hội phụ nữ hiện nay. Nội dung này đã được bổ sung vào Điều lệ Hội LHPN Việt Nam và được thông qua tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027, nhằm ghi nhận, tôn vinh những người có tầm ảnh hưởng, đóng góp tích cực cho phong trào phụ nữ, hoạt động hội phù hợp với tình hình, nhiệm vụ và đáp ứng yêu cầu của phong trào phụ nữ, công tác hội trong giai đoạn mới.

Sau khi nội dung này được đưa vào điều lệ, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã ban hành hướng dẫn với tiêu chí cụ thể để xét hội viên danh dự. Trên cơ sở này, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã có hướng dẫn một số vấn đề về hội viên danh dự trên địa bàn.

Theo đó, tiêu chí để xét kết nạp hội viên danh dự của hội là: cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên, không phân biệt giới tính, quốc tịch, đang cư trú và làm việc tại Việt Nam, tán thành điều lệ hội, tự nguyện gia nhập tổ chức hội, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn: có uy tín, tầm ảnh hưởng tới cộng đồng; có khả năng quy tụ, tập hợp, tác động tích cực đến nhận thức và hành vi của phụ nữ; đã có quá trình/thời gian tham gia hỗ trợ các hoạt động hội (ít nhất từ 2 năm trở lên) với tư cách là chuyên gia, tư vấn, giảng viên, báo cáo viên... hoặc ủng hộ vật chất cho các hoạt động của hội; tương trợ, giúp đỡ hội viên, phụ nữ.

Quảng Trị là một trong những địa phương tiên phong tổ chức công nhận, trao quyết định hội viên danh dự Hội LHPN Việt Nam cho nam giới. Từ 6 nam giới đầu tiên ở phường Đông Thanh, TP. Đông Hà được kết nạp vào tháng 8/2023, đến nay các cấp hội phụ nữ trong toàn tỉnh đã kết nạp, công nhận 599 nam giới là hội viên danh dự (trong đó có 525 hội viên là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các hội đoàn thể, 2 hội viên là doanh nhân). Họ đều những người có uy tín, đóng góp tích cực cho các phong trào, hoạt động hội phụ nữ trên địa bàn.

Tuy đạt được một số kết quả bước đầu nhưng việc công nhận, kết nạp nam giới là hội viên danh dự của hội phụ nữ vẫn gặp một số khó khăn, trở ngại trong quá trình thực hiện. Ví dụ như thời điểm 6 hội viên danh dự là nam giới đầu tiên trên địa bàn tỉnh ra mắt, phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền về mô hình điểm này và được các cấp hội phụ nữ chia sẻ lên trang mạng xã hội. Tuy nhiên sau đó xuất hiện những ý kiến trái chiều, trong đó có những bình luận tiêu cực về định kiến giới như “đàn ông mà mặc váy”, “đàn ông chuyển giới”... khiến một số hội viên danh dự e ngại.

Sau hơn 7 tháng triển khai, hiện chỉ có huyện Cam Lộ có 8/8 xã, thị trấn có nam giới là hội viên danh dự, còn lại hầu hết các huyện mới triển khai mô hình điểm, chưa thực hiện nhân rộng được. Theo cán bộ hội phụ nữ cơ sở, các văn bản của hội cấp trên về vấn đề này còn chung chung, chưa có các quy định chi tiết về cách sinh hoạt, nghĩa vụ về hội phí đối với hội viên danh dự có gì khác so với hội viên chung của hội.

Trên thực tế, trong những năm qua, nam giới đã đồng hành trong nhiều hoạt động của hội phụ nữ, vì thế nếu không có quy định cụ thể, không cho thấy sự khác biệt giữa trước và sau khi làm hội viên danh dự của hội phụ nữ thì rất khó để thu hút nam giới tham gia.

Hội LHPN là tổ chức chính trị, xã hội có đặc thù về giới nên chủ trương phát triển hội viên danh dự là nam giới vẫn còn khá mới mẻ, nhiều người chưa hiểu hết mục đích, ý nghĩa của việc làm này. Vì thế, Hội LHPN tỉnh cần chỉ đạo các cấp hội trên địa bàn bám sát Điều lệ Hội LHPN Việt Nam để tuyên truyền, phổ biến quy định về điều kiện, tiêu chuẩn trở thành hội viên danh dự thông qua những cuộc họp và phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội... để cán bộ, hội viên phụ nữ và các tầng lớp nhân dân hiểu về chủ trương này.

Nam giới trở thành hội viên danh dự sẽ có điều kiện để hiểu sâu hơn, kỹ hơn về các nhiệm vụ của hội, từ đó có tiếng nói giúp tháo gỡ những khó khăn trong công tác hội với cấp ủy, chính quyền, đồng thời tiếp sức để phong trào phụ nữ và hoạt động hội tại địa phương ngày càng có chiều sâu, hiệu quả; gắn trách nhiệm của nam giới với thực hiện bình đẳng giới - vì sự tiến bộ phụ nữ trên địa bàn.

Qua các hoạt động và sự tham gia của nam giới trong tổ chức hội, phụ nữ cũng sẽ được động viên, chia sẻ nhiều hơn trong công tác xã hội, công việc gia đình cũng như có nhiều cơ hội để phát huy năng lực, cống hiến cho sự nghiệp, thể hiện vai trò, tiếng nói trong nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của mỗi gia đình.

Sự tham gia của nam giới cũng sẽ giúp các hoạt động hội thêm lan tỏa, gắn kết hai giới cùng nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong xã hội hiện đại.

Đặc biệt, những hoạt động tuyên truyền, vận động về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình ở vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của hội phụ nữ rất cần sự tham gia của nam giới, từ đó giúp xóa bỏ những tư tưởng, thành kiến lạc hậu như trọng nam khinh nữ, bạo lực gia đình, tảo hôn...

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/khi-nam-gioi-la-hoi-vien-danh-du-cua-hoi-phu-nu/183986.htm