Khi Mỹ 'quay lưng' với hàng loạt hiệp ước quân sự

'Washington đang làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân giữa các cường quốc thế giới trong nỗ lực giành lại quyền thống trị toàn cầu và bỏ bê các hiệp định kiểm soát vũ khí mới nhất vẫn còn tồn tại' - bình luận mới nhất của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov được đưa ra trên diễn đàn Primakov Readings vào cuối tuần qua.

Bỏ lơ Start-3, đòi đóng góp công bằng ở NATO

Hiệp ước về cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3) nhằm kiểm soát kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, được ký bởi Nga và Mỹ vào năm 2010, sẽ hết hạn vào tháng 2/2021.

Ngày 22 - 23/6, Washington và Moscow tổ chức vòng đàm phán mới về kiểm soát vũ khí tại Vienna (Áo). Tại đây, Nga ngỏ ý muốn thỏa thuận hiện nay sẽ được gia hạn thêm 5 năm nữa, trong khi Mỹ khăng khăng đòi có một hiệp ước đa phương bao gồm Trung Quốc do mối quan ngại những bí mật về kho vũ khí hạt nhân ngày càng lớn của Bắc Kinh. Trung Quốc đã thẳng thừng từ chối tham gia các cuộc đàm phán này và nói rằng việc tham gia hiệp ước về giảm thiểu và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược là vô nghĩa, vì kho vũ khí hạt nhân của cả Mỹ và Nga đã vượt quá số lượng của Trung Quốc gần 20 lần.

Mục tiêu “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump.

Mục tiêu “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump.

Vòng đàm phán ổn định chiến lược Mỹ-Nga tiếp theo có thể diễn ra vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8/2020 tại Vienna và Trung Quốc sẽ được mời tham dự. Tuy nhiên, các điều kiện mà Mỹ đưa ra để đồng ý gia hạn START như tiến trình giải trừ quân bị từ nay phải bao hàm cả giải trừ vũ khí hạt nhân chiến lược lẫn vũ khí hạt nhân chiến thuật, cả công nghệ chế tạo vũ khí siêu thanh và sự tham gia của Trung Quốc khiến START-3 đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ và tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân thế giới trở nên mịt mờ và khó tiên lượng hơn bao giờ hết.

Ngày 12/7, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định Nga không thể quay trở lại Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) sau khi Mỹ quyết định đơn phương rút khỏi Hiệp ước này.

Trước đó, Mỹ cũng đã rút khỏi hàng loạt thỏa thuận quốc tế như Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), Hiệp ước bầu trời mở (OST)...

Tại cuộc phỏng vấn với báo The Washington Post (Mỹ) hôm 12/7, Tổng thống Donald Trump tuyên bố không muốn Mỹ rời khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), song yêu cầu các đồng minh phải đóng góp chi phí hoạt động. “Có những nước gần như không đóng góp gì, và bây giờ thì họ đã đồng ý đóng tiền. Họ hỏi tôi một câu hỏi quan trọng: Ông sẽ rời đi nếu... và tôi trả lời: Vâng, tôi sẽ rời đi. Nếu không đưa ra câu trả lời như vậy, họ sẽ không chịu trả tiền” - ông Trump trả lời. Trước đó, trong cuốn sách The Room Where It Happened: A White House Memoir (tạm dịch: Căn phòng nơi điều đó xảy ra: Ký ước Nhà Trắng), ông Trump từng đe dọa các nhà lãnh đạo NATO tại Hội nghị Thượng đỉnh năm 2018 rằng sẽ đưa Mỹ rời khỏi liên minh nếu họ không đóng góp 2% GDP.

“Nước Mỹ trên hết”

Theo các nhà phân tích chính trị, ông Trump là người áp dụng rất triệt để mục tiêu “Nước Mỹ trên hết”, nhất là khi cuộc đua vào Nhà Trắng đang nóng lên. Điểm lại việc rút khỏi một số hiệp ước, thỏa thuận, có thể càng thấy rõ ràng hơn chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump.

“Mỹ muốn lấy lại sự thống trị toàn cầu và giành được thứ mà họ gọi là một cuộc cạnh tranh lớn về quyền lực. Washington bác bỏ ý tưởng “ổn định chiến lược” và gọi đây là “sự cạnh tranh chiến lược” bởi họ muốn giành chiến thắng” - báo RT (Nga) trích dẫn lại nhận định của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov về việc Mỹ lần lượt đã và có thể đang từ bỏ các hiệp ước quân sự.

Hà Anh

((Theo Sputnik News, Fox News, Tass, The Washington Post))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khi-my-quay-lung-voi-hang-loat-hiep-uoc-quan-su-n177105.html