Khi mẹ chồng khiến con dâu 'phát điên'

Dù ở nền văn hóa nào thì mẹ chồng nàng dâu vẫn là mối quan hệ rất nhạy cảm và có nhiều mâu thuẫn...

Đặc biệt sau khi bạn sinh con, sự xuất hiện của thành viên bé nhỏ này có thể đẩy mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu đến bờ vực thẳm. Tuy nhiên, nếu bạn dành thời gian và có một vài chiến lược đơn giản, bạn có thể khiến mọi việc đạt được mức chấp nhận được.

Thiết lập không gian cá nhân của vợ chồng

Bạn và chồng cần có không gian cá nhân riêng tư, ví dụ như nhà riêng, phòng riêng tùy điều kiện kinh tế của từng gia đình và mẹ chồng phải tôn trọng điều này để mối quan hệ của bạn được duy trì lành mạnh.

Sanam Hafeez, nhà tâm lý học thần kinh ở New York, giám đốc của tổ chức Comprehend the Mind, khẳng định bạn cần khéo léo bày tỏ quan điểm, cho họ thấy bạn cần được đáp ứng sự riêng tư trong không gian sống của hai vợ chồng. Sự chia sẻ này là cần thiết, vì mẹ chồng có thể có quan điểm khác bạn. Điều này giúp mẹ chồng hiểu khi nào nên đến nhà con, khi nào nên/không nên vào phòng con.

Bạn và chồng cần có không gian cá nhân riêng tư và mẹ chồng phải tôn trọng điều này. Ảnh minh họa

Nhìn mọi việc theo quan điểm của mẹ chồng

Trước hết, bạn cần phải thấu hiểu tình huống. Có thể bạn và mẹ chồng đều là những người hơi bảo thủ và cứng đầu. Tuy nhiên, hãy thử nhìn mọi việc theo quan điểm của bà. Bà yêu con trai mình - người bạn đời của bạn, yêu các cháu của mình - con của bạn và muốn được gắn bó cuộc đời mình với họ. Điều duy nhất khiến bà không còn giữ được vị trí "bà chúa trong gia đình" chính là bạn.

Vì thế, một chút ghen tị xuất hiện trong suy nghĩ của bà là điều dễ hiểu. Đương nhiên, bạn không nên nói năng một cách hỗn láo hoặc tỏ ra thường xuyên coi thường bà, nhưng rõ ràng bạn cũng không cần phải tham gia vào cuộc "chiến tranh thế giới lần thứ ba" chỉ vì một vấn đề gì đó, ví dụ bọn trẻ. Nếu bạn là một người hơi nóng nảy thì bạn nên đặt vấn đề về phía mình nhiều hơn.

Đừng cạnh tranh với mẹ chồng

Các bà mẹ nghĩ rằng họ hiểu và yêu con mình hơn bất kỳ ai trên thế giới này. Đó là lý do tại sao họ thường phản đối vợ của con trai mình trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống.

Tuy nhiên, bạn nên cẩn thận để không rơi vào cái bẫy đó và bắt đầu cạnh tranh với mẹ chồng. Thay vào đó, bạn nên giải quyết vấn đề khi nó xuất hiện, và cho biết một cách bình tĩnh rằng bạn làm cho mẹ chồng tránh xa con trai của bà ấy.

Sẽ tốt hơn nữa nếu bạn khuyến khích chồng bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho bố mẹ chồng. Điều đó sẽ khiến mẹ anh ấy yên tâm hơn rằng mối quan hệ của họ sẽ không phai nhạt.

Không tâm sự tất cả mọi thứ với mẹ chồng

Nếu bạn chia sẻ tất cả mọi điều với mẹ chồng thì cũng có nghĩa là bạn đang mời chào mẹ chồng tham gia vào tất cả các khía cạnh trong cuộc sống của bạn. Hãy cố gắng giữ các xung đột vợ chồng cũng như những vấn đề hôn nhân cho riêng bạn.

Chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn khi có người bạn đời bên cạnh để đối phó những vấn đề giữa bạn và mẹ của người ấy. Tuy nhiên, nếu bạn đời của bạn không nhìn mẹ mình đã lôi kéo, gây phiền như thế nào thì tự bạn phải xử lý.

Nếu bạn cảm thấy mẹ chồng đang thiếu tôn trọng bạn, thay vì đối đầu, bạn hãy cố gắng nói chuyện với bà về điều đó một cách tử tế và tôn trọng bà. Có thể bà hành động như vậy chỉ vì sợ mất vị trí quan trọng trong trái tìm con trai mình.

Thay vì đổ lỗi và phán xét bà, tốt hơn, bạn hãy nói về những cảm xúc của bạn, rằng bạn cảm thấy bị tổn thương như thế nào. Bạn cũng nên để cho bà một cơ hội giải thích.

Nếu bạn chia sẻ tất cả mọi điều với mẹ chồng thì cũng có nghĩa là bạn đang mời chào mẹ chồng tham gia vào tất cả các khía cạnh trong cuộc sống của bạn. Ảnh minh họa

Chia sẻ về thời gian biểu của mình

Nhà trị liệu gia đình Jennifer Kelman chia sẻ, điều quan trọng là bạn phải chia sẻ với mẹ chồng về thời gian biểu, tính chất công việc của mình. Nếu bạn không làm rõ thông tin này, mẹ chồng có thể gọi điện nhiều lần trong ngày hoặc yêu cầu bạn những việc bạn không đáp ứng được.

Kelman giải thích, đây là ranh giới khiến nhiều người gặp khó khăn trong việc chia sẻ cụ thể nhưng lại rất cần thiết. Ví dụ, nếu mẹ chồng ở quê thường gọi điện hỏi thăm con cái vào lúc 19h - khi bạn đang bận bịu nấu cơm nước sau một ngày làm việc, bạn nên khéo léo nói với chồng để anh chia sẻ với mẹ, giúp "ranh giới thời gian" được thiết lập, để họ không gọi điện vào những thời điểm không thích hợp.

Đừng ngại từ chối

Nếu lịch trình giữa hai bên chưa được đặt sẵn, có thể mẹ chồng sẽ gọi cho bạn bất cứ khi nào bà ấy muốn, hỏi bạn xem bà ấy có thể qua được không. Và với nỗ lực làm hài lòng mẹ chồng và để không tạo ấn tượng xấu, bạn nói "có" mặc dù đó là điều cuối cùng bạn muốn làm.

Tuy nhiên, bạn nên biết rằng bạn có thể nói "không" với mẹ, giải thích lý do và có thể hẹn một ngày và giờ khác để đến thăm. Có thể hiểu rằng bà ấy có nhu cầu gặp cháu của mình, nhưng bạn cũng cần được ở một mình và tận hưởng sự bình yên.

Hãy để mối quan hệ giữa bạn và mẹ chồng có thời gian phát triển

Đúng là rất dễ nổi điên nếu có một bà mẹ chồng dường như luôn biết mọi thứ rõ hơn bạn hoặc luôn chú ý và nhìn thấy sai lầm của bạn khi thực hiện một việc gì đó. Có thể bạn không muốn thừa nhận những sai lầm đó, nhưng biết đâu, rất nhiều lần bà nói đúng và nhận xét của bà có thể hữu ích cho bạn.

Vì mẹ chồng sẽ còn sống với vợ chồng bạn lâu dài, nên bạn hãy chọn đi, hoặc là tiếp tục khốn khổ và tức giận với bà hoặc là cải thiện mối quan hệ để cả hai cùng vui vẻ.

Bạn và mẹ chồng - hai bà mẹ, hai người vợ cùng yêu chung một số người, chỉ có thể có nhiều điểm chung hơn bạn đã biết. Khi năm tháng trôi qua, những điểm tương đồng đó có thể mang hai người lại gần nhau hơn. Còn nếu không thể hòa hợp thì hãy nên để mọi việc ở mức có thể chấp nhận được.

Bạn cần tìm cách diễn đạt cho khéo léo, thay vì nói lời căng thẳng với mẹ chồng. Ảnh minh họa

Thiết lập ranh giới về vấn đề riêng giữa hai vợ chồng

Theo các chuyên gia, bạn nên thiết lập ranh giới cụ thể, tránh để mẹ chồng dính líu vào các vấn đề giữa bạn và bạn đời. Họ không nên là một phần trong những bất đồng của hai bạn, đặc biệt khi họ có khả năng thiên vị con mình.

Theo Kelman, nếu bạn thấy rằng mẹ chồng đang cố gắng can dự vào các vấn đề giữa hai bạn, đừng im lặng. Việc thiết lập ranh giới này rất quan trọng, đặc biệt cần được làm sớm thay vì để bà can thiệp vào vấn đề cá nhân của hai bạn ngay từ đầu.

Đương nhiên, bạn cần tìm cách diễn đạt cho khéo léo, thay vì nói lời căng thẳng với bà. Ví dụ bạn có thể chia sẻ: "Con biết bố mẹ thương chúng con nhưng điều quan trọng là chúng con sẽ cùng giải quyết mọi việc mà không cần ý kiến của người khác".

Thiết lập ranh giới tài chính

Tìm kiếm chỗ dựa tài chính từ cha mẹ có thể là khởi đầu của nhiều cặp vợ chồng trẻ nhưng hãy cẩn thận về việc để bố mẹ chồng can thiệp quá sâu vào việc đó.

Chuyên gia Hafeez nói vấn đề tiền bạc thường có thể gây căng thẳng. Thảo luận với cha mẹ về các chủ đề như khoản vay, mức hỗ trợ tài chính hoặc tham gia vào các quyết định tài chính quan trọng là cần thiết. Hãy minh bạch về những kỳ vọng và giới hạn của bạn, đồng thời thiết lập các ranh giới phù hợp với các mục tiêu và giá trị tài chính bạn và bạn đời đặt ra.

Chuyên gia Kelman cho rằng, bạn nên thiết lập một ranh giới rõ ràng, thay vì việc nhận tiền từ cha mẹ và phải tuân thủ các quy tắc họ đề ra trong khi bản thân bạn không muốn như vậy.

Thư Di (t/h)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/khi-me-chong-khien-con-dau-phat-dien-172240423143552176.htm