Khi lòng dân đồng thuận với chính quyền xây dựng nông thôn mới vùng biên

Những năm gần đây, thôn Cù Bai (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đã bắt đầu 'quá tải' khi dân số tăng kéo theo nhu cầu về đất ở, đất sản xuất, đã đặt ra yêu cầu bức thiết về việc xây dựng các khu tái định cư mới. Với việc người dân hiến đất mà không cần đền bù đã giúp chính quyền địa phương thuận lợi đẩy nhanh tiến độ để sớm hình thành khu dân cư mới, giúp người dân ổn định cuộc sống.

Nhờ có ông Hồ Văn Tịu và các hộ dân khác hiến đất, khu tái định cư thôn Cù Bai đang được triển khai để người dân sớm ổn định cuộc sống. Ảnh: Trúc Hà

Nhờ có ông Hồ Văn Tịu và các hộ dân khác hiến đất, khu tái định cư thôn Cù Bai đang được triển khai để người dân sớm ổn định cuộc sống. Ảnh: Trúc Hà

Cán bộ, đảng viên... đi trước

Tính đến cuối năm 2022, thôn Cù Bai có 134 hộ nhưng có tới hơn 600 nhân khẩu khiến người dân cảm thấy “chật chội”, nhất là những gia đình trẻ đối diện với việc thiếu không gian ở, thiếu đất canh tác. Nhận thấy những nhu cầu chính đáng của người dân về đất ở và đất sản xuất, UBND huyện Hướng Hóa đã chỉ đạo UBND xã Hướng Lập rà soát, lập kế hoạch xây dựng khu tái định cư mới. Sau nhiều lần khảo sát, UBND xã Hướng Lập đã tìm được vị trí phù hợp để “giãn dân”. Nơi đây có vị trí khá bằng phẳng, cao ráo, có nguồn nước, tuy nhiên, đây là khu đất sản xuất của người dân đã khai hoang, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vậy nên nếu đền bù sẽ cần khoản tiền rất lớn. Chưa kể, thời gian chờ được giải ngân tiền đền bù sẽ lâu, trong khi việc triển khai khu tái định cư càng sớm ngày nào càng tốt ngày đấy.

Để đẩy nhanh tiến độ, Đảng ủy, UBND xã Hướng Lập đưa ra chủ trương sẽ vận động những gia đình có đất canh tác ở nơi được xác định xây khu tái định cư hiến đất. Bà Hồ Thị Ven, Chủ tịch UBND xã Hướng Lập nhớ lại: "Khi ấy, chúng tôi xác định sẽ vận động cán bộ, đảng viên trước vì đây là những người chắc chắn hiểu được cái khó của chính quyền địa phương. Trong số những đảng viên ở thôn Cù Bai có ông Hồ Văn Tịu, nguyên là Chủ tịch UBND xã Hướng Lập. Ông Tịu có diện tích đất khá rộng ở vị trí mà chính quyền có ý định làm khu tái định cư. Năm 2013, khi Nhà nước làm đường từ thôn Cù Bai vào thôn Sê Pu, ông Tịu đã tự nguyện hiến tặng cả nghìn mét vuông đất, thế nên chúng tôi rất hy vọng ông tiếp tục ủng hộ chính quyền địa phương”.

Sau khi thống nhất phương án, cuối năm 2022, lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Hướng Lập, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337, Đồn Biên phòng Hướng Lập đến đặt vấn đề với ông Tịu về việc hiến đất xây khu tái định cư mới. Nghe lời cán bộ nói, ông Tịu phân vân lắm. Vợ chồng ông có 2 người con trai và 5 người con gái. Cũng như các bậc cha mẹ khác, ông luôn mong muốn có “của để dành cho con cái”, vậy nên khi dành dụm được một khoản tiền nào đó, ông lại gom góp để thuê người khai hoang đất. Ông đã thuê máy về san ủi mặt bằng (chủ yếu là lấp hố bom), sau đó trồng bời lời, keo, trẩu với số tiền đầu tư cả trăm triệu đồng. Trong số 7 người con của ông Tịu, con trai cả Hồ Văn Huy là nhân viên quân khí, Đồn Biên phòng Thanh, BĐBP Quảng Trị; con trai thứ Hồ Văn Khuy là Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Lập; con gái út Hồ Thị Xoa là giáo viên Trường Mầm non Hướng Lập; còn lại 4 người con gái vẫn đang sống phụ thuộc hoàn toàn vào việc canh tác nương rẫy nên rất cần đất để làm sinh kế.

Thế nhưng, cũng như bất cứ một đảng viên lão thành nào, ông Tịu rất áy náy nếu bản thân đứng ngoài cuộc chủ trương của chính quyền địa phương. Vào một ngày cuối tuần, ông Tịu gọi các con về để họp gia đình, bàn về việc hiến đất cho địa phương để làm khu tái định cư. Hiểu rõ tấm lòng của cha đối với các con và những trăn trở đối với địa phương, con trai cả Hồ Văn Huy đã nói: “Con nghĩ rồi, bố ạ. Bố cứ nghĩ đấy là phần của con, em Khuy và em Xoa để hiến cho xã làm khu tái định cư. Dẫu sao, chúng con cũng có công ăn việc làm ổn định, sau này có lương hưu. Số đất còn lại, bố chia cho 4 em ở nhà làm nương”.

Cho quê hương ngày càng giàu đẹp

Sau khi họp gia đình, ông Hồ Văn Tịu đã hiến khoảng 1.500m2 cho UBND xã Hướng Lập làm khu tái định cư mới cho thôn Cù Bai. Việc ông Hồ Văn Tịu hiến đất như mở được “nút thắt” trong việc vận động người dân cùng chung tay. Biết tin ông Tịu hiến đất, 11 hộ dân có đất sản xuất ở khu vực lân cận cũng đồng lòng nhất trí cùng hiến tặng. Trong đó, không phải ai cũng có điều kiện như ông Hồ Văn Tịu.

Mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông Hồ Văn Tịu vẫn tích cực tăng gia sản xuất, trở thành tấm gương về phát triển kinh tế ở địa phương. Ảnh: Trúc Hà

Mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông Hồ Văn Tịu vẫn tích cực tăng gia sản xuất, trở thành tấm gương về phát triển kinh tế ở địa phương. Ảnh: Trúc Hà

Anh Hồ Minh Thầy, cán bộ bán chuyên trách văn hóa - thông tin của UBND xã Hướng Lập là một trong 11 hộ hiến đất làm khu tái định cư thôn Cù Bai. Là cán bộ bán chuyên trách, anh Thầy không có lương, chỉ có phụ cấp chưa đến 2 triệu đồng mỗi tháng. “Mọi người không ai đòi hỏi quyền lợi, nếu bản thân mình đòi hỏi thì thật quá đáng. Thêm nữa, việc làm khu tái định cư cũng là cho anh em họ hàng, làng xóm của tôi chứ không phải ai xa lạ. Nghĩ vậy nên vợ chồng tôi quyết định hiến đất” - anh Hồ Minh Thầy cho biết.

Khu tái định cư thôn Cù Bai có vị trí rất thuận lợi, nằm bên bờ sông Sê Păng Hiêng, chỉ mất 15 phút đi xe máy để ra được UBND xã Hướng Lập. Ông Hồ Văn Đuôn, Thôn trưởng thôn Cù Bai cho biết: “Danh sách 35 hộ sẽ tới khu tái định cư đã được “chốt” và gửi ra UBND xã. Đây là những cặp vợ chồng trẻ, có nhu cầu về đất ở, đất sản xuất. Các hộ này sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng làm nhà, được bố trí ruộng để canh tác. Khu tái định cư sẽ có điểm trường mầm non, tiểu học, nên bà con rất phấn khởi, mong nhanh được chuyển đến ở”. Cũng theo anh Hồ Văn Khuy, chính quyền địa phương đã đề nghị xây cầu bắc qua sông Sê Păng Hiêng để người dân có thể thuận lợi đi lại từ khu tái định cư về thôn cũ Cù Bai.

Đối với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập, việc hình thành nên khu tái định cư mới chỉ cách đường biên giới Việt Nam - Lào chưa đầy 3km cũng tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị quản lý, xây dựng và bảo vệ biên giới. Giờ đây, người dân sinh sống, canh tác ngay sát đường biên giới và sẽ trở thành “phên dậu” vững chắc vì kịp thời, phát hiện để báo cho BĐBP những sự việc xảy ra trên biên giới. Những cặp vợ chồng trẻ đã gom góp tiền, cha mẹ sẵn sàng chia gà, lợn, dê, bò làm của hồi môn bắt đầu cuộc sống mới với biết bao nhiêu dự định, hy vọng. Và khu tái định cư thôn Cù Bai sẽ tạo nên diện mạo mới cho biên cương nơi đây.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khi-long-dan-dong-thuan-voi-chinh-quyen-xay-dung-nong-thon-moi-vung-bien-post470007.html