Khi 'lệ làng' đồng hành cùng 'phép nước'

Trong quá trình sửa đổi quy ước làng văn hóa, nhiều địa phương đã kịp thời đưa nội dung bộ QTƯX nơi công cộng vào trong bản quy ước, vừa đảm bảo không vượt quá khuôn khổ pháp luật, vừa đảm bảo tinh thần dân chủ, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.

Thông tin trên được các quận, huyện chia sẻ tại tọa đàm “Nâng cao chất lượng xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh và phát huy vai trò của quy ước, hương ước trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở” do Sở VH&TT Hà Nội tổ chức ngày 30/11.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Minh An

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Minh An

Hợp với đặc thù địa phương

Hiện nay, TP có 4.726/5.404 thôn, tổ dân phố có quy ước, trong đó có 1.232 quy ước đã được sửa đổi, bổ sung. Thực tế, có những vấn đề nảy sinh trong đời sống mà pháp luật chưa thể bao trùm, điều chỉnh nhưng hương ước, quy ước làng xã lại làm được.

Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, làng trong thời gian qua đã đem lại những kết quả thiết thực đối với công tác quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư, góp phần đưa pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước; giữ gìn, phát huy truyền thống tập quán tốt đẹp ở cơ sở.

Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh

Theo Phó phòng Văn hóa & Thông tin huyện Đông Anh Nguyễn Thị Mỹ Linh: Chính sự mềm mỏng, hợp tình hợp lý dựa trên nguyên tắc tình làng nghĩa xóm và sợi dây gắn kết cộng đồng mà hương ước làng xã đã ngày càng phát huy được hiệu quả trong việc xây dựng nếp sống văn hóa nơi cơ sở. Người dân nghiêm chỉnh chấp hành bởi hương ước chính là bản cam kết “mềm” do cộng đồng dân cư đề ra, được lấy ý kiến rộng rãi của tất cả mọi người và đồng thuận thực hiện.

Điển hình như việc triển khai việc tang văn minh của huyện Đông Anh hiện nay có 4 nội dung: Xóa bỏ hủ tục; tổ chức tang ngắn gọn, đơn giản; không ăn uống tràn lan, linh đình; thực hiện hỏa táng. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật rất khó can thiệp để người dân lựa chọn hỏa táng bởi việc tang thường liên quan đến vấn đề tâm linh, tín ngưỡng, truyền thống.

Thế nhưng khi nội dung về tang văn minh được đưa vào trong hương ước, quy ước thì người dân lại nghiêm túc thực hiện. Bởi những quy định đó trước tiên đã được đa số người dân thông qua, tiếp đó là do hình thức vận động, tuyên truyền mềm dẻo của chính quyền thôn, xã đã có tác động tích cực tới các gia đình, vì vậy tỷ lệ người qua đời thực hiện hỏa táng tại Huyện đến nay đạt trên 98%, nhiều thôn, xã từ đơn vị có tỷ lệ hỏa táng thấp nhất toàn Huyện dưới 20% đến nay đã duy trì 5 năm liên tục đạt tỷ lệ 100% chính là nhờ việc đưa nội dung tang văn minh vào hương ước, quy ước để cộng đồng dân cư tự nguyện thực hiện.

Không riêng tại Đông Anh, sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn huyện Thạch Thất, cơ bản nội dung của quy ước đã bám sát với tình hình thực tế của địa phương, phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương.

Điển hình là gia đình ông Nguyễn Trung Thành xã Bình Yên (Thạch Thất) đã hiến 260m đất bao gồm 60m đất ở và 207m đất trồng cây lâu năm cho Nhà nước thực hiện dự án làm đường. Nhân dân thôn 4 xã Yên Bình đã tự nguyện hiến đất, làm đường xã hội hóa tiền, ngày công lao động làm đường giao thôn thôn, xóm để việc đi lại được thuận tiện hơn. Tỷ lệ gia đình văn hóa, thôn văn hóa đã tăng lên đáng kể. Năm 2018 tỷ lệ gia đình văn hóa 88,2% đến 2023 tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 89,8%, tỷ lệ thôn văn hóa năm 2018 đạt 78,1% đến năm 2023 ước đạt 88%.

Tại Thanh Oai, hương ước quy ước góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, duy trì phong tục tập quán, bài trừ hủ tục lạc hậu, giải quyết những mâu thuẫn, phát huy quỹ khuyến học, văn hóa cơ sở tại địa phương.

Lồng ghép với QTƯX nơi công cộng

Trong quá trình sửa đổi quy ước làng văn hóa, chính quyền xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai) đã kịp thời đưa nội dung bộ QTƯX nơi công cộng do UBND TP Hà Nội ban hành năm 2017 vào trong bản quy ước, làm cho nội dung quy ước được hoàn chỉnh, vừa đảm bảo không vượt quá khuôn khổ pháp luật, vừa đảm bảo tinh thần dân chủ, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, vì thế tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, được nhân dân tiếp nhận và thực hiện rất nghiêm túc.

Hội nghị được triển khai bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ảnh: Minh An

Hội nghị được triển khai bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ảnh: Minh An

Theo đại diện xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Việc tự giác chấp hành hương ước ngày càng phát triển sâu rộng. Đến nay nhiều người dân đều có suy nghĩ: “Quy ước làng văn hóa không chỉ bảo đảm bình đẳng về quyền lợi cho người dân mà còn giúp người dân nhận thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc thắt chặt tinh thần đoàn kết, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, trật tự xã hội... Có quy ước rồi, mọi người không còn e ngại, né tránh việc nhắc nhở những ai vi phạm các điều đã được quy định. Cũng nhờ thế mà nếp sống văn hóa của thôn được cải thiện từng ngày. Những nội dung về quy tắc ứng xử nơi công cộng được đưa vào quy ước giúp mọi người cử xử với nhau văn minh hơn”.

Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho rằng, việc nâng cao chất lượng xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh và phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là giải pháp quan trọng để xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Do đó, ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng các Sở, ngành, địa phương tiếp tục chú trọng thực hiện cả hai nội dung này với tinh thần không có điểm dừng, tương tự như xây dựng nông thôn mới, đã đạt các tiêu chí cơ bản, thì thực hiện tiêu chí nâng cao, tiêu chí kiểu mẫu.

Minh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khi-le-lang-dong-hanh-cung-phep-nuoc.html