Khi 'giang hồ mạng' tổ chức Trung thu cho em

Lương lấy 5 triệu đồng tiền cá nhân ra đưa cho Đoàn Thanh niên và nói: Có mạnh thường quân xin giấu tên chung tay cùng anh em tổ chức Trung thu cho các cháu.

Lương năm nay 31 tuổi, sinh ra và lớn lên ở một vùng ngoại ô Thủ đô Hà Nội. Khu vực nơi Lương sinh sống có phong trào đoàn được xem là mạnh nhất xã, đặc biệt là hoạt động ca nhạc, rước đèn, trao quà dịp Trung thu cho các cháu được tổ chức thường niên vào các ngày 13 và 15/8 Âm lịch hằng năm.

Cách đây hơn 10 năm, khi Lương mới hơn 17, 18 tuổi đã bắt đầu tham gia cùng Đoàn Thanh niên xóm để tổ chức chương trình Trung thu cho các cháu. Từ hoạt động trang trí đèn ông sao, đèn ông trăng, rước kiệu, tham gia diễn kịch, vận động các mạnh thường quân hỗ trợ để có kinh phí tổ chức,… Rồi lớn hơn, Lương thay các anh chị đi trước làm Trưởng ban tổ chức chương trình.

Phú Lê ăn mặc như một đế vương nước ngoài hát hò trong tiếng vỗ tay vang dội của người lớn và bọn trẻ.

Phú Lê ăn mặc như một đế vương nước ngoài hát hò trong tiếng vỗ tay vang dội của người lớn và bọn trẻ.

Mãi tới năm 2015, khi tốt nghiệp ra trường, bắt đầu đi làm, Lương không còn trực tiếp tham gia tổ chức Tết Trung thu cho các cháu nữa. Những cứ đến dịp này, Lương đều ra Nhà văn hóa của xóm gặp Đoàn Thanh niên để ủng hộ về mặt vật chất và tinh thần, để Đoàn Thanh niên có thêm kinh phí tổ chức Tết Trung thu cho các cháu.

Dịp Tết Trung thu năm 2022 vừa qua, ngoài chung tay, chung sức như những năm trước, Lương còn vận động các mạnh thường quân được 200 cặp bánh dẻo-bánh nướng, nhiều hiện vật khác gửi Đoàn Thanh niên.

Khi đến sát ngày tổ chức chương trình, nghe Đoàn Thanh niên nói năm nay ảnh hưởng bởi Covid-19, kinh tế khó khăn, tiền vận động được không đủ để chi, Lương lấy thêm 5 triệu đồng tiền cá nhân ra hỗ trợ và nói với Đoàn Thanh niên: Có một mạnh thường quân xin giấu tên chung tay cùng anh em tổ chức Trung thu cho các cháu.

Lương cũng dặn Đoàn Thanh niên không được thông tin việc Lương đã vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ trên loa phát thanh cũng như thông tin trên danh sách niêm yết công khai trước cổng Nhà văn hóa thôn. Nếu thông tin, chỉ được nói: Một mạnh thường quân hỗ trợ.

Tại địa phương nơi Lương sinh sống gần như 100% các hộ gia đình đều chung tay với Đoàn Thanh niên tổ chức Tết Trung thu cho các cháu như Lương.

Gia đình nào ít thì tài trợ vài chục nghìn, gia đình nào khá hơn tài trợ vài trăm nghìn tới vài triệu đồng. Có gia đình “của nhà trồng được” tài trợ loa đài, phông bạt, có gia đình cho mượn cốp pha, giàn giáo để đóng sân khấu, có gia đình tài trợ tiền điện,…

Nhưng không ai livestream, đăng thông tin lên mạng xã hội đã tài trợ bao nhiêu tiền, bao nhiêu hiện vật. Trong ý nghĩ của họ, đó là trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, với chính con em của họ.

Mấy ngày nay, hình ảnh Trung thu ở một trường vùng cao xa xôi Tây Bắc được chia sẻ rất nhiều trên các nền tảng mạng xã hội. Buổi lễ tưng bừng, nhiều hoa quà, nhạc nhẽo với các nhân vật như Huấn Hoa Hồng, Phú Lê, Cường Keng…

Nếu thường xuyên theo dõi mạng xã hội, người ta sẽ không lạ gì với những nhân vật tai tiếng này. Người nào người ấy cũng vảy kín mực, thường xuyên xuất hiện trong các video khoe tiền, vàng, đồ hiệu, thậm chí nói tục, chửi bậy và được cư dân mạng gọi là giang hồ mạng. Trong đó, có người còn nhiều lần bị bắt giữ liên quan tới ma túy, có trường hợp từng bị truy tố về tội cố ý gây thương tích.

Vậy mà giờ đây họ diện những bộ trang phục đắt tiền, thậm chí ăn mặc đồ như một đế vương nước ngoài để lên bục tặng quà, hát hò trong tiếng vỗ tay vang dội của người lớn và bọn trẻ.

Suốt quá trình này, từ khi di chuyển tới kết thúc chương trình là những buổi nhậu nhẹt linh đình đều được quay chụp, phát trực tiếp, chia sẻ liên tục trên nhiều nền tảng để làm màu, để đánh bóng tên tuổi, mục đích cuối cùng là sự nổi tiếng để bán hàng online, trong đó có những mặt hàng kém chất lượng đã nhiều lần bị báo chí bóc trần.

Thật lố bịch khi Phú Lê lên biểu diễn trong lễ trung thu cho học sinh vùng cao ở Làng Nhì, Trạm Tấu, Yên Bái. Thật cạn lời không hiểu ở môi trường học đường có cần một 'ca sĩ mạng xã hội' đứng trên sân khấu, mặc trang phục vua Càn Long Trung Hoa diễn như con rối trước các cháu ngây thơ. Ngành giáo dục Yên Bái nghĩ gì khi trong lịch sử các vị vua Trung Quốc thì vua Càn Long nổi tiếng với thú ăn chơi sa đọa?

Pháp luật hiện tại không cấm những nhân vật tai tiếng, có tiền án, tiền sự làm từ thiện; cũng không cấm họ làm màu để phục vụ những động cơ cá nhân.

Thế nhưng, chúng ta cũng không thể đáp ứng nhu cầu vật chất của con trẻ bằng mọi giá, bằng cách đưa những gam màu tối lem luốc vào tuổi thơ bọn trẻ, để bọn trẻ coi những gương xấu vảy mực kín người thường xuyên lên mạng nói tục, chửi bậy, kể về quá khứ bất hảo vào tù ra tội nhưng vẫn giàu có như một hình mẫu, như một gương sáng để học tập và noi theo.

Đại Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khi-giang-ho-mang-to-chuc-trung-thu-cho-em-275755.html