Khi du lịch không chỉ là đi và ở

Du lịch trực tuyến đang dần thay đổi thói quen của du khách trên các hành trình, đồng thời định nghĩa lại cách doanh nghiệp cung cấp trải nghiệm cho khách hàng tại các điểm đến. Với sự tiện lợi của công nghệ, du lịch hiện đại không chỉ gói gọn trong chuyện ở hay đi.

Công nghệ giúp những chuyến đi suôn sẻ và phong phú hơn, nhưng trải nghiệm du lịch vẫn phụ thuộc phần lớn vào chất lượng dịch vụ.Ảnh: Đỗ Ân

Công nghệ giúp những chuyến đi suôn sẻ và phong phú hơn, nhưng trải nghiệm du lịch vẫn phụ thuộc phần lớn vào chất lượng dịch vụ.Ảnh: Đỗ Ân

Nhả tay ga, trả số, Vĩnh Khang thả trôi chiếc xe máy dọc theo một con dốc dài mờ sương ở Măng Đen. Với những cư dân đô thị vốn quen với khói bụi giờ cao điểm như Khang, vượt dốc giữa rừng thông trong không gian cao nguyên sớm tinh mơ là một trong những trải nghiệm khó quên nhất.

Khung cảnh mênh mông ấn tượng tại thị trấn nằm cách trung tâm tỉnh Kon Tum 60 ki lô mét này là động lực để Khang và nhóm bạn thực hiện chuyến hành trình dài hơn 600 ki lô mét từ TPHCM, với 13 giờ đồng hồ di chuyển bằng xe khách. Trước đó, Khang tra cứu thông tin về các điểm đến và liên hệ với cơ sở lưu trú thông qua Internet. Việc đặt phòng và thuê phương tiện di chuyển cũng được thực hiện trực tuyến.

Sức mạnh của thông tin

Năm 2014, trong một nỗ lực thúc đẩy du lịch địa phương, tỉnh Kon Tum tổ chức Tuần Văn hóa – Du lịch Măng Đen Kon Plông với chủ đề “Về với đại ngàn xanh” để giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên và con người nơi đây. Sau mười năm, sức hấp dẫn kỳ lạ của con đường cái chạy giữa rừng thông, của mặt hồ Đăk Ke ẩn hiện sau màn sương bạc dường như còn nguyên vẹn. Nếu có gì đó khác, có lẽ chính là trải nghiệm của khách tham quan trong những hành trình được chuẩn bị tốt hơn nhờ sự hiện diện của tiến bộ khoa học công nghệ.

Bằng cách ứng dụng các thiết bị số trong cung cấp và sử dụng dịch vụ, du lịch trực tuyến đang mang du khách đến gần hơn các điểm đến, nhất là với những “viên ngọc thô” giàu tiềm năng như Măng Đen. Sức mạnh của thông tin cho phép những vị khách phương xa dù thiếu trải nghiệm thực tế vẫn an tâm hơn khi đặt chân đến những vùng đất mới.

Trên những hành trình đó, mỗi khi băn khoăn đi đâu, ăn gì, người ta thường hỏi nhau một câu quen thuộc: “Lên mạng xem chưa?”.

Du lịch trực tuyến, hay du lịch số, đề cập đến ứng dụng của công cụ số trong lĩnh vực du lịch, liên quan tới nhiều hoạt động như tra cứu thông tin, đặt chỗ và sắp xếp lịch trình di chuyển, tiếp thị du lịch thông qua các công cụ tìm kiếm và nền tảng mạng xã hội, cũng như nâng cao trải nghiệm du lịch bằng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR).

Trên thế giới và ở Việt Nam, ngày càng nhiều người ủng hộ loại hình du lịch trực tuyến. Nhất là các bạn trẻ – những người sử dụng thành thạo công nghệ và không mấy lạ lẫm với nền kinh tế số. Dữ liệu do Google, Temasek và Bain & Company công bố trong báo cáo thường niên cho thấy tổng giá trị hàng hóa của loại hình này tại Việt Nam đạt 5 tỉ đô la trong năm 2023, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm chạm mốc ấn tượng 82%. Con số nói trên được dự báo sẽ tăng lên 7 tỉ đô la vào năm 2025 và 30 tỉ đô la vào năm 2030, đóng góp quan trọng vào tổng giá trị kinh tế số của đất nước(1).

Du lịch tiện lợi

Dịp trước Tết, Phương Mai cùng chồng tìm thông tin cho chuyến đi cuối tuần tới hồ thủy điện Trị An, cách TPHCM khoảng 70 ki lô mét. Trên một số trang web, chi phí cho một buổi cắm trại qua đêm được công khai với nhiều lựa chọn. Xem kỹ hình ảnh trải nghiệm thực tế của du khách, Mai chú ý đến sự tương xứng giữa chất lượng và chi phí dịch vụ. Người mới đến lần đầu như Mai cũng dễ dàng tìm được các đề xuất ăn uống, nghỉ ngơi hữu ích từ các du khách khác. Những ý kiến này, đủ đa chiều và đôi khi hơi cảm tính, vẫn tương đối bao quát để du khách có thể xem xét lựa chọn.

“Tìm kiếm trước giúp mình chủ động lên kế hoạch, dễ lựa chọn trải nghiệm phù hợp với sở thích và túi tiền. Hành trình từ đó cũng trọn vẹn hơn”, Mai nói. Sau khi cân nhắc, cả hai liên hệ với một cơ sở nằm ở khu vực phía Tây hồ vì giá cả phải chăng, vị trí phù hợp để ngắm bình minh trên mặt nước và cách trình bày thông tin dịch vụ rõ ràng, dễ hiểu.

Với du khách, sự tiện lợi của du lịch trực tuyến đảm bảo khả năng tối ưu hóa trải nghiệm. Những người tổ chức chuyến đi có thể hoàn thiện lịch trình ở bất cứ đâu với các thiết bị có kết nối Internet. Việc khảo sát giá, lựa chọn địa điểm lưu trú, tìm kiếm quán ăn hay khám phá những cung đường mới – trước đây đòi hỏi các buổi thảo luận với công ty lữ hành hay tham gia các chuyến tiền trạm tốn kém – giờ chỉ cần thực hiện trong vài cú chạm màn hình hay nhấp chuột.

Với nhà cung cấp dịch vụ, sức lan tỏa mạnh mẽ của công nghệ số cho phép tăng cường sự kết nối và tương tác với du khách. Điều này tạo ra lợi thế đặc biệt cho hộ kinh doanh nhỏ hoặc các chủ homestay, vốn ít khi có một hầu bao dư dả cho các hoạt động tiếp thị rầm rộ, chuyên nghiệp.

Khi đó, các kênh truyền thông phổ biến và miễn phí như mạng xã hội trở thành hướng tiếp cận khách hàng chủ yếu. Vai trò của các lời đánh giá, ý kiến đề xuất và hình ảnh trải nghiệm trên các nền tảng này từ đó cũng được nâng cao, thậm chí có thể thay đổi căn bản tư duy kinh doanh của nhà cung cấp dịch vụ, bất kể khác biệt về quy mô hay phân khúc thị trường.

Cơ hội nhiều, thách thức lớn

Dù vậy, bức tranh du lịch trực tuyến không chỉ toàn những gam màu sáng. Chính việc quá phụ thuộc vào các đánh giá chủ quan của du khách có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là nguy cơ khủng hoảng truyền thông, sự cố an ninh mạng, hay tình trạng cạnh tranh thiếu công bằng giữa các doanh nghiệp. Ở chừng mực nhất định, các diễn đàn đôi khi trở thành môi trường thuận lợi để các nhóm lừa đảo hoạt động. Vỏ bọc an toàn đằng sau những chiếc màn hình và thủ đoạn trục lợi tinh vi khiến đối tượng bị nhắm tới có thể là bất kỳ ai, với mức độ thiệt hại nhiều khi không kể xiết.

Tại Việt Nam, các mô hình du lịch trực tuyến không mới. Trong loạt bài do Vietnam Plus (TTXVN) thực hiện năm 2020, công ty Saigontourist cho biết đã triển khai ứng dụng du lịch thông minh từ năm 2004, với 80% số hoạt động tiếp thị đã chuyển sang tiếp thị số(2). Đơn vị này đầu tư gần 10 tỉ đồng cho đội ngũ nhân sự và hạ tầng công nghệ để phát triển kinh doanh trực tuyến, thu được nhiều thành quả đáng khích lệ. Trong khi đó, mảng kinh doanh du lịch trực tuyến của một đơn vị khác là Vietravel cũng có nhiều triển vọng, với mức tăng 20% về lượng khách và 30% về doanh thu riêng trong giai đoạn 2017-2019.

Vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong nước là đón đầu xu thế để tối đa hóa tiềm năng du lịch trực tuyến, trên cơ sở phát huy thế mạnh sẵn có của ngành. Khi công nghệ VR, AR ngày càng phổ biến, khả năng cung cấp cho khách hàng trải nghiệm du lịch số sống động tại những khu vực có điều kiện địa chất phức tạp, đặc thù không còn là một ý tưởng xa vời.

Trong không gian tương tác ba chiều với các thiết bị hỗ trợ, cơ hội du lịch cho mọi người là như nhau, không phân biệt tuổi tác hay điều kiện tài chính. Nỗ lực này đòi hỏi những biện pháp cụ thể nhằm xây dựng hạ tầng thông tin số, củng cố an ninh mạng cũng như đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Dù ghi nhận những kết quả ấn tượng, điều cần nhấn mạnh là mức độ ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch chỉ đóng vai trò thứ yếu trong việc quyết định sự thành bại của mô hình kinh doanh. Trong gần ba ngày khám phá Măng Đen, thông tin thu nhặt được từ chiếc điện thoại thông minh giúp hành trình của Khang suôn sẻ và phong phú hơn, nhưng trải nghiệm du lịch vẫn phụ thuộc phần lớn vào phong thái tiếp đón niềm nở từ người chủ homestay và chất lượng dịch vụ ở các điểm đến.

Do đó, việc nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện cách tương tác với khách hàng cũng như phát triển dịch vụ sao cho đáp ứng được các nhu cầu mới có vai trò quan trọng. Với ngành “công nghiệp không khói”, mục tiêu không gì khác ngoài tạo ra trải nghiệm độc đáo và trọn vẹn cho du khách, để những ai chưa đi thì muốn đến, đã ở thì những mong ngày được trở lại.

Đỗ Ân

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/khi-du-lich-khong-chi-la-di-va-o/