Khí đốt Nga khiến mô hình kinh tế châu Âu 'trật nhịp', EU đang rót tiền vào Điện Kremlin?

Hơn một năm qua, dù đã dần 'buông tay' khí đốt tự nhiên, nhưng châu Âu vẫn 'say sưa' mua LNG Nga và đóng góp hàng tỷ Euro doanh thu cho Điện Kremlin.

Năm 2022, thiếu khí đốt Nga nhưng châu Âu đã vượt khủng hoảng năng lượng toàn diện. (Nguồn: Getty Images)

Thị trường khí đốt dễ bị tổn thương

Trong hơn 50 năm, Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên đáng tin cậy cho châu Âu. Đất nước này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mô hình kinh doanh dựa trên xuất khẩu và năng lượng giá rẻ của châu Âu. Mô hình này đã "trật nhịp" khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022.

Chiến dịch quân sự đặc biệt kéo theo một loạt lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây đối với Nga và khí đốt tự nhiên đã được miễn trừ khỏi bất kỳ lệnh trừng phạt chính thức nào.

Moscow đã đáp lại sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU) dành cho Ukraine bằng cách thắt chặt nguồn cung cấp khí đốt cho khối 27 thành viên. "Gã khổng lồ" năng lượng Gazprom, thuộc sở hữu nhà nước Nga, đã cắt dòng chảy khí đốt qua Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1). Đây là đường ống khí đốt lớn nhất của Nga tới châu Âu.

Đến tháng 9/2022, đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 đều bị hư hại nghiêm trọng do các vụ nổ và đến thời điểm hiện tại vẫn chưa rõ nguyên nhân.

Sự thiếu hụt khí đốt đã đẩy châu Âu vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ. Tháng 8/2022, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng lên mức cao kỷ lục trên 343 Euro (tương đương 371 USD) mỗi megawatt giờ.

Tuy nhiên, châu Âu đã vượt cuộc khủng hoảng năng lượng toàn diện nhờ mùa Đông ấm hơn bình thường, mức tiêu thụ khí đốt giảm và nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhiều hơn từ khắp nơi trên thế giới.

Dù vậy, không thể phủ nhận, sự biến động của thị trường khí đốt đã buộc những ngành sử dụng nhiều năng lượng như hóa chất, phân bón và giấy phải đóng cửa các nhà máy hoặc cắt giảm sản xuất.

Tại Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - sản xuất trong các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng đã giảm gần 20% so với mức trước chiến dịch quân sự.

Giá năng lượng cao đã làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh quốc tế của Đức. Theo báo cáo gần đây của Phòng thương mại và công nghiệp Đức, gần 1/3 các nhà sản xuất nước này đang xem xét hoặc đang thực hiện kế hoạch di dời ra nước ngoài vì chi phí năng lượng trong nước cao.

Bên cạnh đó, dù giá khí đốt đã giảm mạnh trong năm qua, nhưng giá vẫn giao dịch ở mức 35 Euro mỗi megawatt giờ - cao hơn nhiều so với mức đã thấy trong những năm trước.

Hiện tại, dự trữ khí đốt tự nhiên của châu Âu đã đầy hơn 90%, vượt xa mục tiêu ngày 1/11 của EU. Khu vực này đã thay thế phần lớn nguồn cung cấp khí đốt bị mất của Nga bằng khí đốt từ Mỹ, Na Uy và Qatar. Dù vậy, thị trường khí đốt vẫn dễ bị tổn thương trong mùa Đông tới do nhu cầu sưởi ấm cao hơn có thể khiến lượng hàng tồn kho nhanh chóng cạn kiệt.

Nga mất vị thế

Các chuyên gia cho rằng, đối với Nga - quốc gia từng vận chuyển 2/3 lượng khí đốt xuất khẩu sang châu Âu - quyết định đóng cửa Dòng chảy phương Bắc có thể gây ra tác động ngược chiều.

Xuất khẩu khí đốt của Nga qua đường ống tới châu Âu đã giảm gần 60% xuống 62 tỷ m³ (bcm) vào năm 2022, khiến Gazprom phải cắt giảm 1/5 sản lượng.

Ông Simone Tagliapietra, chuyên gia năng lượng tại Viện nghiên cứu Bruegel ở Brussels (Bỉ) nhận định: “Nga đã mất vị thế là nhà xuất khẩu khí đốt lớn trên thế giới".

Khác với dầu, khí đốt có ít có khả năng tìm kiếm thị trường thay thế hơn bởi việc vận chuyển khó khăn và cần đầu tư lớn vào các đường ống.

Với phần lớn cơ sở hạ tầng xuất khẩu khí đốt được thiết kế để phục vụ khách hàng châu Âu, Nga gặp khó khăn trong việc chuyển hướng khí đốt sang Trung Quốc và các khách hàng khác ở phương Đông.

Theo Bộ Tài chính Nga, trong 5 tháng đầu năm 2023, doanh thu từ khí đốt đã giảm gần 45% xuống còn 710 tỷ Ruble (tương đương 6,8 tỷ Euro, 7,4 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Quý II/2023, Gazprom báo lỗ 18,6 tỷ Ruble do dòng chảy khí đốt sang châu Âu giảm.

Nhà phân tích năng lượng Mikhail Krutikhin nhận thấy, Moscow coi Bắc Kinh là giải pháp thay thế cho thị trường châu Âu rộng lớn. Nhưng điều đó đòi hỏi nước này phải xây dựng các đường ống mới để bổ sung cho đường ống Sức mạnh Siberia hiện có.

Ông nêu quan điểm: “Nếu Nga có kế hoạch xây dựng đường ống dẫn sang Trung Quốc với công suất tương đương với các đường ống dẫn vào châu Âu, đất nước này có thể sẽ phải chờ vài thập niên".

Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Tàu chở LNG. (Nguồn: istock)

Châu Âu "say sưa" với LNG Nga

Các chuyên gia cũng nhận thấy, một nghịch lý đang xảy ra tại châu Âu. Đó là dù đã dần "buông tay" khí đốt tự nhiên, nhưng khu vực này vẫn "say sưa" mua LNG của Nga.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, EU đã mua 21,6 triệu m3 LNG từ Nga. Lượng LNG này chiếm 16% tổng LNG EU nhập vào và đưa Nga thành nhà cung cấp LNG cho châu Âu lớn thứ hai, sau Mỹ.

Lượng LNG nhập khẩu trên cao hơn 40% so với cùng kỳ năm 2021, thời điểm trước khi chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine bắt đầu.

Financial Times đánh giá, mức tăng nói trên được xem là rất cao, khi tỉ lệ tăng trung bình cả thế giới trong khoảng thời gian trên chỉ là 6%.

Hiện tại, châu Âu đang tích cực đóng góp hàng tỷ Euro cho Điện Kremlin. 7 tháng đầu năm 2023, Nga thu về 5,29 tỷ Euro (tương đương 5,77 tỷ USD) nhờ bán LNG cho các nước EU.

Trong đó, Bỉ và Tây Ban Nha lần lượt là nước nhập LNG của Nga nhiều thứ hai và thứ ba, chỉ xếp sau Trung Quốc.

Việc EU tăng nhập khẩu LNG Nga đã làm suy yếu kế hoạch của khối về việc trở nên độc lập khỏi tất cả các nhiên liệu hóa thạch của nước này vào năm 2027.

Đầu năm nay, Ủy viên năng lượng của EU Kadri Simson đã kêu gọi các doanh nghiệp trong khu vực hạn chế ký hợp đồng mới với các nhà cung cấp LNG Nga. Các quốc gia như Hà Lan và Tây Ban Nha đang thực hiện các bước để ngừng mua mặt hàng này.

Nhưng theo các chuyên gia, nếu không có bất kỳ lệnh trừng phạt nào thì việc loại bỏ khí đốt của Nga vĩnh viễn sẽ phải mất thêm thời gian.

(theo DW)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khi-dot-nga-khien-mo-hinh-kinh-te-chau-au-trat-nhip-eu-dang-rot-tien-vao-dien-kremlin-240996.html