Khi đã lấy binh làm nghiệp - Bài 3: Phải nỗ lực phấn đấu, vươn lên (Tiếp theo và hết)

Trong môi trường khắc nghiệt về mọi mặt, Quân đội có nhiều quy định vừa là yêu cầu chấp hành, vừa khuyến khích quân nhân chủ động, tích cực, tự giác rèn luyện bản thân, vượt lên mọi hoàn cảnh. 10 lời thề danh dự của quân nhân, 12 điều kỷ luật của Quân đội chính là kim chỉ nam cho mọi hành động của quân nhân.

Đã tự nguyện thì hãy tự giác

Bảo vệ Tổ quốc vừa là trách nhiệm, vừa là bổn phận của mọi công dân, nhưng Quân đội không ép buộc bất cứ ai phải gắn bó, phục vụ lâu dài. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Quân đội đặt ra điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn, tuyển dụng đối với công dân là phải “có nguyện vọng”, “tự nguyện phục vụ Quân đội” và được cụ thể hóa vào Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2014, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng năm 2015. Điều này xuất phát từ thực tế khách quan tính chất công việc, đặc thù nhiệm vụ và điều kiện, môi trường công tác của Quân đội luôn đòi hỏi tính tự giác, kỷ luật cao, đoàn kết trên dưới thống nhất như một thì mới tạo nên sức mạnh chiến thắng mọi kẻ thù.

 Bộ đội Tiểu đoàn Phòng hóa 893 (Bộ Tham mưu Quân khu 9) huấn luyện tiêu tẩy phương tiện, khí tài.

Bộ đội Tiểu đoàn Phòng hóa 893 (Bộ Tham mưu Quân khu 9) huấn luyện tiêu tẩy phương tiện, khí tài.

Đại tá Nguyễn Văn Long, Phó chính ủy Sư đoàn 8 (Quân khu 9) nhớ lại: “Những ngày đầu trong quân ngũ, tôi cũng như anh em khác, chưa bao giờ được biết 11 chế độ trong ngày, 3 chế độ trong tuần, gấp chăn vuông góc, “3 bước đi, 5 bước chạy”... Nhưng tôi xác định, muốn lấy binh làm nghiệp, muốn trở thành người sĩ quan thì trước hết phải trở thành người chiến sĩ tốt, suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Suy nghĩ đó giúp tôi luôn đón nhận mọi yêu cầu, nhiệm vụ một cách nhẹ nhàng như là vinh dự, trách nhiệm của bản thân; coi khó khăn là thử thách; tu dưỡng, rèn luyện là nhu cầu tự thân”.

30 năm gắn bó với đảo Bạch Long Vĩ, Thiếu tá QNCN Lê Anh Tuấn, nhân viên bảo quản Tiểu đoàn Phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ (Bộ CHQS TP Hải Phòng) vẫn còn nhớ như in những ngày đầu ra đảo. Doanh trại đơn vị nhiều nơi là tường đất, không điện, đêm nằm sạp ngủ. Mùa khô giếng khơi cạn trơ đáy, anh em phải khoét một lỗ sâu ở đáy giếng, sau đó sáng sớm hôm sau trèo thang xuống, dùng lon bia múc nước đổ vào xô dùng sinh hoạt cho cả ngày. Hiếm lắm mới có tàu ra đảo nên mỗi năm anh em thay nhau nghỉ phép một lần. Bây giờ thì việc đi lại đã khá hơn nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào tàu, thuyền từ đất liền ra nên khoảng 2 tháng anh em mới đi tranh thủ hoặc đi phép một lần.

“Nhiều lần gần đến ngày về thì có bão đổ bộ hoặc nhiệm vụ trực đột xuất nên phải hoãn. Kế hoạch đưa cả nhà đi chơi, thăm họ hàng cũng đành hủy trong sự hụt hẫng của vợ, con. Những lúc đó, tôi chỉ nghĩ nhiệm vụ là trên hết. Mình đã tự nguyện phục vụ, được Quân đội nuôi dưỡng, rèn luyện, trưởng thành qua bao nhiêu năm mới có ngày hôm nay thì sao lại kêu ca, than vãn. Hơn nữa, so với nhiều đồng đội, tôi thấy mình vẫn may mắn hơn...”, Thiếu tá QNCN Lê Anh Tuấn chia sẻ.

Nhắn nhủ với lớp cán bộ hôm nay, nhất là đội ngũ sĩ quan, QNCN tuổi đời còn trẻ, Thiếu tướng Hoàng Kiền, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh cho rằng: Khi đã lấy binh làm nghiệp, lựa chọn trở thành quân nhân cách mạng trong Quân đội nhân dân Việt Nam thì ngoài việc tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện sức khỏe, mỗi quân nhân cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng".

“Gái có công, chồng chẳng phụ”

Như chúng tôi đã đề cập, không có nghề nghiệp nào mà một bước là tới thành công. Bởi vậy, muốn có thành công mỗi người đều phải nỗ lực phấn đấu. Năm 2021, thời điểm bùng phát dịch Covid-19, dù biết trước hiểm nguy, có thể phải hy sinh cả tính mạng nhưng rất nhiều cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trong toàn quân đã viết đơn tình nguyện xung phong vào tâm dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Tinh thần ấy thể hiện rõ nét phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Xung phong vào tâm dịch, giúp dân phòng, chống dịch khi ấy chắc hẳn chẳng ai nghĩ mình sẽ được gì, khen thưởng ở mức nào. Tâm nguyện khi ấy của mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội là đều nỗ lực, cố gắng góp một phần sức lực của mình để người dân bớt khổ; để những đứa trẻ không bỗng chốc trở thành... mồ côi.

Buổi huấn luyện thể lực của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 43, Sư đoàn 395 (Quân khu 3). Ảnh: TÀI TRƯỜNG

Buổi huấn luyện thể lực của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 43, Sư đoàn 395 (Quân khu 3). Ảnh: TÀI TRƯỜNG

Thượng úy QNCN Huỳnh Văn Dương, nhân viên tài chính Tiểu đoàn 308, Trung đoàn 3, Sư đoàn 330 (Quân khu 9) nhớ lại: “Nhận nhiệm vụ tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh là tôi lên đường, không mảy may suy nghĩ thiệt hơn gì. Khi về đơn vị lại bắt tay vào công việc của mình. Đến khi nhận quyết định thăng quân hàm trước niên hạn do có thành tích trong phòng, chống dịch Covid-19, tôi rất vui vì được cấp trên ghi nhận, đề bạt”.

Với mong muốn được phục vụ lâu dài trong Quân đội, năm 2012, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Nguyễn Văn Tùng tiếp tục ôn thi và trúng tuyển vào Trường Sĩ quan Chính trị. Tháng 8-2017, tốt nghiệp ra trường, anh đăng ký nguyện vọng về công tác tại Quân khu 4 và được cấp trên điều động giữ cương vị Chính trị viên phó đại đội ở Trung đoàn 1, Sư đoàn 324.

Mặc dù được đào tạo cơ bản, song ở đơn vị chủ lực làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu với cường độ cao, lại xa gia đình, anh gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ. Được cấp trên động viên, tin tưởng, giúp đỡ, tạo điều kiện, Nguyễn Văn Tùng đã nỗ lực khẳng định bản thân qua các hội thi, hội thao và nhiều nhiệm vụ, vị trí quan trọng từ Chính trị viên phó đại đội lên Chính trị viên đại đội, Trợ lý tuyên huấn Trung đoàn 1 và nay là Chính trị viên phó Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 3, Sư đoàn 324. Ngẫm lại hơn 10 năm công tác trong Quân đội, Đại úy Nguyễn Văn Tùng chia sẻ: “Tôi luôn nghĩ rằng, khi đã tâm huyết, trách nhiệm, tích cực đóng góp xây dựng đơn vị thì việc khó thành dễ. Ai cũng mong được phân công công tác đúng nguyện vọng, nhưng các đơn vị Quân đội đóng quân khắp mọi miền Tổ quốc nên rất khó đáp ứng hết mong muốn. Hơn nữa, nếu ai cũng công tác tại địa bàn thuận lợi thì những nơi khó khăn, vất vả sẽ dành cho ai?”.

Vừa là lãnh đạo, chỉ huy, vừa là người anh trong đơn vị, Đại tá Nguyễn Sơn, Chính ủy Lữ đoàn 513 (Quân khu 3) tâm sự: “Môi trường nào cũng có mặt tích cực và hạn chế. Nhưng đã xác định theo con đường binh nghiệp thì phải có lập trường, tư tưởng vững vàng, không ngại khó, ngại khổ mà hãy mạnh dạn lao vào nơi gian khó vì càng khó, càng vất vả thì càng có nhiều kinh nghiệm, sớm trưởng thành. Tương lai là do mình quyết định từ hôm nay, nếu quyết tâm phấn đấu thì chắc chắn sẽ thu được thành quả bởi lãnh đạo, chỉ huy đơn vị luôn ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của mỗi cá nhân. Vinh quang không thể hiện ở chỗ mình làm tới chức vụ nào mà quan trọng là mình đã làm được những gì, cống hiến được bao nhiêu cho mục tiêu, lý tưởng mà mình theo đuổi”.

Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN - NGUYỄN TRƯỜNG - HỮU TÀI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/khi-da-lay-binh-lam-nghiep-bai-3-phai-no-luc-phan-dau-vuon-len-tiep-theo-va-het-756078