Khi đã lấy binh làm nghiệp - Bài 1: Nghề luôn sẵn sàng hy sinh cả tính mạng

LTS: Binh nghiệp - một từ nghe rất đỗi gần gũi, mộc mạc, giản dị nhưng cũng phảng phất, chất chứa đầy gian nan, thử thách. Và thực tế, quyết định gắn bó, công tác lâu dài trong Quân đội nhân dân Việt Nam - theo con đường binh nghiệp cũng là chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ, chỉ được phép tiến lên với mục tiêu: Vì nhân dân phục vụ. Để hiểu rõ hơn về một nghề mà đức hy sinh phải trở thành lẽ sống, coi mục tiêu, lý tưởng cao hơn sinh mệnh bản thân, Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc loạt bài 'Khi đã lấy binh làm nghiệp'.

Binh nghiệp là gì? Vì sao không gọi là nghề bộ đội hay nghề Quân đội như cách gọi nhiều nghề nghiệp khác mà lại gọi là binh nghiệp? Những câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng hiểu hết, đã thôi thúc chúng tôi tìm hiểu để lý giải thỏa đáng.

Hơn cả một nghề

Vì tính chất nghề nghiệp, đặc thù nhiệm vụ nên ngoài đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ, chỉ những người có phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe, lý lịch rõ ràng và tự nguyện phục vụ mới được tuyển chọn vào công tác lâu dài trong Quân đội. Tiêu chuẩn, nghĩa vụ hàng đầu của họ là tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đặc biệt, đối với sĩ quan và QNCN còn phải thực hiện nghĩa vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao... theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2014, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng năm 2015.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 513 (Quân khu 3) tham gia diễn tập thực binh năm 2022.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 513 (Quân khu 3) tham gia diễn tập thực binh năm 2022.

Thượng tá Nguyễn Đình Tuấn, Chính ủy Trung đoàn 2, Sư đoàn 395 (Quân khu 3) cho rằng: “Vì lý tưởng cách mạng, tinh thần sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân nên quân nhân khác với lao động ở các ngành nghề khác. Họ không đơn thuần chỉ thực hiện chức trách, nhiệm vụ để nhận lương, không thích thì nghỉ việc, nhảy việc khác mà phải chấp hành quy định, kỷ luật khắt khe, chấp nhận nhiều hy sinh, chịu đựng mọi gian khổ, rèn luyện ý chí sắt đá mới dám xông pha vào những nơi gian khó dù biết phía trước là hiểm nguy, phải hy sinh tính mạng. Chính vì thế, binh nghiệp còn hơn cả một nghề và càng không thể gọi là nghề bộ đội hay nghề Quân đội”.

Trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và có 45 năm công tác trong Quân đội, hàng chục năm lăn lộn, gắn bó với nhiệm vụ xây dựng biển, đảo Tổ quốc, nhiều lần ở giữa lằn ranh sống-chết, Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh chiêm nghiệm: “Binh nghiệp là một nghề thấm đẫm mồ hôi trên thao trường, máu nơi chiến trường. Binh nghiệp là sự nghiệp quân sự. Chỉ những người tự nguyện gắn bó, công tác lâu dài trong Quân đội như sĩ quan, QNCN, công nhân và viên chức quốc phòng mới gọi là lấy binh làm nghiệp. Lựa chọn con đường binh nghiệp là chọn môi trường rộng lớn, nhiều cơ hội, lĩnh vực cho lớp trẻ được rèn luyện, cống hiến tài năng, phấn đấu vươn lên”.

Cũng là người lính chiến và có 40 năm trong quân ngũ, Đại tá, PGS, TS Nguyễn Thanh Tú, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội cắt nghĩa thêm: “Nghiệp” chúng ta đang hiểu có gốc từ Phật giáo (gọi là Kamma) chỉ hành động, hay việc làm xuất phát từ tâm ý mình. Nghiệp là những hành động có chủ ý, sẽ đưa đến những quả báo (hệ quả/hậu quả) tương xứng trong hiện tại và mai sau. “Nghề” là nói đến sự hiểu biết và kỹ năng chuyên sâu về một lĩnh vực chuyên môn. Còn “nghiệp” hiểu theo nghĩa thông thường là “duyên nợ” (duyên nghiệp) với một nghề mà mình đã tự nguyện lựa chọn và theo đuổi suốt cuộc đời.

Nhưng tại sao không nói “giáo nghiệp” mà lại nói “binh nghiệp”? Vì tính chất “quả báo” của nghề. Nghề nhà binh luôn gắn liền với sinh mệnh (sống-chết) tức “quả báo” cao, sâu sắc hơn mọi nghề khác. Các nghề khác thì không như vậy! Chọn binh nghiệp tức là phải tâm huyết cao nhất, sẵn sàng hy sinh, do vậy, phải quyết tâm, phải gắn bó, phải đặt mục tiêu, lý tưởng cao hơn sinh mệnh mình”.

Binh nghiệp - đường nhiều chông gai, thử thách

Xin bắt đầu từ một ví dụ nhỏ. Máy điều hòa nhiệt độ-tiện nghi phổ biến, thiết yếu, quen thuộc với các gia đình, các cơ quan, nhưng ở nhiều đơn vị Quân đội, nhất là các đơn vị chủ lực, đủ quân, đó vẫn là hàng hiếm. Bởi theo quy định hiện hành, hầu hết phòng ở, phòng làm việc của sĩ quan đều chỉ được trang bị quạt trần, quạt cá nhân, bóng điện và dù có điều kiện, muốn lắp điều hòa cũng không được. Không phải vì đất nước khó khăn nên Quân đội không thể trang bị hay thiếu quan tâm, tạo điều kiện mà đơn giản là rèn luyện quân nhân thích ứng với sự khắc nghiệt của đặc thù lao động quân sự cũng như trên chiến trường; thử thách bản lĩnh, ý chí quyết tâm trước điều kiện gian khổ.

Có dịp về công tác tại đơn vị giữa những ngày tháng 6, tôi hỏi Thượng úy Phạm Văn Giao, Phó đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 (Quân khu 2) và nhiều sĩ quan có tuổi đời còn rất trẻ “nóng như thế anh em ngủ được không”? Câu trả lời chung của họ là “ngủ bình thường vì mệt và quen từ thời còn là học viên rồi”.

Bộ đội Kho 302, Cục Kỹ thuật Quân khu 9 thực hiện nhiệm vụ hủy nổ bom, mìn, vật nổ. Ảnh: HỮU TÀI

Bộ đội Kho 302, Cục Kỹ thuật Quân khu 9 thực hiện nhiệm vụ hủy nổ bom, mìn, vật nổ. Ảnh: HỮU TÀI

Đồng chí Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tâm sự: “Tôi từng là một người lính tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị những năm 1971-1972 và có nhiều năm công tác trong Quân đội nên rất thấu hiểu bộ đội, nhất là đội ngũ sĩ quan, QNCN. Thời nào họ cũng phải đối mặt với sự hy sinh, gian khổ, chịu nhiều thiệt thòi, có mặt ở những nơi khó khăn, nguy hiểm nhất. Một trong số đó là điều kiện công tác ngặt nghèo và những cám dỗ, tác động mặt trái của đời sống kinh tế-xã hội hiện nay. Đó là điều mà ai cũng thấy nhưng không phải ai cũng dám lựa chọn, đương đầu, đủ bản lĩnh vượt qua”.

Phần đông sĩ quan, QNCN, công nhân và viên chức quốc phòng vẫn bám trụ ở những nơi xa xôi, vất vả, trên khắp các dải biên cương và vùng biển, đảo của Tổ quốc ngày đêm canh trực, huấn luyện làm chủ vũ khí trang bị hiện đại, thuần thục các phương án chiến đấu để sẵn sàng đánh bại mọi hình thái tác chiến mới của địch trong tương lai, quản lý bộ đội, duy trì nền nếp trực sẵn sàng chiến đấu... Họ còn trực tiếp lao động, sản xuất trên các công trường, trong các nhà máy, vừa bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng vừa tạo ra của cải vật chất cho xã hội; có mặt ở mọi nơi vùng sâu, vùng xa, trực tiếp xây dựng địa bàn, hướng dẫn bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế; tham gia phòng, chống lụt bão, thiên tai, dịch bệnh và còn rất nhiều công việc, nhiệm vụ thầm lặng, đặc biệt khác... tất cả vì sự bình yên, vững bền của an ninh quốc gia, của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những nhiệm vụ đó đòi hỏi quân nhân phải chấp nhận hy sinh, thiệt thòi về nhiều mặt. Đó có thể là cả tuổi thanh xuân, là phần lớn cuộc đời phải xa gia đình, chịu cảnh “giường đơn gối chiếc”; là phải gác lại niềm vui quây quần, sum họp bên gia đình ngày cuối tuần, các dịp lễ, tết; quên đi nhiều thú vui của bạn bè cùng trang lứa đang công tác, làm việc ở môi trường khác.

Trung tá Lê Khắc Ngọc Anh, Phó chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 968 (Quân khu 4) chia sẻ: “Là cán bộ ở đơn vị chủ lực đủ quân làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cách nhà hơn 300km nên khoảng hơn một tháng, tôi về thăm gia đình một lần. Các dịp lễ, tết hay những đợt cao điểm tập trung cho nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, trực sẵn sàng chiến đấu, tôi luôn xác định rõ nhiệm vụ, động viên vợ, con, gia đình sau khi hoàn thành nhiệm vụ mới về thăm. Mọi việc trong gia đình chủ yếu do vợ tôi gánh vác, nhất là việc chăm sóc, nuôi dạy các con. Vắng bóng người đàn ông, vợ tôi gặp không ít khó khăn bởi nhà cửa xuống cấp, hư hỏng không kịp thời sửa chữa hay lúc bản thân, các con, bố mẹ ốm đau... Chỉ có những người ở vào hoàn cảnh này mới thấu hiểu nỗi xa cách”.

Còn Thiếu tá Nguyễn Khắc Đông, Đội trưởng Đội Trình Tường, Lâm trường 156, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327 (Quân khu 3) tâm sự: “Tôi có 12 năm gắn bó với vùng biên cương Đông Bắc. Đơn vị ở chót vót trên núi cao, giáp biên giới nên cuộc sống của cán bộ, nhân viên thiếu thốn đủ thứ. Xa trung tâm nên khoảng 3-4 ngày, chúng tôi lại thay phiên nhau xuống chợ huyện mua lương thực, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt. Tuy nhiên, thiếu thốn về vật chất không thấm gì so với cuộc sống buồn tẻ, cô lập trên núi. Nhiều khi chỉ mong có người ghé qua đơn vị để được trò chuyện. Khó khăn là vậy nhưng anh em vẫn động viên nhau kiên trì bám trụ giữ chắc biên cương”.

Càng từng trải, càng thấy mình lựa chọn đúng

Một trong những lý do tôi quyết định lựa chọn gắn bó lâu dài trong Quân đội nhân dân Việt Nam là để được thử thách, rèn luyện, phấn đấu. Và chính nơi tôi đang công tác đã và đang tôi luyện bản thân từng ngày, dạy cho tôi trưởng thành hơn, đủ mạnh để đương đầu với thử thách phía trước, biết trân quý những thành quả, sẻ chia trong cuộc sống, quan trọng hơn là được góp một phần công sức của mình bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Phút giải lao của cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang. Ảnh: NGUYỄN NINH

Phút giải lao của cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang. Ảnh: NGUYỄN NINH

Trước khi ra đảo An Bang công tác, tôi đã nghe kể rất nhiều về những khó khăn, vất vả ở đảo xa. Cụ thể như: Xa đất liền, ít nhất một năm không về thăm gia đình, lỡ người thân ốm đau cũng không thể về, có thể phải hy sinh tính mạng... Mặc dù vậy, tôi vẫn quyết định ra đảo công tác. Trước hết là để thực hiện hoài bão, khát vọng của bản thân; tiếp đến là rèn luyện mình hoàn thiện hơn về mọi mặt để sau này, dù ở cương vị công tác nào cũng sâu sát, gần gũi, thấu hiểu khó khăn của cán bộ, chiến sĩ, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của chính trị viên. Vì từng là chiến sĩ đóng quân ở đảo xa nên tôi ít bỡ ngỡ, bắt tay vào công việc được ngay. Trải qua những năm tháng trong quân ngũ, trở thành người sĩ quan hải quân gắn bó với biển, đảo Tổ quốc, tôi càng cảm thấy vinh dự, tự hào, thấy mình đã quyết định thật đúng đắn.

Thiếu tá PHAN VĂN ANH (Chính trị viên đảo An Bang, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân)

-----------------------

Quyết định đúng đắn trong cuộc đời

Trở thành quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam và lực lượng Bộ đội Biên phòng nói riêng là ước mơ từ khi tôi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vì vậy, tôi quyết định đăng ký và trúng tuyển vào Học viện Biên phòng, chuyên ngành phòng, chống ma túy và tội phạm. Đây là niềm vinh dự, tự hào lớn của bản thân và cả gia đình tôi. Trong Quân đội, tôi được rèn luyện cả về tính cách, lối sống, tư duy, ý chí giúp trưởng thành mọi mặt.

Đại úy Hà Anh Tuấn cùng với người có uy tín, đoàn viên, thanh niên đi tuyên truyền, vận động người dân tại xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: VÕ VĂN TIẾN

Đại úy Hà Anh Tuấn cùng với người có uy tín, đoàn viên, thanh niên đi tuyên truyền, vận động người dân tại xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: VÕ VĂN TIẾN

Khoảng thời gian đi thực tế ở cơ sở là lúc tôi hiểu rõ hơn về những khó khăn, vất vả của người lính nơi biên giới; về tính chất công việc và những hiểm nguy của người chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống ma túy và tội phạm.

Tốt nghiệp, tôi được phân công về Đồn Biên phòng Phong Hải (Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế) đóng quân ở địa bàn biên giới biển. Những ngày đầu đúng vào mùa mưa lũ, tôi cùng đồng đội tham gia giúp đỡ, hỗ trợ người dân phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, di dời người và tài sản của người dân; giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai...

Cả ngày dầm mình trong mưa bão nhưng với trách nhiệm của người chiến sĩ biên phòng và sự yêu mến của nhân dân đã giúp tôi nhanh chóng hòa nhập, bắt nhịp với môi trường, nhiệm vụ nơi đây. Sau hơn hai năm, tôi được điều động lên công tác tại bộ chỉ huy và bây giờ là Đội trưởng Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Nhâm (Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế) trên tuyến biên giới Việt Nam-Lào.

Nơi vùng cao biên giới, địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc thực hiện nhiệm vụ gặp không ít khó khăn. Sau khoảng thời gian tiếp cận, được sự hướng dẫn, giúp đỡ của chỉ huy đơn vị và đồng đội, tôi đã bắt nhịp được với quỹ đạo sinh hoạt, học tập, công tác ở đơn vị mới, yêu hơn mảnh đất biên cương và đồng bào các dân tộc.

Biên giới biển, biên giới đất liền đều có những đặc trưng riêng và thuận lợi, khó khăn nhất định. Nhưng ở đâu tôi cũng được sống trong sự sẻ chia của đồng đội cùng niềm tin yêu của chính quyền, người dân địa phương. Quan trọng hơn là tôi được thỏa ước mong, làm việc với đam mê, góp một phần tuổi trẻ, công sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Dù còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng trở thành người chiến sĩ biên phòng là một trong những quyết định đúng đắn nhất của tôi.

Đại úy HÀ ANH TUẤN (Đội trưởng Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Nhâm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế).

-----------------------

Tự hào là chiến đấu viên

Ông nội tôi từng là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, lập nhiều chiến công, được tặng nhiều huân, huy chương. Chính ông là người định hướng, động viên tôi viết đơn tình nguyện nhập ngũ, nỗ lực phấn đấu trở thành chiến đấu viên thực thụ của Tiểu đoàn Đặc công 409, Bộ Tham mưu Quân khu 5.

Bộ đội Tiểu đoàn Đặc công 409, Bộ Tham mưu Quân khu 5 luyện tập nhảy dù, đánh chiếm mục tiêu. Ảnh: TRỌNG KHANG

Bộ đội Tiểu đoàn Đặc công 409, Bộ Tham mưu Quân khu 5 luyện tập nhảy dù, đánh chiếm mục tiêu. Ảnh: TRỌNG KHANG

Bất luận mọi điều kiện thời tiết, các bài tập nhảy dù, đấu võ, bơi sông, bơi biển, đu dây tử thần, vượt tường cao, nhảy qua vòng lửa, vừa tuột dây vừa bắn súng, tấn công tiêu diệt khủng bố, giải thoát con tin... vẫn được duy trì hằng ngày. Tuy được trang bị nhiều phương tiện bảo hộ tối tân hiện đại, song do tính chất nguy hiểm, cường độ huấn luyện cao nên thi thoảng vẫn có đồng chí gặp phải chấn thương. Xác định “khổ luyện thành tài, chai tay bắn giỏi”, “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, chúng tôi luôn động viên nhau cùng cố gắng.

Tuy huấn luyện vất vả, ít có điều kiện chăm lo gia đình, đồng lương còn hạn chế nhưng đã viết đơn tự nguyện phục vụ, xác định theo con đường binh nghiệp tiếp nối truyền thống gia đình nên tôi không so đo, tính toán thiệt hơn để tập trung vào nhiệm vụ, vững bước trên con đường đã lựa chọn. Trên con đường ấy, tôi không cô đơn, lẻ loi mà còn có cấp trên, đồng đội, gia đình đồng hành, sẻ chia, là điểm tựa vững vàng giúp tôi vượt qua khó khăn, thử thách, cám dỗ, yên tâm cống hiến, thực hiện mục tiêu, lý tưởng cao đẹp và viết tiếp chiến công của các thế hệ cha anh.

Thượng úy QNCN ĐẬU VĂN CÔNG (Chiến đấu viên Đại đội 1, Tiểu đoàn Đặc công 409, Bộ Tham mưu Quân khu 5)

(còn nữa)

Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN - NGUYỄN TRƯỜNG - HỮU TÀI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/khi-da-lay-binh-lam-nghiep-bai-1-nghe-luon-san-sang-hy-sinh-ca-tinh-mang-755895