Khi 'cô gái vàng' xé vụn chiếc mặt nạ Barbie

Búp bê trượt băng nghệ thuật của Mỹ - Gracie Gold - đã lột bỏ chiếc 'mặt nạ Barbie' và kể lại những góc khuất đằng sau cuộc sống của mình.

Có một thực tế đặc biệt trong môn trượt băng nghệ thuật nữ. Đó là vận động viên được đào tạo để nở nụ cười tươi hơn sau mỗi cú ngã giữa màn biểu diễn, gửi đi thông điệp rằng mọi thứ đều ổn ngay cả khi hy vọng cạnh tranh giành giải của họ đang dần tiêu tan.

Trong nhiều năm, Gracie Gold là một trong những người giỏi nhất thế giới - không chỉ ở môn trượt băng mà còn ở nụ cười tươi trong mọi tình huống khó khăn, theo Wall Street Journal.

Tuy nhiên, sau đó, cô đã trải qua khoảng thời gian suy sụp trước Olympic 2018. Đó cũng là lúc cô mở lòng kể về mọi thứ mà cô thực sự nghĩ - đặt ra những câu hỏi mới về mặt trái khác của bộ môn thể thao đỉnh cao.

Cuốn hồi ký Outofshapeworthlessloser của Gold được xuất bản ngày 6/2, sẽ phá bỏ “lăng kính màu hồng" về bộ môn thể thao nghệ thuật đẹp mắt.

Nó bao gồm cáo buộc rằng năm 21 tuổi, cô đã bị vận động viên trượt băng khác cưỡng hiếp tại bữa tiệc sau sự kiện - và 5 năm sau khi vụ việc được báo cáo cho Trung tâm Thể thao An toàn Mỹ, cô vẫn không biết vụ việc đã được giải quyết chưa.

Đau lòng không kém là lời tường thuật về việc các môn thể thao được yêu thích có thể trở nên không lành mạnh đến mức nào, nhưng tại sao vận động viên vẫn theo đuổi chúng.

"Đội tuyển trượt băng quốc gia Mỹ nên được trao giấy bút để liệt kê những ảnh hưởng phụ mà họ có thể trải qua trong quá trình thăng tiến: Rối loạn ăn uống, trầm cảm, lo âu, ý nghĩ tự tử", Gold viết trong cuốn sách.

Gracie Gold là nữ vận động viên trượt băng nghệ thuật nổi tiếng của nước Mỹ. Ảnh: Jay Adeff/ U.S Figure Skating.

Góc khuất

“Rất ít người yêu thích tính thẩm mỹ của bộ môn này muốn nói về cách vận động viên trượt băng giữ vóc dáng nhỏ con, hay cơ thể nào phù hợp nhất để thực hiện cú xoay 3 1/2 hoặc 4 vòng trên không trong thời gian chưa đầy một giây… bởi sự thật những gì vận động viên trượt băng phải trải qua để đạt đẳng cấp thế giới không mấy đẹp đẽ”, cô nói.

“Nhằm đảm bảo sự xuất sắc, gần như không thể tránh khỏi những hành vi ám ảnh ảnh hưởng đến chế độ ăn uống của chúng tôi”, cô cho hay.

Gold không ngần ngại tự nhận mình là “người theo chủ nghĩa cầu toàn hay phán xét, với xu hướng tự hủy hoại bản thân”, được thúc đẩy bởi lối suy nghĩ “luôn làm mọi thứ tốt nhất” và “giả vờ cho đến khi thật sự làm được” để có được hạnh phúc.

Theo cô, điều nguy hiểm là trượt băng nghệ thuật củng cố tất cả đặc điểm đó.

"Đối với tôi, trượt băng, với sự tập trung vào tính chính xác và độ hoàn hảo, là nỗi ám ảnh lý tưởng", cô cho hay.

Gracie Gold từng được đánh giá là hy vọng trượt băng lớn nhất của Mỹ tại Thế vận hội Sochi 2014. Tuy nhiên, cô chỉ đứng thứ 4 trong nội dung cá nhân nữ năm đó - yếu tố khiến Gold suy sụp và buồn chán.

“Thật ngạc nhiên là khi đó tôi vẫn giữ được khuôn mặt búp bê Barbie (ám chỉ vẫn nở nụ cười tươi) trước những cảm xúc mãnh liệt mà tôi hầu như không thể kiềm chế được”, cô kể lại thời điểm đó.

Gracie Gold xếp thứ 4 đơn nữ tại Olympic Sochi 2014. Ảnh: New York Times.

Chứng rối loạn ăn uống của cô, vốn có từ lâu trước Thế vận hội Sochi, ngày càng rõ đến mức cô sử dụng cả thuốc nhuận tràng.

Gold tiếp tục phải vật lộn với hậu quả của màn trình diễn không hoàn hảo tại giải vô địch thế giới 2016.

Mùa giải tiếp theo là thảm họa và không chỉ vậy, vụ cưỡng hiếp xảy ra vào khoảng thời gian này, ngay trong căn phòng khách sạn nơi cô và chị gái tổ chức sự kiện sau bữa tiệc.

Với ý định tự tử và sau khi tăng hơn 22 kg, Gold đến trại huấn luyện quốc gia vào đầu mùa Olympic 2017-2018. Sau đó, cô rời đi, tới Arizona, tìm kiếm sự giúp đỡ để điều trị chứng rối loạn ăn uống và được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm nặng, lo âu cùng rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở mức độ vừa phải.

Một thời gian sau, cô nói với quan chức trượt băng nghệ thuật Mỹ về vụ cưỡng hiếp. Người này đã báo cáo vụ việc với Trung tâm Thể thao An toàn Mỹ.

Tuy nhiên, Gold cho biết 2 năm sau đó mới có người từ trung tâm liên lạc với cô để tìm hiểu thêm, và cô không nghe thấy thêm thông tin gì kể từ đó. Tất cả điều cô biết là hiện tại là vụ việc đã được chuyển cho một người quản lý hồ sơ khác phụ trách.

“Trung tâm đang xem xét kỹ lưỡng vụ việc này và quyết tâm tìm hiểu lý do dẫn đến sự chậm trễ không thể chấp nhận được”, giám đốc điều hành Trung tâm Ju'Riese Colón sau đó cho hay.

Hy vọng thấy sự thay đổi

Sự nghiệp của Gold là câu chuyện khiến nhiều người đau lòng khi đọc, nhưng nó gợi lên suy ngẫm về khía cạnh khác, ít biết đến của bộ môn thể thao nghệ thuật.

Đằng sau nụ cười, ít ai biết Gold mắc chứng trầm cảm nặng, lo âu. Ảnh: Robert Deutsch/ USA TODAY Sports.

Nhiều phần trong cuốn hồi ký có thể phản ánh chính xác cuộc đời của một số vận động viên trượt băng - những người phải tập luyện toàn thời gian, học tại nhà, chịu áp lực từ mạng xã hội, gia đình tan vỡ và thường xuyên phải chuyển nơi sống để huấn luyện.

Đi kèm với đó là yêu cầu khắt khe trong việc quản lý sự phát triển về thể chất vào độ tuổi dậy thì để có được vóc dáng mảnh mai mà bộ môn này đòi hỏi.

Dù vậy, trong một cuộc phỏng vấn, Gracie Gold từng chia sẻ cô không có ý định “buộc tội” môn thể thao này.

Cô vẫn lựa chọn quay trở lại sau thời gian phục hồi, một phần vì muốn biết liệu cô có thể trở thành vận động viên trượt băng mà không làm ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và cơ thể hay không. Phần còn lại vì cô vẫn yêu thích nó.

"Phần khó khăn nhất, tôi nghĩ, khi viết cuốn sách là đảm bảo mọi người không ghét trượt băng", cô nói. "Tôi không nghĩ trượt băng là kẻ thù. Tôi chỉ nghĩ rằng còn có rất nhiều thứ xung quanh nó".

Gold đề xuất ý tưởng bao gồm thiết lập đường dây nóng giữa huấn luyện viên với vận động viên trượt băng thiếu niên, xem xét lại mối liên kết giữa cân nặng và cú nhảy, đồng thời khuyến khích vận động viên nghỉ một mùa thi đấu để giải quyết sức khỏe tinh thần nếu cần thiết.

"Tôi hy vọng rằng trong vòng 10, 20, 30 năm tới chúng ta có thể thấy nhiều thay đổi", cô chia sẻ.

Minh An

Nguồn Znews: https://znews.vn/khi-co-gai-vang-xe-vun-chiec-mat-na-barbie-post1458744.html