Khi các 'đàn anh' chuẩn bị Olympic

Thể thao Hà Nội và TPHCM luôn dẫn đầu cả nước về thành tích cao, số lượng huy chương quốc tế. Nhưng tại đấu trường Thế vận hội (Olympic), số lượng tuyển thủ của hai 'đàn anh' này không còn áp đảo như trước, cũng không có được thành tích vượt trội so với nhiều địa phương, ngành khác.

Quyết tâm thôi chưa đủ

Ở 3 kỳ Thế vận hội gần nhất thể thao Việt Nam giành được huy chương, VĐV đều không phải của Hà Nội hay TPHCM (năm 2008 là lực sĩ Hoàng Anh Tuấn của Bắc Ninh; năm 2012 là lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn của Đà Nẵng; năm 2016 là xạ thủ Hoàng Xuân Vinh của thể thao Quân đội).

Trước thềm Olympic Paris 2024 (khởi tranh tháng 7 tới), đoàn thể thao Việt Nam có 9 suất chính thức tham dự Thế vận hội, gồm: Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Võ Thị Kim Anh (quyền Anh), Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Trịnh Văn Vinh (cử tạ), Nguyễn Thùy Linh (cầu lông), Nguyễn Thị Hương (canoeing), Phạm Thị Huệ (rowing), trong khi mục tiêu được ngành thể thao đặt ra là phải có 12-15 suất.

Dù đặt nhiều quyết tâm song đến nay, TPHCM mới có gương mặt đầu tiên là xạ thủ Lê Thị Mộng Tuyền giành được suất chính thức dự Olympic Paris 2024 ở nội dung 10m súng trường hơi nữ, sau khi thi đấu ấn tượng tại giải vô địch châu Á năm 2024 hồi đầu năm. Với vị thế và tầm vóc của thể thao TPHCM, 1 suất là chưa đủ. Các tuyển thủ Nguyễn Văn khánh Phong, Đặng Ngọc Xuân Thiện, Văn Vĩ Lương (TDDC), Lý Hồng Phúc (taekwondo), Nguyễn Trần Anh Tuấn (cử tạ), Mai Hoàng Mỹ Trang, Nguyễn Khoa Diệu Khánh (bóng bàn), Phan Xuân Chuyên, Phan Công Minh (bắn súng) đang nhận lãnh trách nhiệm giúp thể thao TPHCM có thêm suất tham dự ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh năm nay.

Xạ thủ Lê Thị Mộng Tuyền (TPHCM) giành suất chính thức dự Olympic Paris 2024 ở môn súng trường nữ. Ảnh: P.MINH

Trong khi đó, thể thao Hà Nội vẫn chưa có VĐV giành được suất dự Olympic 2024. UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch chi tiết về hoạt động thể thao thành tích cao trong năm 2024, mà mục tiêu Olympic Paris được chỉ ra rất cụ thể đối với các môn bắn cung, quyền Anh, đua thuyền và đấu kiếm. Có điều, đến hiện tại vẫn chưa có VĐV nào cụ thể hóa được giấc mơ đó. Trọng trách thành tích đang đặt lên vai của Nguyễn Thị Hằng (điền kinh), Nguyễn Anh Tú, Đinh Anh Hoàng (bóng bàn), Đinh Thị Hảo (rowing), Hà Thị Linh, Nguyễn Thị Tâm, Lưu Diễm Quỳnh (quyền Anh), Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Đạt Mạnh, Hoàng Thị Mai (bắn cung).

Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt nhận định, mỗi VĐV trọng điểm được tập trung cho vòng loại Olympic đều có khả năng chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm qua các đấu trường SEA Games, Asiad nên mới được chọn lựa và trao gửi sự kỳ vọng. Tuy nhiên, lấy được suất chính thức dự Olympic hay không còn dựa trên nhiều yếu tố khác nữa, trong đó có cả sự may mắn.

Hai “anh lớn” cần tăng tốc

Lâu nay, Hà Nội và TPHCM là 2 địa phương sở hữu nguồn lực tài chính, cơ sở tập luyện thể thao lớn nhất cả nước. Quân số (HLV, VĐV) mà 2 đơn vị này đóng góp cho các đội tuyển thể thao quốc gia cũng chiếm đa số. Nhưng tỷ lệ nghịch với điều đó là các tuyển thủ Hà Nội và TPHCM chỉ giành huy chương chủ yếu ở SEA Games, trong khi bước ra đấu trường Asiad và Olympic lại đang... thua so với các tỉnh thành và ngành khác, nhất là ở nhóm môn Olympic.

Hồi đầu tháng 3, trong buổi làm việc của lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, Cục TDTT với Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, các nhà quản lý ngành đã khẳng định rằng vòng loại tranh vé dự Olympic ngày càng khốc liệt và đòi hỏi trình độ của VĐV phải ở tầm châu lục trở lên. Trong bối cảnh khó khăn về kinh phí, nhưng ngành TDTT vẫn dành sự ưu tiên đầu tư cho gần 100 VĐV trọng điểm của Hà Nội, TPHCM và một số địa phương khác, vì mục tiêu Olympic 2024, xa hơn cho Olympic 2030.

Theo ông Mai Bá Hùng, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, trong khi ngành TDTT Hà Nội cũng như một số tỉnh thành có cơ sở vật chất tốt cho thể thao, đặc biệt là các trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT, thì cơ sở vật chất ở TPHCM chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Trung tâm đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội là nơi để các đội tuyển thể thao có thể ở, tập luyện, học văn hóa, thậm chí có thể tổ chức giải đấu. Nhưng TPHCM chưa có tổ hợp đầy đủ cơ sở vật chất để tập hợp các đội tuyển tập luyện, thi đấu, cho các VĐV có chỗ để học văn hóa. Nhiều năm qua, vì cơ sở vật chất không đảm bảo nên TPHCM phải đưa nhiều đội tuyển về... gửi ở các trung tâm thể thao, các quận huyện để có nơi tập luyện. Đến nay, TPHCM chưa có một sân vận động hiện đại với sức chứa lớn; không có một tổ hợp thi đấu các môn thể thao dưới nước; trường bắn điện tử… đủ tiêu chuẩn đăng cai đại hội tầm cỡ SEA Games.

Ngành TDTT Hà Nội và TPHCM dĩ nhiên đã hiểu quá rõ tình hình của mình, cho nên bắt buộc phải dồn toàn lực cho công tác đào tạo trẻ, đầu tư tập huấn và thi đấu quốc tế dài hạn cho các gương mặt nổi trội, nâng cấp và thậm chí phải xây mới hệ thống cơ sở tập luyện và thi đấu, đăng cai nhiều giải đấu quốc tế (cấp châu Á và thế giới) để trao cơ hội rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm cho VĐV, tiếp cận và hòa nhập vào làng thể thao thế giới trong tương lai.

Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt nhìn nhận, hiện thể thao Việt Nam còn đầu tư dàn trải. Nhìn thực tế, chế độ của các VĐV chưa phản ánh sự khác biệt cụ thể giữa tuyển thủ trọng điểm và tuyển thủ chưa trọng điểm. Những môn được đánh giá tiềm năng lớn thì ngành thể thao mới tập trung dài hạn. Những môn không phải nhóm Olympic, Asiad thì chỉ tập trung ngắn hạn và dành kinh phí cho các đội tuyển khác.

MINH CHIẾN - PHƯƠNG MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khi-cac-dan-anh-chuan-bi-olympic-post736780.html