Khi băng tan khiến chim cánh cụt đứng trước nguy cơ tuyệt chủng

Theo các nhà nghiên cứu, loài chim cánh cụt khó có thể sống sót qua cuối thế kỷ này nếu tốc độ phát thải khí nhà kính và tình trạng băng tan tiếp tục với tốc độ nhanh như hiện nay .

Một số vùng của Nam Cực đang nóng lên nhanh hơn bất cứ nơi nào khác trên Trái Đất. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới khu vực và các loài động vật hoang dã tại đây mà còn tác động tới phần còn lại của thế giới.

Các nhà khoa học quốc tế đã thực hiện chuyến thám hiểm chưa từng có vòng quanh lục địa Nam Cực nhằm đánh giá tác động của sự nóng lên toàn cầu đối với khu vực này, trong đó có hiện tượng băng tan gây lo ngại.

Bờ biển Nam Cực tràn ngập các tảng băng trôi. Một số có kích thước bằng sân vận động, số khác dài 10 km. Các tảng băng trôi tách ra từ sông băng hoặc tảng băng lớn, nổi lên trên mặt biển ở độ cao 100 m trong khi phần chìm bên dưới có thể sâu tới 500 m. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nước biển trong khu vực nóng hơn ước đoán và đã có bằng chứng đáng ngạc nhiên về sự tan chảy.

Những năm gần đây, các nhà khoa học nhận thấy chim cánh cụt ở Bán đảo Nam Cực đang rời bỏ khu vực này. Giới khoa học nghi ngờ rằng chim cánh cụt đang di chuyển tới phía nam tìm kiếm địa điểm lạnh hơn để đẻ trứng.

Lớp băng đại dương nơi loài chim cánh cụt này sinh sống đã bị tan ra và nứt vỡ trước khi những con chim non kịp phát triển bộ lông đủ ấm và không thấm nước để bơi trong đại dương.

Để tự sinh tồn, chim non phải phát triển bộ lông không thấm nước, một quá trình thường bắt đầu vào giữa tháng 12 và kéo dài vài tuần.

Ước tính đã có khoảng 10,000 con chim cánh cụt hoàng đế non bị chết vào cuối năm 2022 tại phía Tây Nam Cực ở một khu vực giáp Biển Bellingshausen. Theo phân tích, những con chim cánh cụt bị chết có thể là do đuối nước hoặc chết cóng.

Các nhà khoa học cũng cho biết nhiệt độ toàn cầu nóng lên đang khiến băng Nam Cực tan chảy, tạo ra nguồn nước khiến rêu phát triển và làm thay đổi môi trường sống của các loài động vật.

Nếu hiện tượng này tiếp diễn, các vùng đất không có băng sẽ được mở rộng trong khi các sông băng ngày càng thu hẹp và Bán đảo Nam Cực sẽ trở thành một địa điểm xanh tốt trong tương lai thay vì màu trắng của băng tuyết.

Hơn 90% cá thể chim cánh cụt được dự đoán gần như sẽ tuyệt chủng vào cuối thế kỷ 21, khi Trái đất liên tục nóng dần lên và khiến lớp băng đại dương tan chảy.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/khi-bang-tan-khien-chim-canh-cut-dung-truoc-nguy-co-tuyet-chung-post566465.antd