Khát vọng vươn lên từ cây lúa

Có lẽ, đã lâu rồi, người nông dân mới có niềm vui, phấn khởi đón Tết như năm nay khi lúa gạo 'được mùa, được giá'. Không vui sao được, bởi giá lúa giữ được cao cũng đồng nghĩa với người trồng lúa sẽ giàu lên...

Với nhiều nông dân trồng lúa, 2023 là năm mà họ bán được giá lúa cao kỷ lục. Ông Tạ Văn Bông, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Tân Bình (Thanh Bình, Đồng Tháp) hạnh phúc nói, việc giữ được giá lúa trên 9.000 đồng/kg, nông dân rất phấn khởi. Kể từ khi gieo trồng hạt lúa, đây là mức giá cao nhất.

“Được mùa, được giá”, nông dân phấn khởi

Trước đây, người trồng lúa lấy công làm lãi, với mức giá như hiện nay, cộng với khoa học kỹ thuật, người nông dân có thể làm giàu được từ cây lúa. Giá lúa dao động từ 9.000 – 11.000 đồng/kg, nông dân lãi từ 35 - 40%.

Nông dân phấn khởi vì năm 2023 trồng lúa được mùa được giá.

Chủ tịch HTX Tân Bình kể, giá lúa tăng kể từ vụ Thu Đông 2023 khi Ấn Độ bắt đầu áp lệnh cấm xuất khẩu gạo. Vụ Thu Đông năm nay, sản xuất gặp khó khăn do mưa nhiều nhưng vượt qua thiên tai, bà con có một vụ mùa bội thu, được mùa được giá.

Trước đây, nông dân tập trung xạ nếp nhiều (gieo trồng nếp). Nhưng nay, với tín hiệu thị trường tích cực, người dân quay trở lại trồng lúa rất nhiều. “Có lẽ, lâu rồi, nông dân mới có niềm vui, phấn khởi như vậy. Nếu giá lúa giữ được cao, người dân trồng lúa sẽ giàu được”, ông Tạ Văn Bông chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định: Năm 2023, Lúa gạo mặc dù giảm 9.000 ha nhưng năng suất tăng 1 tạ/ha, đem lại kết quả sản lượng gạo cả năm đạt 43,5 triệu tấn.

“Với mức giá như hiện nay, chỉ vài năm, người dân trồng lúa sẽ vươn lên, đổi mới và khá giả”, ông Bông tiếp tục nhấn mạnh. Được biết, HTX Tân Bình hiện có hơn 1.000 thành viên, với diện tích hơn 600 ha lúa.

Không chỉ ở Đồng Tháp, tâm trạng phấn khởi là cảm xúc mà nhiều nông dân trồng lúa trên cả nước nhận định về năm 2023. Nông dân Nguyễn Văn Danh, xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) chia sẻ, chưa năm nào “khỏe” như năm nay. Lúa vừa trổ bông là thương lái đến đặt tiền cọc trước. Lúa gần chín, có máy gặt đập liên hợp đến cắt, vận chuyển. Sau đó, chúng tôi chỉ việc đến ghi sản lượng lúa và cầm tiền về.

Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, ông Huỳnh Văn Thòn, đánh giá 2023 là năm gạo Việt Nam không chỉ được giá mà còn bán được dễ dàng, điều này đem lại kết quả ngay tức thì là lợi nhuận bà con nông dân tăng lên, đây là mong muốn không chỉ riêng nông dân mà cả xã hội. Sản phẩm làm ra được nhiều người mua thì nâng cao giá trị hạt gạo, vị thế Việt Nam.

Thêm vào đó, ngành lúa gạo đã thay đổi, chuyển dần quyền thương thảo từ người mua sang người bán, người sản xuất – tức là người nông dân. Bấy lâu nay, hạt gạo Việt Nam không bán được giá, vì quyền thương lượng nằm ở người mua, mặc dù nông dân sản xuất theo quy trình tốt, chất lượng cao, đáp ứng được tiêu chuẩn đòi hỏi nhưng giá gạo Việt Nam vẫn thấp.

Dẫn câu nói: “Nhất sỹ nhì nông, hết gạo chạy rông, hết nông nhì sỹ”, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời nhấn mạnh, đây là cơ hội để cả hệ thống chính trị vào cuộc giúp thế giới thừa nhận giá trị hạt gạo Việt Nam.

Tuy vậy, một trong những trăn trở của nông dân là làm sao giúp giữ giá gạo ở mức cao. “Giá lúa cao như hiện nay thì còn có lãi. Mấy vụ trước, giá lúa thấp, năng suất không cao. Nhà nông chúng tôi mong sao Nhà nước giữ giá lúa cao và không tăng giá vật tư nông nghiệp. Có như vậy, đời sống người trồng lúa mới khá lên được”, một nông dân chia sẻ.

Có thể thu hàng tỷ USD từ... vỏ trấu

Để giải quyết vấn đề trên, cuối năm 2023, Đề án phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long Long đến năm 2030 đã chính thức được phát động. Với đề án này, nông dân không chỉ bán lúa chất lượng cao mà còn có thể bán tín chỉ carbon, phế phẩm từ lúa gạo…

Đề án phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long Long đến năm 2030.

Theo Bộ NN&PTNT, trung bình sản xuất 1 tấn lúa tạo ra 0,6 tấn rơm, với giá bình quân 300.000 đồng/tấn rơm thì sẽ thu được thêm trên 2.000 tỷ đồng/năm nếu đạt tỷ lệ 100% rơm được thu gom và bán ra ngoài. Với việc quản lý rơm rạ tốt hơn, được thu gom và tái sử dụng sẽ không gây tác hại xấu đến môi trường mà còn góp phần tăng giá trị cho cây lúa.

Nếu năm 1989, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo, với sản lượng 1,4 triệu tấn, trị giá 320 triệu USD. Đến cuối năm 1999, gạo Việt đánh dấu cột mốc kim ngạch xuất khẩu vượt con số 1 tỷ USD với 4,6 triệu tấn, thì đến cuối năm 2023, sản lượng gạo xuất khẩu đã vượt 8 triệu tấn, doanh thu đạt 4,8 tỷ USD.

Trong khi đó, ông Cao Thăng Bình, chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho biết, nguồn phát thải khí từ trồng lúa khoảng 49,6 triệu tấn CO2 mỗi năm. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để “làm giàu”.

"Ngoài buôn bán lúa gạo thì sắp tới là buôn bán carbon, có như thế mới nâng cao thu nhập cho người trồng lúa và đóng góp chung cho quốc gia. Khi ấy, hạt gạo Việt Nam sẽ mang thương hiệu mới - đó là thương hiệu về chất lượng cao và phát thải thấp. Qua đó, chứng tỏ Việt Nam là một quốc gia sản xuất và cung cấp lương thực cho thế giới một cách có trách nhiệm" - ông Bình nhấn mạnh.

Tuy vậy, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời cũng thẳng thắn nhìn nhận, 1 triệu ha đất lúa là đáng quý, nhưng nếu chúng ta cứ động viên nông dân làm đi, mà thu nhập thực tế bình bình thì chưa ổn lắm. Điều này đòi hỏi giải pháp phải nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, bằng cách biến phụ phẩm lúa gạo như rơm, cám, trấu… thành giá trị gia tăng, hiệu quả và lợi nhuận theo cấp số nhân để nông dân có thu nhập ngang bằng hoặc cao hơn loại cây trồng khác.

Ví dụ, với 43 triệu tấn lúa thì hoàn toàn có khả năng thu gom về 5 triệu tấn trấu. 5 triệu tấn trấu có thể chế biến thành sản phẩm polyme về sinh học, sơn chống đạn, sơn chống cháy, chất chảy bề mặt xây dựng, nhiên liệu; bên cạnh đó còn có phế phẩm cám, tấm gạo… Giải quyết được bài toán này sẽ giải quyết khâu sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, đem lại doanh thu 50-52 tỷ USD, lợi nhuận 3-4 tỷ USD mỗi năm, bằng doanh số xuất khẩu gạo.

Tất nhiên, muốn phát triển công nghiệp phụ phẩm, bài toán về máy móc, nâng cao thiết bị công nghệ không hề dễ. “Nhưng nếu không có ước mơ, khát vọng thì không bao giờ thành hiện thực. Điều này sẽ đưa nông dân Việt Nam lên tầm cao mới”, ông Thòn nhắn nhủ.

Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, việc xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính là vấn đề khó, đòi hỏi sự tham gia của các cấp, các ngành và các thành phần kinh tế. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò quản lý, định hướng xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu và xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển hệ thống logistics, phát triển thương hiệu theo hướng lúa sinh thái, lúa phát thải thấp. Các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp giữ vai trò dẫn dắt, cung ứng nguyên liệu đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra đảm bảo chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp hàng hóa.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/khat-vong-vuon-len-tu-cay-lua-1097619.html