Khát vọng Việt Nam hùng cường năm 2045

TS. Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

(Tiếp theo và hết)

Quốc gia độc lập, tự do, dưới ngọn cờ xã hội chủ nghĩa, đó là điều linh thiêng bất biến, là linh hồn và danh dự hiện thực Việt Nam trong định vị chính trị chiến lược đất nước hiện nay.

Do đó, đổi mới tư duy, tìm tòi phương lược, hoạch định cơ chế, lộ trình phù hợp, giải quyết đúng đắn các quy luật xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tất cả nhằm mục tiêu cao cả: bảo vệ và phát triển lợi ích tối thượng của mỗi người, của từng tổ chức trong xã hội, của quốc gia dân tộc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thế giới đương đại. Lợi ích của đất nước Việt Nam phải là hạt nhân mà mọi sự đổi mới, dù ở phương diện nào, góc độ nào, mức độ tới đâu… đều xoay chung quanh nó, chứ tuyệt đối không phải ngược lại, càng không phải là một thứ gì khác. Ở đây, không chỉ thể hiện lòng dũng cảm, bản lĩnh mà kết tinh cốt cách, khí phách Việt Nam.

Đó chính là thước đo bản lĩnh lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Chưa bao giờ như bây giờ, từ lịch sử dân tộc càng cho thấy, lợi ích quốc gia - dân tộc của chúng ta là cụ thể: sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng và quyền tự quyết dân tộc vô giá! Không có độc lập, tự do chúng ta không có bất cứ một nền chính trị nào, càng không thể nói về đổi mới hay bất cứ một sự phát triển xứng đáng nào.

Đó là cái bất biến chúng ta cần nắm chắc, để chủ động hành xử trước mọi sự đổi thay của thời cuộc, của thế giới trong lộ trình đổi mới toàn diện, đồng bộ, vì chủ nghĩa xã hội Việt Nam.

Theo đó, đổi mới để phát triển và phát triển nhằm kiến tạo thương hiệu quốc gia là thước đo của đổi mới và ổn định. Không thể có bất cứ ổn định chắc chắn nào, nếu không vì sự phát triển; và, đến lượt nó, phát triển là đẳng cấp của ổn định! Vì vậy, hiện nay, phải lấy sự phát triển đất nước làm mục tiêu và động lực của sự ổn định cao hơn và bền vững; và đến lượt nó, sự ổn định làm nền móng và động lực của sự phát triển mạnh mẽ không ngừng và bền vững.

Đó là đẳng cấp mới về “đổi mới, ổn định và phát triển”, là nhân tố làm nên hệ giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam trên đường vươn tới hùng cường.

Đồng thời, phải chủ động đón bắt thời cơ phát triển. Hơn bao giờ hết, hiện nay, thời cơ chính là lực lượng. Phải nhất định chủ động nắm lấy một cách kiên quyết và hiệu quả cuộc cách mạng 4.0 để thực hiện công cuộc đổi mới, bứt phá tới phồn vinh cho Tổ quốc. Hoặc là bây giờ hoặc không bao giờ, trong tầm nhìn đất nước tiến tới tròn 100 năm!

Tầm nhìn, tư duy và hành động lúc này là phát triển vị thế chính trị, lực lượng chính trị, cũng chính là xây dựng sức mạnh quốc gia dân tộc Việt Nam.

Hơn 77 năm thể chế Cộng hòa xã hội chủ nghĩa, khởi đầu và đi từ thể chế Dân chủ cộng hòa, nhất là trong gần 37 năm đổi mới, Việt Nam đã và đang tiến những bước dài trong lịch sử của mình và hội nhập quốc tế. Nhưng nhìn tổng thể, trước yêu cầu phát triển mới giữa điều kiện toàn cầu hóa, nổi bật 5 mệnh đề lớn nhất trong công cuộc đổi mới hiện nay:

Một là tự do. Đất nước độc lập, nhưng nhân dân phải được hưởng hạnh phúc, tự do. Vì thế, nếu gìn giữ giá trị toàn vẹn của độc lập là một công việc khó khăn thì phát triển tự do luôn đang là một chân trời lớn nhưng tất yếu, đang đầy khó khăn và cả chông gai, song chúng ta đang quyết đi tới, vì sự bảo đảm nhu cầu tự nhiên và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đó chính là tiền đề của nền dân chủ chân chính!

Hai là dân chủ. Tròn 77 năm qua, mệnh đề đó làm nên tiêu ngữ của thể chế Việt Nam dân chủ cộng hòa, là mục tiêu của thể chế Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Dân chủ là việc trước hết và là mục tiêu cuối cùng: Dân là gốc của nước!

Ba là pháp quyền. Dân chủ không thể không được bảo đảm bằng pháp quyền. Đó là bản chất của Nhà nước dân chủ của ta, khi lấy pháp luật làm thượng tôn. Không có pháp quyền càng không thể nói tới dân chủ hay tự do chân chính nào. Đó là thách thức và chính là cơ hội đối với chúng ta.

Bốn là đạo đức. Kinh nghiệm lịch sử đã và đang cho thấy, không một thể chế chính trị nào, cho dù hoàn bị và khả thi tới bao nhiêu, có thể vận hành thành công trên một nền tảng đạo đức không tương dung. Sự băng hoại về đạo đức nhất định dẫn tới băng hoại về chính trị. Quyền lực nhân dân, nếu giao cho những kẻ vô đạo đức thì nguyên vẹn là sự tàn bạo. Đó là phản văn hóa! Vì, chính trị lúc này, hơn lúc nào hết, là thanh khiết từ to đến nhỏ, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm là phát triển. Đó là thước đo sự tiến bộ xã hội văn minh và hiện đại. Một đất nước Việt Nam truyền thống và hiện đại, hài hòa và khoan dung, dân chủ và kỷ cương, thủy chung và minh bạch, bản sắc và hội nhập, độc lập và hòa mục… là những phẩm chất mà chúng ta cần hướng tới và xây dựng đất nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đó là con đường phát triển tất yếu của dân tộc phù hợp với bước đi của thế giới.

Nói cụ thể, mối quan hệ giữa tầm nhìn chiến lược và quyết sách chiến lược phải được xử lý và giải quyết một cách thật chủ động, năng động, thiết thực, độc lập và tự chủ. Trong một “thế giới phẳng” và không phẳng, khi thời cơthời gian trở thành lực lượng, càng phải chủ động một cách kiên quyết và kịp thời, với phương lược riêng càng trở nên có ý nghĩa thành bại. Nghĩa là, hoặc là bây giờ hoặc là không bao giờ.

Do đó, ở giai đoạn có tính bước ngoặt hiện nay, nếu đổi mới 35 năm qua (1986-2020) là bằng đường lối đổi mới đưa nước ta từ một nước nghèo, khủng hoảng kém phát triển thành một nước ổn định chính trị xã hội và phát triển trung bình có vị thế lớn trên thế giới thì đổi mới nhịp sóng thứ tư, từ năm 2015 trở đi là đổi mới, sáng tạo sau năm 2015, với tên gọi Đổi mới thời kỳ 4.0, nhằm đưa nước ta từ nước phát triển trung bình thấp thành nước phát triển cao vào giữa thế kỷ XXI tới, tức từ 20 đến 25 năm tới!

Vì thế, không có cách nào khác là phải tiếp tục cải cách, đổi mới của thời kỳ 4.0 mạnh mẽ, sáng tạo hơn nữa, với khát vọng trở thành nước phát triển vào giữa thế kỷ XXI, với một Nhà nước thực sự mang tầm kiến tạo, liêm chính, pháp quyền, vững mạnh và giữ vững độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn, thống nhất lãnh thổ quốc gia, tiếp tục nâng cao hơn vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Đó phải là sự kết tinh và hội tụ không chỉ trách nhiệm chính trị, trí tuệ, sự tinh tế, tinh thần và hành động dân tộc mà thấm đẫm cả lương tri, sự kinh lịch, sự khoan dung và chủ nghĩa nhân văn, mang cốt cách và khí phách của văn hóa truyền thống và hiện đại Việt Nam, trong tầm nhìn toàn cầu, mà hạt nhân trung tâm là lợi ích quốc gia - dân tộc tối thượng trong mỗi người Việt Nam, trước hết là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Tám năm tới, tròn 100 năm Đảng Cộng sản Việt Nam!

Hăm ba năm nữa, tròn 100 năm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam!

Để thực thi chiến lược phát triển đất nước trong tầm nhìn năm 2030 tới năm 2045, dưới ngọn cờ của Đảng, với tầm nhìn chính trị chiến lược, tiếp tục: Xác lập tầm nhìn, định vị chiến lược, khát vọng phát triển đất nước hùng cường, bền vững; bảo vệ độc lập, tự chủ, thống nhất quốc gia; hòa mục, hội nhập quốc tế; xây dựng Đảng vững mạnh, trong sạch dẫn dắt dân tộc tiến cùng nhân loại.

Và, để thực thi nó, cần một triết lý văn hóa của sự phát triển mạnh mẽ và bền vững: Quốc gia tự tôn - Mỗi người tự trọng - Dân tộc tự cường - Tổ quốc phồn vinh!

Tất cả nhằm xây dựng nước Việt Nam: Độc lập, thống nhất, dân chủ, công nghiệp, hiện đại, phồn vinh, văn hiến, giữ vị thế và uy tín xứng đáng trên trường quốc tế.

Đó là Quốc thể Việt Nam!

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/136502/khat-vong-viet-nam-hung-cuong-nam-2045