Khát vọng từ Đất Tổ

Trải qua các thời kỳ lịch sử, nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ luôn phát huy truyền thống của cha ông, đoàn kết một lòng, kiên cường, dũng cảm trong xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Đó cũng chính là nền tảng, gốc rễ, là động lực để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ hôm nay bồi đắp thêm ý chí, quyết tâm, nuôi dưỡng khát vọng vươn lên, xây dựng Phú Thọ trở thành trung tâm liên kết vùng và là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Diện mạo đô thị Việt Trì ngày càng khang trang, hiện đại.

Theo dấu chân lịch sử

Từ khi Vua Hùng dựng nước Văn Lang cho đến ngày nay, địa bàn Phú Thọ đã trải qua nhiều thay đổi cả về địa danh và địa giới hành chính. Thời Hùng Vương, Phú Thọ nằm trong bộ Văn Lang. Thời Thục An Dương Vương, Phú Thọ nằm trong huyện Mê Linh. Dưới thời Bắc thuộc, Phú Thọ nằm trong địa bàn các quận Mê Linh, Tân Xương, Phong Châu. Thời kỳ phong kiến độc lập, Phú Thọ thuộc lộ Tam Giang. Thời Nguyễn, Phú Thọ nằm trong hai tỉnh Hưng Hóa và Sơn Tây.

Sau khi đánh chiếm Bắc Kỳ, xâm lược toàn bộ Việt Nam, Thực dân Pháp tiến hành điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh. Ngày 8/9/1891, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Hưng Hóa mới - tiền thân của tỉnh Phú Thọ ngày nay. Chế độ thực dân, phong kiến cùng với ngoại xâm đè nặng lên đất nước nửa đầu thế kỷ XX khiến Phú Thọ xác xơ, nghèo đói nhưng “dòng thác” cách mạng đã cuốn đi những ngày tối tăm, gian khó. Sau Cách mạng tháng Tám, Phú Thọ tập trung cho cuộc cách mạng diệt “giặc đói”, “giặc dốt”, đem lại cơm no, áo ấm cho toàn dân. Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, Phú Thọ lại dốc sức người, sức của, cùng cả nước làm nên một Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc Phú Thọ vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa chống chiến tranh phá hoại của địch, xây dựng hậu phương vững chắc, chi viện tích cực cho tiền tuyến, cùng cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất non sông. Giai đoạn 1968 - 1997, Phú Thọ và Vĩnh Phúc hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Phú. Rồi từ mái nhà chung Vĩnh Phú, ngày 1/1/1997, tỉnh Phú Thọ được tái lập. Đây là dấu mốc định danh mới của Phú Thọ để vùng đất cội nguồn thêm những cơ hội đổi thay, vừa tiếp nhận nguồn tài nguyên quý giá, những vỉa tầng văn hóa hàng nghìn năm cha ông đã dày công tạo dựng, vừa tạo ra những hệ giá trị mới, những cơ sở vật chất hạ tầng làm đổi thay gương mặt của một tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Thu hút đầu tư- điểm sáng trong bức tranh kinh tế Phú Thọ.

Những mùa Xuân đổi mới

Qua gần 40 năm đổi mới, đặc biệt là 26 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Phú Thọ đã “vươn mình lớn dậy”, trở thành điểm sáng ở khu vực Tây Bắc và là một trong ba tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Với vị trí thuận lợi, là cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, trung tâm vùng chuyển tiếp giữa Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, Phú Thọ xác định huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng then chốt là chìa khóa quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Bằng những bước đi đúng đắn, có tính chiến lược, sự vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách, tranh thủ huy động tốt các nguồn lực, Phú Thọ đã huy động được nguồn vốn khá lớn cho đầu tư phát triển, tạo bước “đột phá” trong đầu tư kết cấu hạ tầng. Đến nay, các công trình giao thông đối ngoại cơ bản đã được hoàn thiện, hạ tầng các khu công nghiệp đang được tích cực triển khai xây dựng, giúp tỉnh cải thiện vị trí địa kinh tế trong bối cảnh tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp ở các tỉnh vùng đồng bằng đã ở mức cao, tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư, tiết giảm chi phí, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, ngay sau khi tái lập tỉnh, Phú Thọ quan tâm, chỉ đạo thu hút vốn FDI. Năm 1997, tỉnh đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển kinh tế đối ngoại; hỗ trợ đầu tư và quy hoạch khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn. Từ chỗ chỉ có sáu dự án FDI với tổng số vốn 115,6 triệu USD, đến nay tỉnh thu hút 238 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đăng ký 2.412 triệu USD. Trong đó riêng năm 2021, thu hút 12 dự án FDI, vốn đăng ký trên 800 triệu, đưa Phú Thọ xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố về thu hút FDI.

Đây là những con số ấn tượng, phản ánh bức tranh tổng thể nền kinh tế của tỉnh đã có sự khởi sắc tích cực. Kết quả đó là sự kết tinh của sức sáng tạo, quá trình nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Thành quả đó cũng là hiện thực sinh động nhất thể hiện khát vọng không ngừng của Phú Thọ trong hành trình cải cách, đổi mới, vươn tới tương lai.

Rạng rỡ tương lai

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh xác định mục tiêu lớn với khát vọng tiếp tục tạo thêm kỳ tích trong tương lai chính là xây dựng Phú Thọ thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Đó không chỉ là khát vọng mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược và trách nhiệm của Phú Thọ đối với đất nước thông qua việc khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh riêng biệt từ giá trị lịch sử, văn hóa vùng Đất Tổ, từ liên kết vùng cũng như sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong thực hiện khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định.

Từ một tỉnh nghèo, có quy mô kinh tế nhỏ, năng lực nội tại hạn chế, hiện tại kinh tế của Phú Thọ luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước. Tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, bình quân giai đoạn 1997- 2020 đạt 8,06%.

Tính riêng năm 2021, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá hiện hành ước đạt 80.764 tỉ đồng, đứng thứ 3/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Tốc độ tăng GRDP đạt 6,28%, đứng thứ 21/63 cả nước và thứ năm vùng. Xuất khẩu đạt 8,3 tỉ USD, đứng thứ 10/63 cả nước. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 87,6%, đứng thứ 8/63 cả nước…

Trong tám tháng đầu năm 2022, Phú Thọ tiếp tục đà phát triển và đạt được những kết quả tích cực. Tăng trưởng GRDP sáu tháng đạt 7,8% (đứng thứ 6/14 tỉnh vùng Trung du miền núi); thu NSNN tám tháng đạt 6.289 tỉ đồng, bằng 111% dự toán năm. Giải ngân vốn đầu tư công tám tháng bằng 55,9% kế hoạch, đứng thứ 3/63 cả nước…

Mới đây nhất, tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Phú Thọ được Bộ Chính trị quan tâm chỉ đạo, giao nhiệm vụ tiếp tục phát triển tiềm năng, lợi thế, phát triển toàn diện địa phương, đóng góp có hiệu quả vào chuỗi liên kết trên trục hành lang kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Côn Minh và trở thành động lực phát triển trong vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ gắn với vùng Thủ đô. Đây chính là những tiền đề quan trọng đặt nền tảng để Phú Thọ bắt đầu một giai đoạn phát triển mới.

Để hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, đưa Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị thực sự đi vào cuộc sống, thúc đẩy phát triển vùng nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng, Phú Thọ đã chủ động xây dựng các nghị quyết chuyên đề, đề án, quy hoạch… đồng thời xác định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư lớn, tập đoàn đa quốc gia đầu tư tại tỉnh. Trong đó, trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng then chốt, hoàn thiện hệ thống giao thông quốc gia, giao thông kết nối với các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Hòa Bình, Vĩnh Phúc và Thủ đô Hà Nội; kết nối liên thông các khu, cụm công nghiệp, các dự án trọng điểm về du lịch, dịch vụ và đô thị trong tỉnh.

Đồng thời, chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tập trung cải cách hành chính, hoàn thiện chính quyền điện tử, chính quyền số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, Phú Thọ tiếp tục phát triển các khu, cụm công nghiệp gắn với phát triển đồng bộ hệ thống đô thị vệ tinh và dịch vụ phục vụ sản xuất; tập trung hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến. Xây dựng, phát triển trở thành trung tâm thương mại, trung tâm phân phối hàng hóa gắn với cảng cạn của vùng và tiểu vùng; hình thành trung tâm logistic cấp quốc gia, cấp vùng. Tập trung thu hút đầu tư, xây dựng năm trung tâm du lịch quy mô lớn, có sản phẩm đặc thù, tạo sức lan tỏa cho phát triển du lịch của tỉnh, của vùng…

Khát vọng trở thành trung tâm liên kết vùng và là tỉnh phát triển hàng đầu khu vực Trung du và miền núi phía Bắc đã được xác định và giàu tính khả thi. Xác lập tư duy phát triển dài hạn, đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm, năng động, sáng tạo, dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm và khát vọng đổi mới không ngừng, chắc chắn sẽ tiếp tục đưa Phú Thọ phát triển nhanh, mạnh hơn nữa trong tương lai không xa.

Nhóm PV Chính trị - Xã hội

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//chinh-tri/khat-vong-tu-dat-to/187592.htm