Khát vọng dòng phim bản sắc Việt

Mang về giải thưởng lớn nhỏ, một số phim điện ảnh Việt Nam chứng tỏ là món ăn tinh thần đậm hương vị Việt. Khi cuộc sống hàng ngày, nét sâu thẳm trong tâm hồn người Việt được khai thác tốt thì bộ phim sẽ thành công.

Cảnh trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, đề cử Oscar năm 2016. Nguồn: ĐLP.

Trước tiên có thể kể đến bộ phim mang cái tên khá lạ tai: “Ròm”, kịch bản và đạo diễn Trần Thanh Huy. Đây là bộ phim “khó xem”, không thuộc dạng phim thương mại. Phim đoạt giải Làn sóng mới tại Liên hoan phim (LHP) quốc tế Busan 2019; giải Phim điện ảnh đầu tay xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Fantasia 2020; Phim hay nhất tại LHP châu Á Barcelona 2020.

Vậy, “Ròm” có gì? Nhân vật chính trong phim, Ròm - một cậu bé nghèo lăn lộn trong cuộc mưu sinh ở đô thị, dành vài đồng tiền ít ỏi chờ ngày tìm về nhà. Câu chuyện có thể nói là giản đơn nhưng mang sức khái quát lớn về số phận con người.

Còn với “Trăng nơi đáy giếng”, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Trần Thùy Mai, do Nguyễn Vinh Sơn đạo diễn; đã thành công khi mang đậm bản sắc văn hóa, con người Việt Nam. Bộ phim được khá nhiều giải như Cánh diều bạc năm 2008; diễn viên Hồng Ánh đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc trong LHP quốc tế Dubai 2008; giải Nữ diễn viên chính xuất sắc của giải Cánh diều vàng 2008…

Một bộ phim xuất sắc khác, “Áo lụa Hà Đông”, đạo diễn Lưu Huỳnh về đề tài chiến tranh với nhiều thân phận. Phim được xướng tên trong một số LHP trong nước và quốc tế như: Phim truyện nhựa xuất sắc, Đạo diễn phim nhựa xuất sắc, Quay phim xuất sắc, Âm thanh xuất sắc tại Giải Cánh diều vàng 2006; Bình chọn của khán giả tại LHP quốc tế Busan 2006. Hai nghệ sĩ Quốc Khánh (vai Gù) đoạt giải Nam diễn viên chính xuất sắc tại giải Cánh diều vàng 2006 và Trương Ngọc Ánh (vai Dần) đoạt giải Nữ diễn viên được yêu thích nhất tại giải Mai vàng 2007.

Cũng còn phải kể đến “Mùa len trâu”, kịch bản và đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, dựa trên tập truyện “Hương rừng Cà Mau” của nhà văn Sơn Nam. Bộ phim phác họa cuộc sống của người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long khi phải chịu cảnh làm thuê cho địa chủ, còng lưng gánh thuế. Phim vừa có tính chân thực của một bộ phim tài liệu, vừa mang nét uyển chuyển của một tác phẩm điện ảnh, đã tham dự gần 10 LHP phim khu vực và quốc tế và có lẽ là bộ phim Việt giành được nhiều giải thưởng quốc tế nhất cho đến nay: Giải đặc biệt tại LHP Locarno (Thụy Sĩ); giải Đạo diễn mới xuất sắc nhất tại LHP Chicago (Mỹ); giải Kỳ Lân Vàng tại LHP Amiens (Pháp); Giải đặc biệt của LHP Amazonas (Brazil); Giải cao nhất tại LHP Asian Marine, Mukuhari (Nhật Bản)...

Tuy nhiên, với Oscar - giải danh giá nhất của điện ảnh thế giới, phim Việt Nam đến nay chưa có được một thành công, dù đã qua 19 lần có phim tham dự giải. Mở đầu, năm 1993, phim “Mùi đu đủ xanh” của đạo diễn Trần Anh Hùng được gửi tham dự Oscar. Mặc dù bộ phim được đầu tư kinh phí và sản xuất tại Pháp nhưng đạo diễn đã xin phép để tác phẩm đại diện cho Việt Nam do bộ phim chủ yếu sử dụng tiếng Việt và các nhân vật do các diễn viên Việt Nam thể hiện.

Thực tế thì các phim gửi tham dự Oscar hoặc do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chọn (từ năm 2006), hoặc một số nhà làm phim (chủ yếu là Việt kiều) tự gửi. Lần lượt theo thời gian từ năm 1993 tới năm 2023 là: “Mùi đu đủ xanh”; “Bụi hồng”; “Ba mùa”; “Mùa hè chiều thẳng đứng”; “Vua bãi rác”; “Mùa len trâu”; “Chuyện của Pao”; “Áo lụa Hà Đông”; “Đừng đốt”; “Khát vọng Thăng Long”; “Mùi cỏ cháy”; “Trúng số”; “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”; “Cha cõng con”; “Cô Ba Sài Gòn”; “Hai Phượng”; “Mắt biếc”; “Phát đạn của kẻ điên”. Mới nhất, năm 2023 là bộ phim “Tro tàn rực rỡ”.

Trong số những bộ phim Việt gửi tham dự giải Oscar, dù nhận được đề cử hay không, đáng chú ý là 3 bộ phim là “Mùa hè chiều thẳng đứng”, “Chuyện của Pao” và “Áo lụa Hà Đông” đều có sự tham gia của Nghệ sĩ nhân dân Như Quỳnh.

Về phía nhà sản suất, Ngô Thanh Vân với “Cô Ba Sài Gòn” và “Hai Phượng”, được gửi tranh giải lần lượt vào năm 2018 và 2019. Tương tự, đạo diễn Victor Vũ có 2 phim gửi tranh giải là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” và “Mắt biếc”, lần lượt vào năm 2016 và 2020. Cả hai tác phẩm đều là phim chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

“Chinh chiến” đấu trường điện ảnh thế giới, dù chưa giành được thành công vang dội nhưng cũng cho thấy sức bật và khát vọng của điện ảnh Việt, khát vọng tạo nên một dòng phim Việt.

Miên Thảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khat-vong-dong-phim-ban-sac-viet-10278129.html