Khát một ban mai

Nhắc đến những nữ nhà thơ từng một thời 'xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước', có thể kể đến thi sĩ Đặng Nguyệt Anh. Bà được biết đến với một giọng thơ giàu nữ tính nhưng cũng đầy cá tính. Ở lứa tuổi đôi mươi xuân sắc, nhà thơ chọn con đường chông gai nhưng rất đỗi tự hào: 'Ngày ấy/ câu ca dao mảnh quá/ không níu được đời em/ phận gái như cánh chuồn kim/ lại say miền bão lửa'.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thành Nam, dòng sông Ninh dạt dào đã đi vào trang thơ của cô giáo Đặng Nguyệt Anh thuở ấy. “Lớn lên/ ta nghe kể về sông Ninh như huyền sử/ năm tháng thương đau/ nước sông hòa nước mắt/ sông mở lòng che chở những đứa con”. Dòng sông quê mẹ đã bồi đắp nên tâm hồn mơ mộng và tình yêu quê hương của Đặng Nguyệt Anh. Hình ảnh sông Ninh trở đi trở lại trong thơ bà như một biểu tượng của sự yêu thương, che chở, hiến dâng, bi hùng: “Đêm đêm/ cô lái đò sông Ninh vẫn đưa người đi xa/ những bà mẹ vẫn gửi con ra trận/ vợ mới cưới giục chồng đi đánh giặc...”.

Xa quê hương, bước vào chiến trường đầy cam go thử thách, giọng thơ Đặng Nguyệt Anh vẫn tha thiết và đầy lên trong ta một niềm cảm mến vô bờ: “Sâu thẳm đêm Trường Sơn/ bập bùng ánh lửa/ con nằm không ngủ/ nhớ về mẹ quê nhà/ nhìn ánh lửa gần/ nghĩ đến chiến trường xa/ lòng rạo rực mong trời mau sáng/ để ngày mai/ đồng đội cùng con/ lại hành quân...”. Như thể có một ngọn lửa bền bỉ cháy trong tâm hồn người con gái ấy từ những ngày ở quê hương cho đến khi vào chiến trường. Và thơ của bà cũng xuyên suốt, liền mạch trong nguồn cảm hứng vô tận ấy. Những câu thơ cho ta thấy lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, đồng thời cũng ở đó, một tình cảm thầm kín và mãnh liệt vẫn không nguôi bảng lảng, vấn vít, mênh mang.

Đặng Nguyệt Anh đã chọn con đường gập ghềnh gian khổ, mong đợi một điều gì đó lớn lao để vượt qua bất trắc, hy sinh. “Dép cao su mòn đá/ gót chân son không đợi dấu hài/ dồn dập những trận bom tọa độ, B52/ Trường Sơn rùng rùng đất đá/ vẫn mơ phương trời lạ/ khát cháy lòng một ban mai”. Những giấc mơ về một ban mai khác ấy là niềm tin để người con gái vượt qua bão đạn, mưa rừng. Hiện thực khắc nghiệt không thể đốn vùi cô gái mộng mơ và đầy khao khát. Càng trong gian khó thơ bà càng bay bổng, ý chí càng mãnh liệt và tình yêu trong bà càng đầy lên.

Trong ta cũng trào lên niềm hạnh phúc xen lẫn xót xa khi đọc những câu thơ Đặng Nguyệt Anh viết cho cô con gái bé bỏng được sinh ra trên chiến trường: “Lần đầu tiên làm mẹ/ nâng niu con trên tay/ hạnh phúc tràn nước mắt/ mẹ lo ngày mai sao đây/ Con thì bé bỏng quá chừng/ nhà lại không phên, không vách”. Tình yêu của người mẹ là vô bờ và luôn gắn với những âu lo trăm bề cho hình hài bé nhỏ. Nỗi âu lo càng lớn khi người mẹ sinh con giữa chốn hiểm nguy.

Điều gì giúp bà vượt qua những ngày tháng đó nếu không phải là tình yêu thương, đùm bọc, che chở của anh em, đồng đội, của người chồng cũng là người đồng chí, và cao hơn tất cả đó là tình mẫu tử thiêng liêng. Bà đã ru con bằng những câu thơ chất chứa hy vọng. Trong tình yêu con, bà gửi vào đó tình yêu đất nước cùng niềm tin vào ngay hòa bình, thống nhất: “Ngày mai con lớn khôn/ đất nước sẽ thanh bình/ rừng miền Đông sẽ trở thành chứng tích chiến tranh/ trở thành bảo tàng lưu niệm/ trở thành ngày xửa ngày xưa...”.

Sự nhạy cảm của người làm thơ đã dẫn nữ thi sĩ Đặng Nguyệt Anh đi qua những cảm xúc, những trải nghiệm và neo lại những câu thơ mang dấu ấn cuộc đời.

Hoài Phương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/975748/khat-mot-ban-mai