Khánh Vĩnh: Keo chết nhiều do sâu bệnh gây hại

Thời gian qua, nhiều diện tích keo trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh bị chết. Tuy đã được cơ quan chuyên môn khuyến cáo, người dân cũng cơ bản nắm bắt các biện pháp xử lý nhằm hạn chế sâu bệnh gây hại cho keo, nhưng việc áp dụng vào thực tế lại không dễ dàng.

Hơn 800ha keo bị chết

Đi thăm vườn keo rộng 2ha với 1.200 cây keo đã được gần 2 năm tuổi ở thôn Tà Mơ (xã Khánh Thành), ông Cao Quyết không khó khăn để tìm ra những cây keo bị héo úa, vàng vọt và chết khô. Bẻ một cây keo gần như khô lá, ông chỉ cho chúng tôi thấy những vệt đốm đen loang lổ khắp vỏ cây, nhiều vệt hằn sâu vào thân cây. Ông Quyết cho biết, đây là bệnh nhiễm nấm rất dễ lây lan và lây mạnh hơn vào mùa mưa. Vào tháng 4, khi xuất hiện mưa tiểu mãn, nếu không được xử lý, vườn keo nhà ông phải mất ít nhất 50% vì nấm gây hại.

Ông Cao Quyết bẻ một cây keo bị chết do nhiễm nấm.

Nấm gây ra các đốm đen ở phần vỏ và thân của cây keo.

Nhà bà Cao Thị Ái (thôn Gia Răng, xã Khánh Thành) có 3,7ha keo, ngoại trừ 1,2ha mới trồng chưa xuất hiện bệnh, diện tích keo còn lại từ 2 - 4 năm tuổi xuất hiện nhiều đám keo bị chết. “Số keo bị bệnh này nếu qua năm thứ 4 thì cũng có người mua, nhưng họ chỉ mua với giá củi. 1ha keo nếu phát triển bình thường, sau 4 năm trồng có thể mang lại cho nông dân khoảng 70 triệu đồng. Còn keo bị bệnh một phần bị chết nhiều, cây sống được cũng còi cọc, ít gỗ, nên may lắm chỉ bán được khoảng 35 triệu đồng/ha”.

Theo các nông dân trồng keo, mỗi héc-ta keo người trồng bỏ ra chi phí khoảng 20 triệu đồng trong vòng 4 năm. Trong trường hợp keo không bị thiệt hại do cháy hoặc sâu bệnh, nông dân có lãi khoảng 50 triệu đồng/ha/chu kỳ keo là 4 năm. Tuy nhiên, những vườn keo năm thứ 2, 3 xuất hiện nấm gây bệnh, hầu như nông dân chọn cách bỏ keo vì không đủ công sức và chi phí diệt trừ nấm gây hại, lợi nhuận từ cây keo gần như không còn.

Theo thông báo khẩn vào ngày 13-3 của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, diện tích cây keo lai của huyện Khánh Vĩnh hiện khoảng 11.000ha, trong đó keo non (1 - 3 năm tuổi) chiếm khoảng 60%, còn lại là keo trong giai đoạn thu hoạch. Đầu năm 2024, nhiệt độ xuống thấp, sáng sớm có sương mù kết hợp với mật độ trồng keo quá dày tạo điều kiện cho sâu bệnh gây hại hơn 800ha keo lai 1 - 3 năm tuổi trong toàn huyện. Trong đó, 300ha có tỷ lệ cây chết 5 - 10% tại các xã: Khánh Thành, Cầu Bà, Liên Sang và thị trấn Khánh Vĩnh; 500ha có tỷ lệ cây chết 1 - 3% tại các xã: Khánh Nam, Khánh Bình, Khánh Đông, Khánh Thượng…

Khó xử lý dứt điểm

Qua công tác kiểm tra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh xác định nguyên nhân cây keo bị vàng lá, khô đọt, chết cây là do 2 tác nhân. Đó là bệnh chết héo do nấm Ceratocystis manginecans gây ra, tỷ lệ bệnh phổ biến 10 - 15% thân. Thứ 2 là hiện tượng xì mủ trên thân do mọt gây hại, tỷ lệ hại phổ biến 10 - 15% thân.

Nông dân biết cách xử lý nhưng khó áp dụng vào thực tiễn sản xuất.

Những năm qua, chính quyền địa phương và cán bộ chuyên môn thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng, trị các loại sâu bệnh phổ biến trên cây keo; khuyến cáo người dân trồng keo với mật độ hợp lý. Tuy nhiên, nhiều hộ nông dân cho biết, sau khi trồng keo, bình quân mỗi năm họ chỉ phát cỏ 1 lần. Việc kịp thời phát hiện và đầu tư tiền bạc, công sức vào xử lý keo bị bệnh là không khả thi. Người dân mong muốn Nhà nước xem xét, hỗ trợ xịt thuốc diệt nấm bằng máy bay không người lái mới có thể hạn chế phần nào bệnh lây lan diện rộng. Ngoài ra, giải pháp chuyển sang trồng loại cây khác hoặc xử lý phơi đất nhằm đảm bảo tiêu diệt hoàn toàn mầm bệnh cũng khó áp dụng. “Ví dụ tôi nghỉ trồng keo 1 năm nhằm tiêu diệt hoàn toàn mầm bệnh, nhưng hộ bên cạnh lại trồng thì không hiệu quả vì loại nấm này có thể lây lan, gây hại diện rộng” - bà Cao Thị Ái cho biết.

Để hạn chế và phòng trừ sâu bệnh tiếp tục phát sinh gây hại, cơ quan chuyên môn khuyến cáo nông dân trồng với mật độ phù hợp, không trồng quá dày (khoảng 3.000 cây/ha, thay vì 6.000 cây như nhiều nông dân đang áp dụng); sử dụng giống sạch bệnh, rõ nguồn gốc; không nên chăn thả trâu bò trong rừng keo dưới 3 năm tuổi để hạn chế việc gây ra các vết thương cơ giới, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh xâm nhiễm, lây lan từ vùng đang nhiễm bệnh; tổ chức chăm sóc, phát dọn thực bì 1 - 2 lần/năm; thường xuyên kiểm tra và chặt bỏ, tiêu hủy những cây keo bị hại nặng, chết. Ngoài ra, để rừng keo thông thoáng, người dân cần tỉa cành vào mùa khô, tiến hành tỉa đầu cành khi cây được 5 - 6 tháng tuổi, cây cao trên 1,2m. Nông dân có thể sử dụng một số chế phẩm sinh học hoặc các thuốc tiêu trừ nấm gây bệnh. Riêng đối với mọt hại, nông dân vệ sinh các loại cây dại xung quanh vườn để giảm thiểu các ký chủ của mọt; quét vôi xung quanh gốc cây khoảng 2m từ mặt đất trở lên. Trong trường hợp cần thiết có thể sử dụng hoạt chất Permethrin, Cypermethrin… để phun cho rừng bị nhiễm mọt, tiêu diệt mọt trưởng thành.

HỒNG ĐĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202403/khanh-vinh-keo-chet-nhieu-do-sau-benh-gay-hai-fa24b92/