Khánh thành Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo

Ngày 28-4, tại khu vực phía bắc hầm núi Vung thuộc thôn Trà Nô, xã Phước Hà, huyện Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận), Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức lễ khánh thành dự án thành phần công trình đường bộ Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Đến dự lễ khánh thành có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Tham dự buổi lễ còn có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh; Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh. Về phía lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa có các ông: Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Tạo sức bật thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Công trình đường bộ Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo do liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Cổ phần Tổng Công ty Đầu tư xây dựng 194 làm nhà đầu tư. Đây là 1 trong 3 công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được thực hiện theo phương thức đối tác công - tư (PPP), có chiều dài 78,5km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa (gần 5km), Ninh Thuận (63km) và Bình Thuận (gần 12km). Cao tốc có điểm đầu tại Km 54+00 kết nối với Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm; điểm cuối tại Km 134+00 kết nối với Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Dự án có tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng. Trên tuyến có hầm núi Vung dài 2,2km, quy mô 3 làn xe, bề rộng hầm 14 mét, giai đoạn 1 sử dụng ống hầm phải, lưu thông 2 chiều. Đây là hầm đường bộ lớn thứ 4 cả nước sau hầm Hải Vân, hầm Đèo Cả và hầm Cù Mông do Tập đoàn Đèo Cả thực hiện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành và 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận cắt băng khánh thành Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Đến nay, Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã hoàn thành đồng bộ 70km đường, 35 cầu, 2 nút giao liên thông, 69km đường gom, 2,25km đường hầm xuyên núi, cùng hệ thống thiết bị, hệ thống ITS… được Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng chấp thuận kết quả nghiệm thu. Cục Đường bộ Việt Nam thống nhất Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) là đơn vị quản lý vận hành, bảo trì đảm bảo công trình đưa vào vận hành khai thác an toàn, thông suốt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt tay chúc mừng các kỹ sư, công nhân thi công tuyến Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo nối thông cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh đến Nha Trang, giúp giảm một nửa thời gian so với đi Quốc lộ 1, góp phần hoàn thiện hệ thống cao tốc Bắc - Nam, tạo sức bật quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho rằng, Tuyến cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh đi Nha Trang được thông đã mang lại không gian phát triển mới cho các tỉnh cao tốc đi qua; rút ngắn đáng kể thời gian đi từ TP.Hồ Chí Minh đến Nha Trang; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi cho ngành du lịch, tăng thu hút đầu tư.

Vượt khó về đích

Theo thông tin từ Tập đoàn Đèo Cả, ban đầu, vị trí khu nhà Ban điều hành dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo không có đường tiếp cận, không điện nước, không internet… Đèo Cả đã mở đường, kéo điện, tìm nguồn nước sinh hoạt, kết nối internet, xây dựng văn phòng hiện trường, khu nhà ở khang trang, đầy đủ tiện nghi cho người lao động an tâm làm việc.

Các vị lãnh đạo dự lễ khánh thành Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo

Ông Lê Quỳnh Mai - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, Tập đoàn Đèo Cả và Tổng Công ty 194 đã có một quá trình vượt khó bền bỉ để hoàn thành dự án. Thời điểm triển khai dự án cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhưng với tinh thần làm việc “xuyên đêm, xuyên lễ tết, xuyên dịch”, Tập đoàn Đèo Cả đã tăng cường tuyển dụng, đào tạo nhân lực địa phương, nỗ lực huy động hàng ngàn nhân sự, máy móc, thiết bị, bố trí các mũi thi công dự án. Vượt qua đại dịch, dự án lại đối mặt với cơn “bão giá” vật liệu xây dựng. Ban điều hành dự án đã chủ động đề xuất bổ sung mỏ vật liệu cấp theo cơ chế đặc thù, kết hợp tận dụng đất cải tạo nông nghiệp, sử dụng nguồn đá đào hầm kịp thời phục vụ thi công.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo nhìn từ trên cao

Đặc biệt, khi thi công hầm Núi Vung gặp địa chất yếu sai khác rất nhiều so với hồ sơ thiết kế kỹ thuật, hạng mục đường phát sinh khối lượng lớn đào phá đá nền đường, xuất hiện các tảng đá mồ côi có kích thước lớn (có viên đến khoảng 10.000m3), phát sinh xử lý nền đất yếu gần 1km... nên tại nhiều thời điểm, dự án có nguy cơ không thể hoàn thành theo đúng kế hoạch. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”... liên danh nhà đầu tư Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Cổ phần Tổng Công ty Đầu tư xây dựng 194 cùng các nhà thầu thi công từng bước khắc phục khó khăn, áp dụng sáng kiến phương pháp vòm ngược giả để vượt địa chất yếu. Đồng thời tổ chức thi công khoa học, kiểm soát tiến độ và chi phí dự án bằng công nghệ mới (nhận diện khuôn mặt bằng sinh trắc học để quản lý nhân sự, cân điện tử để kiểm soát vật liệu…) để quản lý chất lượng, tăng cường các mũi thi công để bù đắp tiến độ.

Sau khi dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo hoàn thành, doanh nghiệp dự án đã đề xuất và được chấp thuận vận hành cao tốc từ ngày 26-4 để phục vụ nhu cầu đi lại gia tăng vào dịp lễ. Các cụm thiết bị ITS và camera dọc tuyến được bố trí vận hành bằng năng lượng mặt trời, tiết kiệm điện năng tiêu thụ, tiết giảm chi phí và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, nhà đầu tư dự án chủ động bỏ kinh phí xây dựng các trạm dừng nghỉ tạm trên tuyến để phục vụ người dân miễn phí trong thời gian chờ Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ chính thức. Nhà đầu tư đã hoàn thành trạm dừng nghỉ tạm trong vòng chỉ 20 ngày, bố trí khu vệ sinh sạch sẽ, kéo điện lưới, lắp đặt điều hòa, khoan giếng nước sâu gần 300 mét để khắc phục khó khăn về nguồn nước vận hành trạm dừng nghỉ tạm phục vụ người dân lưu thông qua tuyến.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đoạn đi qua xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh

Phát biểu chỉ đạo tại lễ khánh thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt và phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành, các địa phương, các ban quản lý dự án, các nhà đầu tư, nhà thầu. Đồng thời, dành lời cảm ơn đặc biệt đến nhân dân khu vực có dự án đi qua đã nhường “nơi ăn chốn ở, nơi sinh sống ngàn đời, bờ xôi ruộng mật” để dành cho dự án, cho lợi ích quốc gia. Thủ tướng cũng gửi lời chúc, lời động viên đến những cán bộ, nhân viên, công nhân đang làm việc trên các dự án, đặc biệt là các dự án giao thông trên cả nước, với tinh thần xuyên lễ, xuyên tết. Bên cạnh nhiệm vụ hoàn thành 2.157km cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các dự án cao tốc trục Đông - Tây, trục Tây Nguyên, trục Tây Nam Bộ… cũng đang được triển khai. Với đà này, vào năm 2025, cả nước sẽ đạt được mục tiêu 3.000km và đạt 5.000km vào năm 2030. Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu thực hiện ống hầm thứ hai tại hầm núi Vung trên Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo; đồng thời mở thêm các nút giao hợp lý, hiệu quả.

5 bài học kinh nghiệm

Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, qua thực tiễn xây dựng các cao tốc đường bộ, chúng ta đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng cao tốc đường bộ, đó là: Thứ nhất là phải nỗ lực biến không thành có, biến khó thành dễ, càng áp lực, càng nỗ lực. Thứ hai là phải quyết tâm cao, hành động lớn, hành động quyết liệt. Thứ ba là bám sát thực tiễn đời sống. Lấy thực tiễn làm thước đo. Giải quyết tại công trường các vướng mắc về tài chính, vật liệu, mặt bằng… Thứ tư là phải huy động đa dạng hóa các nguồn vốn và hết sức linh hoạt trong quá trình vận dụng công cụ pháp luật. Cuối cùng, phải tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân, đặt mình vào địa vị của nhân dân để giải quyết vấn đề.

VĂN KỲ

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202404/khanh-thanh-cao-toc-cam-lam-vinh-hao-62e1083/