Khánh Hòa phải tăng tốc, giữ vững tăng trưởng ở mức 2 con số

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh yêu cầu này khi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023, phương hướng năm 2024 và đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Dự cuộc làm việc có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh, lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội, bộ, ngành Trung ương…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Chưa bao giờ thể chế pháp lý, nguồn lực được dành cho Khánh Hòa nhiều như vậy - Ảnh: VGP/MK

Tăng trưởng GRDP của Khánh Hòa đạt 10,35%

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, năm 2023, tỉnh có 20/22 chỉ tiêu kinh tế-xã hội, môi trường đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, GRDP tăng 10,35%. Mức giảm tỉ lệ hộ nghèo đạt 1,09%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,69%. Tỉnh đã đón hơn 7,2 triệu lượt khách lưu trú, đạt doanh thu hơn 31.778 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2022. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt hơn 1,7 tỷ USD, tăng 5,9%.

Thu ngân sách nhà nước đạt hơn 18.000 tỷ đồng, vượt 16,6% dự toán và tăng 9,2% so với năm 2022. Năm 2023, toàn tỉnh thu hút được 17 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 100.865 tỷ đồng.

Một số nội dung của Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa đã được triển khai, đạt kết quả thực tế như: Phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số theo các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước; cho phép các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được sử dụng ngân sách và nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược...

Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh chia sẻ, hiện quy mô nền kinh tế của tỉnh còn khiêm tốn, mới đứng thứ 31 trong các tỉnh; thời gian để thực hiện các nghị quyết của Trung ương còn rất ngắn. Kinh tế chủ yếu là phát triển du lịch, lĩnh vực công nghiệp còn hạn chế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh:VGP/MK

Tận dụng tối đa cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua

Lãnh đạo Quốc hội, các bộ, ngành đã trao đổi về một số vấn đề, lĩnh vực Khánh Hòa cần quan tâm, thúc đẩy trong thời gian tới như: Quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ, khai thác hiệu quả tài nguyên biển và xây dựng kế hoạch triển khai các quy định về hoạt động lấn biển ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định quy định về hoạt động lấn biển; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển 3 vùng động lực và 4 hành lang kinh tế; phát triển hạ tầng công nghiệp, giao thông; xem xét cơ chế tín dụng cho đề án nuôi biển công nghệ cao…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị, bên cạnh du lịch, dịch vụ, Khánh Hòa cần hết sức quan tâm đến các ngành kinh tế xanh, mũi nhọn như năng lượng tái tạo, logistics để có sự phát triển bền vững - Ảnh: VGP/MK

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Khánh Hòa trong tìm tòi, cách tiếp cận, triển khai đồng bộ, bài bản từ quy hoạch đến cơ sở hạ tầng, báo cáo cấp thẩm quyền để chuẩn bị cho những bước tăng tốc phát triển sắp tới. "Bên cạnh du lịch, dịch vụ, Khánh Hòa cần hết sức quan tâm đến các ngành kinh tế xanh, mũi nhọn như năng lượng tái tạo, logistics để bảo đảm phát triển bền vững", Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng nêu ví dụ, để khai thác hiệu quả tiềm năng năng lượng tái tạo, Khánh Hòa cần nghiên cứu phương án kết hợp thủy điện tích năng để bảo đảm an toàn lưới, đồng thời phát triển phụ tải là những khu, cụm công nghiệp sạch, công nghệ cao, tiếp tục phát huy lợi thế về logistics, thương mại, dịch vụ.

"Trước mắt, Khánh Hòa cần rà soát, tận dụng tối đa cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua. Đơn cử như thí điểm, hoàn thiện cơ chế, chính sách giải phóng mặt bằng, tái định cư, mô hình chính quyền đô thị… khi triển khai Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm", Phó Thủ tướng trao đổi.

Lãnh đạo một số bộ, ngành trao đổi về những kiến nghị cụ thể của tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: VGP/MK

Đối với những kiến nghị thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Khánh Hòa chủ động thực hiện theo đúng thẩm quyền được phân cấp; chuẩn bị kỹ, phối hợp với các bộ, ngành để làm rõ, xử lý dứt điểm những đề xuất mới dừng ở ý tưởng, hoặc gặp khó khăn, vướng mắc khi đang triển khai.

Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành phối hợp, hỗ trợ tỉnh Khánh Hòa để chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, thủ tục đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Đột phá ở ven biển và nhanh, bền vững ở đồng bằng, miền núi

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá trong năm 2023, Khánh Hòa đã đạt nhiều chỉ tiêu hết sức quan trọng, đạt được nhiều kết quả khá toàn diện. Khánh Hòa là một trong ít các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao hơn kế hoạch đầu nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh (8,15%, mục tiêu là 7,1%).

Tỉnh đã quan tâm đến việc hoàn thiện thể chế chính sách. Đây là bài học của sự quyết tâm và cách làm, vai trò của người đứng đầu, cùng nỗ lực cố gắng rất lớn của lãnh đạo tỉnh. Trong khó khăn chung của cả nước, Khánh Hòa còn có những khó khăn riêng nhưng đã vượt qua.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự đồng lòng, đoàn kết khắc phục khó khăn, đạt được các thành tựu của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Khánh Hòa, với khát vọng phát triển, vươn lên, trăn trở tìm tòi hướng đi mới.

Khánh Hòa cần tiếp tục quán triệt và xác định vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng… trong bảo vệ an ninh, quốc phòng, trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ ra biển Đông của cả vùng Tây Nguyên, khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá trong khó khăn chung của cả nước, Khánh Hòa còn có những khó khăn riêng nhưng đã vượt qua - Ảnh: VGP/MK

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, khoảng cách từ những gì đạt được so với mục tiêu còn lớn, quy mô kinh tế của tỉnh còn khiêm tốn; do vậy, không chỉ phải tăng tốc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của năm 2024, năm 2025 mà phải cho những năm tiếp theo, giữ vững tăng trưởng ở mức 2 con số, thậm chí cao hơn mục tiêu phấn đấu trong quy hoạch; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, thực hiện nhanh, sớm các tuyến cao tốc, hạ tầng nghề cá; xây dựng đề án về thu ngân sách, tạo ra cơ sở thu mới; áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý nguồn thu du lịch.

Với khung khổ, thể chế pháp lý, cơ sở chính trị đã có khá đầy đủ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tỉnh tập trung tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và hệ thống pháp luật hiện hành. Đã có nhiều bài học tốt và kết quả trong công tác thực hiện nhưng đó chỉ là bước đầu, cần tăng tốc triển khai hơn nữa, cụ thể hóa bằng những chương trình, đề án, kế hoạch, nhiệm vụ.

"Chưa bao giờ thể chế pháp lý, nguồn lực được dành cho Khánh Hòa nhiều như vậy. Tỉnh cần thực hiện các mục tiêu phát triển bằng những chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể. Vùng ven biển phải phát triển theo hướng đột phá. Vùng đồng bằng và vùng núi cần phát triển nhanh, bền vững", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Đối với kết quả thực hiện Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, Khánh Hòa đã đưa nhanh nghị quyết vào cuộc sống, trong đó, đã hỗ trợ huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh, đặt mục tiêu đưa 2 huyện này thoát nghèo sớm hơn 1 năm so với kế hoạch và thực hiện xây dựng nông thôn mới, phát triển thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng.

Với những kết quả đạt được thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu, vượt qua khó khăn để tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu hơn nữa, thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025, lập thành tích thiết thực hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Khánh Hòa; sớm hiện thực hóa khát vọng, mục tiêu đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế, cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước; đến năm 2050, trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, là đô thị thông minh, thân thiện với môi trường, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á.

MK

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/khanh-hoa-phai-tang-toc-giu-vung-tang-truong-o-muc-2-con-so-102240302171105959.htm