Khẳng định vị thế Việt Nam sau 78 năm lập nước

Sau 78 năm kể từ khi lập nước, Việt Nam đã ở thế bắt tay cùng các cường quốc và đang trên đường sánh vai với cường quốc toàn cầu, như mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh .

Nếu như trước đây chúng ta ở thế phải chạy theo thì bây giờ, chúng ta ở thế chủ động hơn trong việc mở rộng quan hệ với các nước, chủ động xử lý các vấn đề trên thế giới.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng phu nhân thăm chính thức Áo, thăm cấp nhà nước Italy và thăm Tòa thánh Vatican ngày 23 - 28/7. Chuyến thăm đạt kết quả tốt đẹp, tạo động lực thúc đẩy hợp tác song phương (Trong ảnh: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Italy Sergio Mattarella duyệt đội danh dự sáng 26/7 tại Phủ Tổng thống, thủ đô Rome nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Italy). Ảnh: TTXVN.

Từ bị cô lập đến sánh vai các cường quốc năm châu

Cuối tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới Nhật Bản, tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản.

Việt Nam là một trong tám nước trên toàn thế giới và một trong hai nước Đông Nam Á mà Nhật Bản mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay.

Chỉ sau đó một tháng, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol có chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam và đây là nước Đông Nam Á đầu tiên Tổng thống Hàn Quốc chọn tới thăm kể từ khi nhậm chức vào tháng 5/2022.

Trong đoàn tháp tùng Tổng thống Yoon, có lãnh đạo của khoảng 205 doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc - số doanh nghiệp tháp tùng đông nhất từ trước đến nay trong các chuyến thăm của nguyên thủ Hàn Quốc.

Hình ảnh này gợi nhớ tới hồi tháng 3 cùng năm, cũng có 50 doanh nghiệp quy mô lớn được ví như "những đại bàng" của Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam để tìm hiểu cơ hội hợp tác.

Đây chỉ là một trong rất nhiều "sự kiện đầu tiên và chưa từng có" về ngoại giao, kinh tế cùng nhiều lĩnh vực khác mà Việt Nam đón nhận, cho thấy vị thế và vai trò của Việt Nam ngày càng được nâng cao sau 78 năm lập quốc.

Nói về vị thế của Việt Nam, bà Phạm Chi Lan, nguyên Tổng thư ký, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (nay đổi tên thành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) bồi hồi nhớ lại lời nhắn nhủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thế hệ trẻ nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 15/9/1945) và kỳ vọng của Người về một ngày nào đó "đất nước Việt Nam có thể sánh vai với các cường quốc năm châu".

Theo bà Lan, sau 78 năm, Việt Nam đã ở vị thế bắt tay hợp tác cùng các cường quốc trên thế giới.

"Hình ảnh các nước lớn cùng làm bạn với Việt Nam cho thấy nền kinh tế Việt Nam đủ lớn, có sức hút để họ quan tâm và hợp tác. Muốn chơi với các nước lớn và được họ công nhận, ta phải có vị thế nhất định. Nếu chưa đủ mạnh về các ngành, nghề khác nhau thì ít nhất có quy mô đủ lớn để họ quan tâm; có tiềm năng phát triển để họ tin và mong muốn nâng cấp liên tục quan hệ với Việt Nam", bà Lan nói.

Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với 192 quốc gia trên thế giới, bao gồm 190/193 nước thành viên Liên hợp quốc.

Trong đó, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước; bao gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, toàn bộ nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và tất cả thành viên ASEAN.

Thực tế chỉ ra, kể từ khi bắt tay với Việt Nam tới nay, tất cả các quốc gia đều giữ hoặc nâng cấp liên tục quan hệ, không có trường hợp nào đã xây dựng quan hệ với Việt Nam sau đó dừng hay giảm dần quan hệ.

Theo bà Lan, đó là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá về vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Cùng quan điểm, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, người từng kinh qua nhiều vị trí trong ngành ngoại giao, chứng kiến những giai đoạn quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế nhớ lại: "Thời gian đầu khi Việt Nam mới tham gia vào Liên hợp quốc, chúng ta bị hiểu sai và gần như cô lập về vấn đề Campuchia. Những cuộc họp tại Liên hợp quốc diễn ra rất căng thẳng. Hay ngay trong khu vực, các nước đầu tiên tham gia ASEAN cũng có quan điểm đối nghịch với Việt Nam; các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ và phương Tây đều có giới hạn với chúng ta. Nhưng nay, Việt Nam đã bình thường quan hệ với tất cả các quốc gia, hướng tới đưa quan hệ đi vào chiều sâu, hội nhập quốc tế toàn diện, có trách nhiệm".

Không chỉ trở thành một thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam còn được mời tham gia G7, G20 - các hội nghị quốc tế mà chúng ta vốn không phải là thành viên.

Biểu tượng của hội nhập

Thủ tướng Phạm Minh Chính (bên phải), Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên trái) và Tổng thống Brazil Lula da Silva bắt tay bên lề phiên thảo luận về "Hướng đến một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng" ngày 21/5, tại Hiroshima, Nhật Bản. Ảnh: TTXVN.

Nhà ngoại giao cấp cao Phạm Quang Vinh chỉ ra, nếu chỉ tính trong hơn hai thập kỷ gần đây (năm 2000-2022), GDP Việt Nam đã tăng hơn 10 lần từ 39,5 tỷ USD lên 409 tỷ USD.

Thương mại hai chiều của Việt Nam với các nước trong hơn hai thập kỷ đã tăng hơn 25 lần, từ khoảng 30 tỷ USD lên 730 tỷ USD, đưa Việt Nam vào top 20 nền kinh tế có quy mô ngoại thương lớn nhất trên thế giới.

Độ mở của nền kinh tế lên tới 200% GDP. Điều đó chứng tỏ, từ khủng hoảng, chúng ta đã quản trị bằng đổi mới, hướng đến phát triển chất lượng cao.

Việt Nam được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá là một điển hình thành công trong việc thực hiện Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và là quốc gia quyết tâm, nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy các sáng kiến cải tổ Liên hợp quốc, đặc biệt được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu triển khai sáng kiến "Thống nhất hành động" của Liên hợp quốc nhằm tăng hiệu quả hoạt động của Liên hợp quốc ở cấp độ quốc gia.

Sau 78 năm, Việt Nam đã trở thành biểu tượng của hội nhập, phát triển, phát huy vai trò, giá trị của mình trên trường quốc tế.

Còn với chuyên gia kinh tế Chi Lan, bà ấn tượng với việc Việt Nam thường được các tổ chức quốc tế Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nêu gương như một trong những điển hình tốt về tăng trưởng kinh tế liên tục, đều đặn qua các thời kỳ khác nhau, đồng thời đi đôi với xóa đói giảm nghèo.

Bước ra từ chiến tranh, hơn 80% dân số Việt Nam sống trong cảnh nghèo đói theo mức đánh giá của thế giới (thu nhập dưới 1,9 USD/ngày) nhưng đến nay, con số này giảm còn 10%.

Chuyên gia kinh tế kỳ cựu nhấn mạnh nhất thành tựu "xóa đói giảm nghèo" vì không phải lúc nào các tổ chức như WB, ADB cũng đánh giá cao các nước khác về thành tựu này. Thực tế, có nước tăng trưởng tốt nhưng mức độ xóa đói nghèo chậm hơn đáng kể so với Việt Nam.

Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đánh giá Việt Nam đã tạo ra một câu chuyện huyền thoại trong công cuộc giảm nghèo với chỉ số HDI năm 2019 là 0,63, xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước - tức nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất trên thế giới.

"Chúng ta cũng là một trong những nước hiếm hoi dù mới là nước đang phát triển nhưng đã đi chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn tận tay cho một số nước ở châu Phi và cả châu Á về cách trồng lúa hoặc trồng các cây nông nghiệp như thế nào để có thể tạo được nền nông nghiệp phát triển và là chỗ dựa của nền kinh tế", theo bà Lan.

Nhờ có nông nghiệp là nền tảng vững chắc, Việt Nam cũng không ít lần vượt qua các cuộc khủng hoảng kinh tế trong khu vực và trên toàn cầu. Từ bài học của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo các nước khác không nên quá chạy theo công nghiệp hóa mà quên đi nông nghiệp.

"Dọn ổ, đón đại bàng"

Ở vị thế mới, cánh cửa cơ hội rất rộng mở. Nguyên Thứ trưởng Phạm Quang Vinh chỉ ra, khi đã thiết lập được quan hệ ổn định cùng có lợi, chúng ta sẽ tạo được môi trường vừa đóng góp cho hòa bình, vừa tranh thủ được hợp tác quốc tế.

Xét riêng về khía cạnh kinh tế, chuyên gia Chi Lan lấy lại ví dụ về làn sóng những "đại bàng" trong nền kinh tế Mỹ, hàng trăm lãnh đạo tập đoàn lớn của Hàn Quốc tới tìm hiểu cơ hội về Việt Nam.

Theo bà, chỉ khi họ để ý, đặt chân đến, tìm hiểu như vậy, chúng ta mới có cơ hội trở thành cứ điểm sản xuất của các tập đoàn lớn, nhất là trong giai đoạn các tập đoàn này đang muốn tìm hiểu những chuỗi cung ứng mới.

Nhưng để đón được "đại bàng", chúng ta cũng phải "dọn ổ", phải nâng cấp chính mình.

Theo tiêu chí của các nước phát triển, các đối tác mới phải là đối tác tin cậy, có năng lực thực sự.

Nếu như những năm trước, các tập đoàn chọn Việt Nam vì lao động giá rẻ, không đòi hỏi nhiều kỹ năng thì nay với xu hướng phát triển mới, đòi hỏi kỹ năng con người cao hơn, năng lực ứng dụng công nghệ mới nhanh hơn, buộc lao động Việt Nam phải có kỹ năng tốt để đáp ứng được nhu cầu, làm được những công đoạn khó, từ đó sẽ nhận được những giá trị cao hơn.

Đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức để chính người Việt Nam trau dồi, rèn luyện.

Mặt khác, các tập đoàn công nghệ lớn như Samsung bắt đầu mở những trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam, mở ra cơ hội để chuyển giao, phát triển công nghệ cao.

Đây là thời cơ để Việt Nam bứt phá, vươn lên vị thế cao hơn nữa. "Chúng ta không thể ở vị thế của những người cung cấp lao động giá rẻ mà phải chung tay làm ra những sản phẩm có giá trị cao, xanh, sạch hơn", bà Lan nói.

Từ thế bị động sang thế chủ động

Trong bối cảnh môi trường quốc tế biến động, thuận lợi và thách thức phức tạp, để tận dụng những cơ hội này, theo nhà ngoại giao cấp cao Phạm Quang Vinh, Việt Nam cần căn cứ vào chính sách đối ngoại và vị thế của mình để vừa thúc đẩy lợi ích quốc gia vừa đóng góp lợi ích cho khu vực, quốc tế.

Ông Ahmad Ibrahim Almutaqqi, Giám đốc Chương trình nghiên cứu ASEAN nhận định: "Chúng ta đang chứng kiến một Việt Nam tự tin trên vũ đài thế giới, có những đóng góp quan trọng cho khu vực. Việt Nam chính là tấm gương phản chiếu những lý tưởng và giá trị mà ASEAN có thể mang lại cho nhân dân các nước trong khu vực".

Đại sứ Barbara Woodward, Trưởng phái đoàn thường trực Anh tại Liên hợp quốc đánh giá: "Việt Nam trực tiếp tham gia giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, chẳng hạn vai trò của phụ nữ đối với hòa bình và an ninh, bảo vệ dân thường trong xung đột hay xử lý bom, mìn... Những đóng góp của Việt Nam có giá trị cao, giúp giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với hòa bình và an ninh quốc tế".

Ở đây, ông Phạm Quang Vinh nhấn mạnh hai từ chủ động. Nếu như trước đây chúng ta ở thế phải chạy theo thì bây giờ ta phải ở thế chủ động hơn trong mở rộng quan hệ với các nước, chủ động xử lý các vấn đề trên thế giới.

Với cạnh tranh nước lớn, chúng ta phải chủ động nhấn mạnh luật pháp quốc tế, mọi ứng xử giữa các quốc gia không được ảnh hưởng tới an ninh, hòa bình khu vực và thế giới.

Thế giới càng phức tạp, ta càng phải củng cố luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương, xây dựng lòng tin, xây dựng chuẩn mực ứng xử quốc tế, tích cực xây dựng luật chơi quốc tế và khu vực.

Trong bối cảnh thế giới có rất nhiều thách thức (từ khủng hoảng ở Myanmar, Biển Đông, khủng hoảng Ukraine…), Việt Nam cũng cần tăng cường tiếng nói về luật pháp quốc tế, ủng hộ giải quyết hòa bình.

Điều này đã được nhấn mạnh trong Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Về các xu hướng mới, hiện nay, thế giới đang chuyển sang những cam kết về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thích ứng biến đổi khí hậu.

Việt Nam đã có cam kết rất cao tại COP26 diễn ta tại Glasgow (năm 2021) nhưng cam kết thôi chưa đủ, phải đóng góp thực hiện một cách thực chất. Nếu làm được, Việt Nam sẽ tranh thủ được những nguồn lực từ kinh tế mới về chuyển đổi số, kinh tế xanh.

Khát vọng hùng cường

Chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng: "Nếu như trước đây, các bậc cha ông mang trong mình khát vọng độc lập, tự cường thì lớp trẻ hiện nay cần có khát vọng hùng cường, quyết không chịu đói nghèo, lạc hậu, đồng lòng đi tới".

Cả hai chuyên gia đều tin vào lực lượng trẻ vì họ được đầu tư học hành cao hơn và nhất là có con mắt nhìn ra thế giới bên ngoài. Họ hiểu rõ vị thế của đất nước mình, nhìn rộng ra thế giới, biết mình ở đâu để tìm được hướng đi đúng đắn.

Bằng nhiều kênh khác nhau, người trẻ Việt Nam đã đưa ra rất nhiều sáng kiến, tạo ra được những sản phẩm mà chúng ta không thể ngờ. Chẳng hạn như TS Lương Việt Quốc, Giám đốc điều hành RealTime Robotics Inc (RtR) - một người Việt đã không chỉ sản xuất được máy bay không người lái (drone), mà còn xuất khẩu với giá cao sang thị trường Mỹ, nơi công nghệ cạnh tranh khốc liệt nhất.

Ngay cả thế hệ thanh niên nông dân ở vùng núi vùng cao tư duy làm nông nghiệp đã đổi khác.

Trở lại với khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một ngày "Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu", chuyên gia Chi Lan chỉ ra: "Hiện tại, chúng ta đã bắt tay với các cường quốc nhưng khoảng cách từ "bắt tay" tới "sánh vai" vẫn còn một chặng đường dài.

Chặng đường đó chắc chắn phải trao vào tay những người trẻ đi tiếp với năng lực học hỏi, thích ứng cao, toàn diện hơn. Hãy tin ở những người trẻ, họ sẽ làm được!".

Nhìn về tương lai, nghĩ đến năm 2045 - dịp kỷ niệm 100 năm ngày Quốc khánh, chuyên gia kinh tế Chi Lan mường tượng ra cảnh Việt Nam sẽ trở thành một đất nước có thu nhập cao. Đó chính là lúc chúng ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Sự giàu có đó được đúc kết bằng bàn tay khối óc của không chỉ người Việt trong nước mà ở khắp năm châu cùng đóng góp. Người dân dù sống ở đâu cũng hướng về đất nước, khát khao đóng góp cho đất nước. Chúng ta sẽ là một nước không chỉ giàu mà còn đoàn kết để cùng nhau phát huy sức mạnh dân tộc, đưa đất nước phát triển hùng cường.

Năm 2023 là dịp quan trọng kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác Việt Nam - UNDP (năm 1978 - 2023). Nhìn lại chặng đường, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết: "Thời điểm UNDP mở văn phòng tại Hà Nội, Việt Nam còn khó khăn, bị cô lập về ngoại giao và UNDP là một trong số rất ít kênh hỗ trợ quốc tế cho Việt Nam.

Cho đến nay, Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình, hiện đại, năng động, có vị thế cao trên trường quốc tế, thể hiện vai trò lãnh đạo và cam kết với chương trình nghị sự đa phương.

Với UNDP, niềm tin chính là một trong những nhân tố lớn nhất làm nên mối quan hệ giữa Việt Nam – UNDP. Niềm tin được xây dựng theo thời gian, qua những lời hứa được hiện thực hóa, kế hoạch mang lại kết quả và cam kết được thực hiện. Qua thời gian, niềm tin giúp chúng ta mở rộng hơn nữa mối quan hệ đối tác với các lĩnh vực hợp tác mới về thương mại, hỗ trợ kinh tế tư nhân, chống biến đổi khí hậu và quản trị tốt".

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/khang-dinh-vi-the-viet-nam-sau-78-nam-lap-quoc-192230828095223888.htm