Khẳng định vai trò, vị thế cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương

Với tinh thần 'Đổi mới - Dân chủ - Trách nhiệm - Hiệu quả - Vì dân', từ khi tái lập tỉnh đến nay, trải qua 30 năm với 7 nhiệm kỳ, HĐND tỉnh Ninh Bình đã không ngừng hoàn thiện tổ chức và đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các hoạt động, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa VIII đã ban hành Nghị quyết về việc phân vạch lại địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó có việc chia tỉnh Hà Nam Ninh thành hai tỉnh Ninh Bình và Nam Hà. Ngày 21.3.1992, HĐND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức kỳ họp đầu tiên kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền của tỉnh, biểu quyết lấy tên gọi nhiệm kỳ 1989 - 1994 là nhiệm kỳ Khóa IX. Trải qua 30 năm với 7 nhiệm kỳ hoạt động, ở mỗi thời điểm, hoàn cảnh lịch sử khác nhau, HĐND tỉnh Ninh Bình luôn thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh, khẳng định vai trò, vị thế cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Quyết sách sát thực tiễn

Qua 7 nhiệm kỳ hoạt động, HĐND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức thành công 95 kỳ họp, thông qua hơn 940 nghị quyết trên các lĩnh vực. Công tác tổ chức kỳ họp của HĐND tỉnh có những tiến bộ rõ nét về nội dung và cách thức. Bên cạnh quyết định những vấn đề quan trọng về chỉ tiêu và giải pháp thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, phân bổ và quyết toán ngân sách, vấn đề về tổ chức bộ máy, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hướng về cơ sở, được nhân dân đồng tình, đem lại hiệu quả thiết thực.

Nhiều nghị quyết chuyên đề mang tính đột phá đã phát huy được tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Điển hình phải kể đến chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng (mở rộng khu công nghiệp, xây dựng khu nhà ở công nhân, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư…). đã tạo điều kiện cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp phụ trợ phát triển, trở thành ngành kinh tế trọng điểm, đóng góp lớn trong tổng thu ngân sách địa phương; chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến, bền vững đã góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng chất lượng, giá trị gia tăng, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, an toàn, hiệu quả, gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và nâng cao đời sống nhân dân.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch cùng với việc Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, di sản hỗn hợp đầu tiên của Đông Nam Á đã góp phần tạo ra diện mạo mới và sức hấp dẫn của du lịch Ninh Bình, trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước và là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh… Các chính sách an sinh xã hội, y tế, giáo dục cũng được ban hành kịp thời, được Nhân dân đồng tình, hưởng ứng, triển khai đem lại hiệu quả thiết thực trong thực tiễn, góp phần nâng cao cuộc sống của người dân.

Các đại biểu dự Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Ninh Bình Khóa XV

Các đại biểu dự Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Ninh Bình Khóa XV

Nguồn: baoninhbinh.org.vn

Đánh giá toàn diện và sát thực

HĐND tỉnh Ninh Bình từng bước tăng cường và phát huy hiệu quả hoạt động giám sát theo hướng đổi mới toàn diện về nội dung, đa dạng về hình thức. Trong đó, hoạt động chất vấn được đổi mới về cách thức tổ chức, chất lượng, hiệu quả được nâng lên. Nội dung chất vấn ngày càng bám sát hơn yêu cầu của cuộc sống. Đặc biệt, từ Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Khóa XV, hoạt động chất vấn được thực hiện bằng hình thức “hỏi - đáp” trực tiếp. Qua chất vấn, HĐND tỉnh đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề được dư luận quan tâm, nhiều vấn đề bức xúc từng bước được công khai, minh bạch.

Bên cạnh giám sát thường xuyên, HĐND tỉnh đã tiến hành trên 300 cuộc giám sát chuyên đề. Nội dung giám sát được chuẩn bị kỹ lưỡng, có trọng tâm, trọng điểm. Phương thức giám sát linh hoạt, kết hợp giữa giám sát, khảo sát trực tiếp tại cơ sở và giám sát qua báo cáo để đánh giá toàn diện và sát thực. Thông qua giám sát, đã phát hiện và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ; kiến nghị, đề xuất những giải pháp để thực hiện tốt hơn chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của HĐND tỉnh.

Thường trực HĐND tỉnh Khóa XIV triển khai ngay hình thức giám sát mới đó là hoạt động giải trình với 11 phiên giải trình về các lĩnh vực. Qua đó, đã góp phần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong thực hiện nhiệm vụ, được cử tri và nhân dân trong tỉnh đánh giá cao. Việc đôn đốc, tái giám sát thực hiện các kiến nghị sau giám sát, giải trình và cam kết khi trả lời chất vấn được thực hiện thường xuyên, tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước.

Hoạt động TXCT có bước cải tiến theo hướng đa dạng hóa nội dung, hình thức, kết hợp tiếp xúc của đại biểu HĐND các cấp để tiết kiệm thời gian, đồng thời nâng cao hiệu quả tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đa số các cuộc tiếp xúc có mời lãnh đạo chính quyền các cấp tham gia cùng đại biểu HĐND để trả lời và giải quyết kịp thời những kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền, tạo được sự tin tưởng, đồng thuận của cử tri trong tỉnh.

Có thể khẳng định, kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, trải qua 30 năm với 7 nhiệm kỳ, hoạt động của HĐND tỉnh Ninh Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng, hiệu quả hoạt động được nâng lên theo hướng sâu sát, thực chất hơn, phát huy được vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của cử tri và Nhân dân trong tỉnh.

Trần Hồng Quảng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khang-dinh-vai-tro-vi-the-co-quan-quyen-luc-nha-nuoc-o-dia-phuong-arg0zsqaei-81019