Khẳng định chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp

Năm 2023 là năm đầu tiên Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) tỉnh chấm điểm và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn chính quyền thân thiện (CQTT). Đây là cách làm sáng tạo góp phần nhân lên niềm tin của nhân dân vào chính quyền cơ sở.

Theo quy định, thời gian tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận một cửa là từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần trong giờ hành chính. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho công dân giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) được thuận tiện, nhanh chóng, UBND xã Mỹ Thái (Lạng Giang) đã thực hiện sáng kiến “Chưa hết việc, chưa hết giờ”. Ngoài giờ hành chính (kể cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật), cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa của xã vẫn tiếp nhận, giải quyết phục vụ cá nhân đến giao dịch, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến lĩnh vực tư pháp - hộ tịch như khai sinh, khai tử, kết hôn, chứng thực...

Người dân xã Xuân Phú (Yên Dũng) đánh giá sự hài lòng đối với công chức ở bộ phận một cửa.

Đến làm thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân, anh Nguyễn Duy Thái, thôn Cả chia sẻ: "Tôi làm việc tại một công ty ở ngoài tỉnh và chỉ được nghỉ một ngày cuối tuần, nếu xin nghỉ ngày thường sẽ bị công ty trừ tiền chuyên cần vào lương hằng tháng. Bởi vậy, tôi thấy sáng kiến của bộ phận một cửa của xã là rất ý nghĩa, tạo điều kiện cho người dân, nhất là những công nhân đi làm xa sắp xếp thời gian giải quyết công việc được thuận lợi".

Ở xã Vĩnh An (Sơn Động), cùng với việc bố trí bộ phận một cửa hiện đại, tiện nghi, năm 2023, UBND xã triển khai hiệu quả mô hình "Ngày thứ Sáu không hẹn". Vào ngày thứ Sáu, công dân nếu có đầy đủ hồ sơ theo quy định, công chức sẽ tiếp nhận, xử lý hồ sơ, trình lãnh đạo ký trực tiếp và trả kết quả ngay trong ngày, không để người dân phải đợi nhận kết quả vào thứ Hai. Ông Giáp Xuân Hồng, Chủ tịch UBND xã nói: "Với sáng kiến này, số hồ sơ nhận giải quyết trong ngày thứ Sáu đã tăng so với ngày thường từ 20-30%. Đặc biệt, qua khảo sát từ người dân, số phiếu đánh giá rất hài lòng đạt gần 72%".

Năm 2023, toàn tỉnh có 76/209 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn CQTT (hơn 36%), trong đó có 35 đơn vị đạt 1 sao, 30 đơn vị đạt 2 sao và 11 đơn vị đạt 3 sao. Năm nay, tỉnh phấn đấu có 60% đơn vị cấp xã đạt chuẩn CQTT.

Đây là 2 trong số 76 đơn vị trên địa bàn tỉnh được gắn sao công nhận đạt chuẩn CQTT xã, phường, thị trấn năm 2023. Mỗi đơn vị đều có những cách làm riêng nhưng cùng hướng đến mục tiêu chung là lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng phục vụ. Năm 2023 là năm đầu tiên tỉnh tiến hành việc chấm điểm, gắn sao công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn CQTT.

Việc chấm điểm, gắn sao dựa trên 42 tiêu chí (với thang điểm 100) về các nội dung: Cán bộ thân thiện; hoạt động của CQTT; môi trường làm việc văn minh, lịch sự, thân thiện với nhân dân... Các đơn vị đạt chuẩn phải đạt từ 80 điểm trở lên. Trong đó từ 80 đến 85 điểm là đơn vị đạt chuẩn 1 sao; từ 85 đến 90 đạt chuẩn 2 sao; từ 90 đến 95 điểm đạt chuẩn 3 sao; từ 95 đến dưới 100 điểm đạt chuẩn 4 sao; đơn vị đạt 5 sao là 100 điểm.

Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC tỉnh đã thành lập 10 tổ thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn CQTT tại 10 huyện, TP. Đồng chí Đặng Huy Hà, Trưởng Phòng Dân vận các cơ quan nhà nước và tôn giáo (Ban Dân vận Tỉnh ủy) cho biết: Các đơn vị được gắn sao công nhận đạt chuẩn đều đã quan tâm, chú trọng triển khai xây dựng CQTT, bảo đảm được các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ như: Đầu tư nâng cấp trang thiết bị phòng làm việc tại bộ phận một cửa, lắp điều hòa nhiệt độ; bố trí nước uống, mạng wifi, khu vực đọc sách, báo, tạp chí... phục vụ người dân trong thời gian ngồi chờ; tổ chức tập huấn kỹ năng giao tiếp, văn hóa công sở cho cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn.

Riêng đối với những đơn vị đạt chuẩn 3 sao cần đạt thêm một số tiêu chí khó, kinh phí đầu tư lớn liên quan đến thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở như lắp đặt hệ thống truyền thanh thông minh, bảng biểu máy tính đánh giá sự hài lòng của người dân, tích cực ứng dụng công nghệ, nền tảng số vào giải quyết công việc của người dân; có mô hình sáng tạo, cách làm hay trong chỉ đạo.

Đơn cử như tại huyện Lạng Giang, ngay từ đầu năm 2023, UBND huyện đã quan tâm chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát những hạng mục về cơ sở vật chất. Địa phương đã thay thế lắp đặt toàn bộ hệ thống camera giám sát hoạt động của cán bộ công chức làm việc tại bộ phận một cửa ở 21 xã, thị trấn. Tất cả đều kết nối với hệ thống màn hình giám sát, thiết bị lưu trữ thông tin tại UBND huyện. Hỗ trợ mỗi xã 2 máy tính, 1 máy in, 1 máy scan. Cùng đó cử cán bộ công chức tại bộ phận một cửa cấp xã lên tập huấn tại bộ phận một cửa của huyện. Năm vừa qua, huyện đã có 7 xã, thị trấn được gắn sao công nhận đạt chuẩn.

Đồng chí Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC tỉnh đánh giá: “Qua thực tế kiểm tra và thẩm định hồ sơ, những nơi được công nhận gắn sao đạt chuẩn là những đơn vị có sự quan tâm cao của cấp ủy, chính quyền cơ sở. Các đơn vị không đạt chuẩn ngoài những yếu tố về điều kiện cơ sở vật chất còn có hạn chế chung như đội ngũ cán bộ chưa thực sự thân thiện, cởi mở, tận tình, chu đáo trong giao tiếp, ứng xử và xử lý công việc; chưa biết cách khai thác thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết TTHC, nhất là 25 dịch vụ công thiết yếu”.

Năm 2024, tỉnh phấn đấu có 60% đơn vị cấp xã đạt chuẩn CQTT. Trong đó 100% các xã, phường, thị trấn đã đạt chuẩn năm 2023 phải cố gắng đạt chuẩn mức cao hơn. Để đạt mục tiêu này, các cấp ủy, chính quyền cần tăng cường kiểm tra hoạt động công vụ; người đứng đầu gương mẫu, có trách nhiệm với nhân dân; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân né tránh, đùn đẩy công việc thuộc thẩm quyền; đầu tư thỏa đáng về cơ sở vật chất, trang thiết bị tại bộ phận một cửa, bảo đảm có được không gian làm việc thân thiện.

Bài, ảnh: Vân Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/xay-dung-dang/419020/khang-dinh-chat-luong-phuc-vu-nguoi-dan-doanh-nghiep.html