Khẳng định bản sắc và nâng tầm điện ảnh Việt Nam

Lần đầu tiên, Liên hoan phim quốc tế TP. Hồ Chí Minh (HIFF) sẽ được tổ chức vào năm 2024; sự kiện này hướng tới đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành thành phố điện ảnh, đồng thời kỳ vọng góp phần nâng tầm 'nghệ thuật thứ bảy' của Việt Nam.

Hướng tới thành phố điện ảnh

Liên hoan phim quốc tế thành phố Hồ Chí Minh (HIFF) lần thứ nhất - năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 6 - 13.4.2024, do UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố phối hợp với các đơn vị thực hiện. HIFF 2024 là sự kiện quan trọng, không chỉ đối với thành phố Hồ Chí Minh mà còn đối với điện ảnh Việt Nam, bởi đây là trung tâm điện ảnh sôi động của cả nước, với hơn 800 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Phối cảnh dự kiến của Liên hoan phim quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh 2024. Nguồn: BTC

Theo số liệu của Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh, tính đến cuối năm 2022, thành phố có 56 rạp, cụm rạp chiếu phim, trong đó có 5 doanh nghiệp dẫn đầu và nắm giữ 98% thị phần chiếu phim Việt Nam. Đây cũng là địa phương chiếm thị phần phim ảnh lớn nhất nước với khoảng 40%. Hệ thống phim trường, phương tiện kỹ thuật của nhà nước và tư nhân tương đối đáp ứng điều kiện làm phim… Những năm gần đây xuất hiện một số nhà làm phim trẻ khẳng định được năng lực sáng tạo, khả năng tiếp nhận chuyển giao thế hệ thông qua những bộ phim được giới chuyên môn đánh giá cao, được công chúng đón nhận.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết: Ban Tổ chức mong muốn HIFF 2024 sẽ là cầu nối cho các nhà làm phim, diễn viên, khán giả trong và ngoài nước giao lưu, học hỏi và hợp tác về điện ảnh. HIFF 2024 cũng là cơ hội giới thiệu các tác phẩm điện ảnh Việt Nam có chất lượng và giàu sáng tạo; khẳng định vị thế và uy tín của điện ảnh Việt Nam nói chung, TP. Hồ Chí Minh nói riêng trên bản đồ điện ảnh thế giới.

Với định hướng phát triển công nghiệp văn hóa, TP. Hồ Chí Minh hướng tới tập trung đầu tư cho điện ảnh, trong đó có HIFF, với tham vọng trở thành trung tâm điện ảnh của Đông Nam Á, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Đặc biệt là sau lứa đạo diễn Việt kiều về nước, chúng ta đang có “thế hệ vàng” của điện ảnh Việt Nam gồm các đạo diễn, nhà sản xuất phát triển ở trong nước. Theo Giám đốc điều hành HIFF 2024 Phạm Minh Toàn, HIFF nằm trong chiến lược đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành thành phố điện ảnh (Film City), gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) vào năm 2025.

Gieo mầm và nâng đỡ tài năng điện ảnh

HIFF gồm 5 hạng mục tranh giải chính và các giải thưởng khác, trong đó có hạng mục Phim về đề tài TP. Hồ Chí Minh hay nhất. Liên hoan cũng sẽ được tổ chức như một lễ hội ở nhiều địa điểm tại TP. Hồ Chí Minh, gồm lễ khai mạc, lễ trao giải; triển lãm công nghiệp nội dung và công nghiệp điện ảnh; các hội thảo chuyên đề; giao lưu với người hâm mộ; các show điện ảnh (cine show)...

Với nhiều người làm việc trong lĩnh vực điện ảnh, HIFF là sự kiện được mong chờ và kỳ vọng. Theo nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm, “trên thế giới có nhiều liên hoan phim. HIFF sinh sau đẻ muộn nhưng có cơ hội tham khảo, rút kinh nghiệm từ các liên hoan phim trong nước và quốc tế để tìm ra tiếng nói, bản sắc, câu chuyện riêng, cạnh tranh, tìm vị thế cho mình. Nếu chỉ là một lễ hội vui đem phim đến chiếu rồi lẫn trong vô vàn liên hoan phim khác, không để lại dấu ấn gì thì sẽ rất lãng phí”.

Còn Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) Nguyễn Hoàng Phương kỳ vọng HIFF sẽ là nơi gieo mầm tài năng, nâng đỡ những nhà làm phim trẻ, tạo cho họ cơ hội làm phim, từ đó góp phần phát triển điện ảnh Việt Nam. "Việt Nam đang thiếu sân chơi cho các nhà làm phim trẻ, phim ngắn. Thế hệ làm phim trẻ năng động gửi tác phẩm đến các liên hoan phim quôc tế nhiều, tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có liên hoan phim dành cho phim ngắn, việc hỗ trợ tôn vinh nhà làm phim trẻ cũng còn hạn chế".

Cùng ý kiến, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp mong muốn: “Liên hoan phim cần mang lại lợi ích cho người làm phim và công chúng yêu điện ảnh. Các liên hoan phim lớn có thể mang lại nguồn thu lớn về kinh tế, nhưng nếu chạy theo mục đích kinh tế để định vị bản thân chưa chắc đã phù hợp”.

Thế giới có tới 10.000 liên hoan phim, bởi vậy, theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, quan trọng chúng ta nhìn vào nội lực để thấy cần làm gì cho nền điện ảnh, chứ không phải vì Việt Nam cần có một liên hoan! Dưới góc độ nhà làm phim, liên hoan phim là nơi có thể giới thiệu, bán phim; tìm kiếm cơ hội hợp tác nội địa, khu vực và thế giới. Không chỉ nhà làm phim trẻ mới cần cơ hội cất lên tiếng nói, nhà làm phim kỳ cựu cũng cần điều đó để đi tiếp...

Kết nối nhà làm phim và khán giả

Mỗi liên hoan phim quốc tế được coi là sự kiện có giá trị lớn giúp giới làm phim và khán giả được sống trong bầu không khí điện ảnh, mở rộng phạm vi thưởng lãm những bộ phim chất lượng được tuyển chọn từ nhiều quốc gia. Khán giả được gặp gỡ trực tiếp diễn viên và nhà làm phim, từ đó hiểu hơn công việc của những người đứng phía sau màn ảnh.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng, liên hoan phim phải làm cho người làm nghề tự hào về công việc và có cơ hội đi tiếp, làm cho công chúng yêu điện ảnh hơn. Không chỉ được chiếu phim, được hợp tác, người làm phim còn cần khán giả. Vì vậy, liên hoan phim thu hút càng đông khán giả, công chúng càng tốt.

Tuy vậy, để thu hút khán giả đến rạp chiếu là thách thức của các liên hoan phim hiện nay. Sau Covid-19, khán giả đã mất dần thói quen tới rạp, có xu hướng xem phim tại nhà qua ti vi hay thiết bị thông minh, doanh thu phòng vé một số quốc gia giảm tới 50% so với trước đại dịch. Bởi thế, liên hoan phim còn có vai trò góp phần kích cầu, xây dựng lại thói quen đến rạp của khán giả

Những khán giả đến liên hoan phim sẵn sàng bỏ tiền mua vé mong muốn được xem phim hay, chất lượng, được gặp gỡ nhà làm phim, diễn viên họ yêu mến. Bởi vậy, theo ông Phạm Minh Toàn, để thu hút khán giả, câu chuyện đặt ra vẫn phải là tuyển chọn được những phim tốt và tập trung truyền thông. Ban Tổ chức HIFF dự định tổ chức các câu lạc bộ nhà phê bình phim trẻ, tình nguyện viên là những người yêu phim, giúp quảng bá, kết nối khán giả với điện ảnh. Bên cạnh vé mời dành cho người làm trong nghề, khán giả đại chúng sẽ trả mức phí tượng trưng, có hình thức ưu đãi nhằm thu hút công chúng tham dự…

“Khi chúng tôi làm tốt, đủ uy tín thì các nhà làm phim Việt Nam sẽ lựa chọn HIFF để quảng bá phim của mình thay vì tổ chức hoạt động phát hành phim riêng hay tham dự các liên hoan phim khác…” - ông Phạm Minh Toàn lạc quan.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/khang-dinh-ban-sac-va-nang-tam-dien-anh-viet-nam-i355940/