Khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc trong phát triển cụm công nghiệp

Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp được ban hành đã phần nào giải quyết được vướng mắc khi thành lập cụm công nghiệp mới...

Nghị định 32/2024/NĐ-CP đã phân cấp hoàn toàn cho địa phương từ công tác xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp đến thành lập/mở rộng cụm công nghiệp.

Theo Bộ Công Thương, việc ban hành Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 (có hiệu lực từ ngày 1/5/2024) đã hoàn thiện đáng kể chính sách về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, trong đó đã kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc thành lập mới cụm công nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) cho biết Nghị định 32 có nhiều điểm mới rất quan trọng, như đã phân cấp hoàn toàn cho địa phương từ công tác xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp đến thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, quản lý quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp, quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp.

Nghị định này cũng ban hành quy chế, quy định theo thẩm quyền và tổ chức thực thi các chính sách, pháp luật về cụm công nghiệp,… bảo đảm cho chính quyền địa phương có đủ công cụ, điều kiện cần thiết để thực hiện vai trò, chức năng quản lý nhà nước về cụm công nghiệp.

Mặc dù vậy, vẫn còn một số nội dung các địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan chưa được giải quyết triệt để do chưa phù hợp với quy định ở các luật và văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan khác.

Ông Lương Văn Khôi, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, cho biết sau khi Nghị định 32 được ban hành, Sở đã báo cáo UBND tỉnh và thông tin tới chủ đầu tư để chuẩn bị hồ sơ. Đắk Lắk đã phê duyệt quy hoạch, với 26 cụm công nghiệp và hiện có 8 cụm đi vào hoạt động.

Dù vậy, việc các cụm công nghiệp ở Đắk Lắk đã và đang hình thành với thời gian quá lâu, việc đầu tư hạ tầng dùng ngân sách nhà nước nhưng các quy định mới như chuyển tài sản từ nhà nước về doanh nghiệp… còn nhiều vấn đề đặt ra và cần có nghiên cứu hướng dẫn địa phương triển khai.

Tương tự, ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, cho biết dự kiến đến năm 2050 Bình Thuận có 38 cụm công nghiệp, nhiều cụm công nghiệp đã xây dựng cơ sở hạ tầng, có 27 cụm thu hút đầu tư, song tỷ lệ lấp đầy còn thấp (chiếm 37%).

Song theo ông Hòa, chính sách về hạ tầng cụm công nghiệp còn nhiều vướng mắc, nhất là hiệu quả đầu tư và thu hút nhà đầu tư là trách nhiệm của địa phương.

Nhấn mạnh đến việc xác định chủ đầu tư hạ tầng, ông Hòa cho rằng trước đây, vẫn dùng ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng (đường, điện…) nhưng trong Nghị định 32 chưa xác định được tính toán bài toán này như thế nào.

Do đó, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận đề xuất bàn giao cho chủ đầu tư tiếp tục thực hiện và quản lý, còn ngân sách nhà nước có thể hỗ trợ cho chủ đầu tư 30% trong thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng.

Trước các kiến nghị trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đơn vị liên quan của Bộ tổng hợp những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 32 để đề xuất cấp có thẩm quyền trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Đồng thời giao Cục Công Thương địa phương khẩn trương xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 32.

"Muộn nhất 1/7 phải xong để ban hành, trên tinh thần là cải cách hành chính, là trao quyền cho chính quyền địa phương trong thực hiện nghị định", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, đồng thời đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định các thủ tục triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp theo quy định tại Nghị định số 32.

Mặt khác, chính quyền các địa phương cần chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn và các chương trình, cơ chế chính sách về hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp và các ngành nghề thủ công mỹ nghệ ở địa phương, bảo đảm phù hợp với các quy định tại Nghị định số 32 và quy định khác có liên quan của Nhà nước.

Đồng thời hoàn thành xử lý dứt điểm trước ngày 31/12/2026 theo quy định tại khoản 4 Điều 35 Nghị định này đối với việc thành lập các cụm công nghiệp có trong Phương án phát triển cụm công nghiệp thuộc Quy hoạch tỉnh, được hình thành trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Và báo cáo kết quả xử lý về Bộ Công Thương để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Vũ Khuê

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/khan-truong-thao-go-nhung-vuong-mac-trong-phat-trien-cum-cong-nghiep.htm