Khẩn trương phòng chống, khắc phục sạt lở, sụt lún

Nhiều tuyến kênh, rạch bị cạn khô, thiếu nước phục vụ sản xuất, hàng trăm điểm sụt lún, sạt lở làm hư hỏng hạ tầng vùng nông thôn... Tình trạng này đang được dự báo diễn biến phức tạp trong thời gian tới, khi mùa khô dự kiến đến hết tháng 5 mới kết thúc.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, nhận định, mùa khô năm nay hết sức gay gắt, nhiều công trình giao thông nông thôn bị thiệt hại do sạt lở và sụt lún. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do trong quá trình nạo vét, cải tạo kênh mương cũng như bồi trúc bờ bao quá sâu cùng với đó là tình trạng người dân lấy nước đồng loạt dẫn đến sạt lở.

Huyện Trần Văn Thời đang là địa phương phải chịu thiệt hại nặng nề nhất do tình trạng khô hạn hiện nay. Theo kết quả rà soát đến ngày 21/2, toàn huyện đã có 327 vị trí xảy ra sạt lở, sụt lún với chiều dài khoảng 8,98 km, làm hư hỏng hơn 6,5 km đường bê-tông, còn lại đường đất đen, của 9 xã và thị trấn. Ngoài ra, hiện nay toàn huyện đang có hơn 80 tuyến kênh, rạch đang trong tình trạng bị khô cạn, nguy cơ thiệt hại các công trình công cộng, nhất là lộ giao thông luôn ở mức cao.

Nhiều tuyến lộ nông thôn gần như bị hư hỏng hoàn toàn do sạt lở, sụt lún. (Ảnh chụp vào ngày 21/2/2024, tại ấp Bình Minh 2, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời).

Nhiều tuyến lộ nông thôn gần như bị hư hỏng hoàn toàn do sạt lở, sụt lún. (Ảnh chụp vào ngày 21/2/2024, tại ấp Bình Minh 2, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời).

Ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, cho biết, hiện nay người dân đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất do mực nước xuống rất thấp và nhanh, nhiều tuyến đã khô cạn không còn nước.

Sụt lún, sạt lở làm hư hỏng đường giao thông, ảnh hưởng đến việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân, nhất là lúa. Hiện nay việc vận chuyển lúa đa phần bằng các loại phương tiện nhỏ như xe máy và vỏ máy nhỏ với chi phí khoảng 170 ngàn đồng mỗi tấn, tùy theo chiều dài đoạn đường. Phát sinh thêm chi phí vận chuyển đương nhiên kéo theo giá thành lúa bán ra của người dân giảm. Hiện giá lúa ở huyện đã giảm hơn 1.000 đồng/kg so với trước.

Nhiều tuyến lộ bị sụt lún đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân.

Nhiều tuyến lộ bị sụt lún đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân.

Không chỉ hạ tầng bị thiệt hại, nhiều diện tích lúa đông xuân cũng bị ảnh hưởng. Mùa mưa năm 2023 kết thúc muộn, đến tháng 12 vẫn còn mưa rất lớn dẫn đến nhiều diện tích lúa phải dời lịch thời vụ sau ngày 15/12/2023. Số diện tích này đang đứng trước nguy cơ thiệt hại cao. Hiện còn khoảng 20.000 ha lúa chưa được thu hoạch. Riêng các trà lúa xuống giống đúng lịch thời vụ, tức trước ngày 15/12 thì lượng nước đảm bảo.

Ông Tùng nhận định: “Thời gian tới vùng ngọt hóa chắc chắn sẽ xuất hiện nhiều điểm sụt lún, sạt lở và trầm trọng hơn, kể cả nguy cơ thiếu nước ngọt sinh hoạt cho người dân ở vùng này. Do đó, chính quyền các huyện, xã, cần nắm sát diễn biến thời tiết để có thông báo kịp thời đến người dân".

Ban Thường vụ Huyện ủy Trần Văn Thời đã ban hành Chỉ thị số 09 về tăng cường các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả do hạn hán trên địa bàn. Theo đó, ông Trần Tấn Công cho biết, huyện tiếp tục chỉ đạo quyết liệt UBND các xã, thị trấn, các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra địa bàn, những trà lúa nào đảm bảo đủ nước cho kết hạt thì cương quyết không cho lấy nước. Không để người dân múc, nạo vét đất, cất nhà cặp mé sông, kênh rạch làm tăng nguy cơ sụt lún, sạt lở. Những nơi nào tình trạng sạt lở, sụt lún nhỏ, trong khả năng của xã thì chủ động khắc phục cũng như vận động người dân chủ động triển khai các biện pháp gia cố phòng, chống sạt lở, sụt lún, bảo vệ các công trình hạ tầng trên phần diện tích của gia đình...

Trục kênh dọc theo tuyến Co Xáng - Minh Hà - Đá Bạc đang bị khô cạn, nguy cơ sụt lún tuyến đường này là rất cao. Hiện các cơ quan đang tiến hành giảm tải trọng tuyến này.

Trục kênh dọc theo tuyến Co Xáng - Minh Hà - Đá Bạc đang bị khô cạn, nguy cơ sụt lún tuyến đường này là rất cao. Hiện các cơ quan đang tiến hành giảm tải trọng tuyến này.

Nhằm ứng phó hiệu quả trước diễn biến phức tạp của tình trạng khô hạn thời gian tới, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo cơ quan chuyên môn cũng như chính quyền các cấp, đặc biệt là huyện Trần Văn Thời. Mới đây, ngày 20/2, Văn phòng UBND tỉnh có Thông báo số 529 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử sau buổi kiểm tra tình hình hạn hán, sụt lún trên địa bàn huyện Trần Văn Thời. Theo đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo, việc phòng chống, khắc phục sạt lở, sụt lún phải được triển khai thực hiện khẩn trương hơn, quyết liệt hơn với sự tham gia của cả hệ thống chính trị./.

Nguyễn Phú - Chí Diện

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/khan-truong-phong-chong-khac-phuc-sat-lo-sut-lun-a31396.html