Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa, lũ

Ngày 28/9 mưa lớn tiếp tục xảy ra ở nhiều địa phương gây ra tình trạng lũ lụt, sạt lở, ảnh hưởng tới hàng nghìn hộ dân.

Mưa lớn nhấn chìm nhà cửa tại các tỉnh miền Trung. Ảnh: Điền Bắc.

Mưa lớn nhấn chìm nhà cửa tại các tỉnh miền Trung. Ảnh: Điền Bắc.

Nhiều địa phương ngập sâu trong biển nước

Rạng sáng 28/9, cơn mưa lớn kéo dài nhiều giờ đồng hồ khiến hàng loạt tuyến phố lớn ở TP Hà Nội chìm trong biển nước, giao thông ách tắc từ 7h đến gần 12h mới được giải tỏa. Các quận như: Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Ba Đình, Nam Từ Liêm đều ngập sâu trong nước.

Trận mưa sáng 28/9 còn khiến một cây phượng có đường kính khoảng 40cm trước số nhà 17B phố Hàn Thuyên (quận Hai Bà Trưng) bật gốc, đổ trúng hai ôtô đang đỗ trên vỉa hè. Một chiếc bị hư hỏng phần kính. Trưa cùng ngày, một cây phượng khác cao khoảng 10 m trên phố Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) bật gốc, đè trúng xe tải đang di chuyển trên đường, may mắn không ai bị thương.

Tại tỉnh Lào Cai, mưa lớn kéo dài trong 2 ngày 27 và 28/9 đã gây thiệt hại về nhà ở và sạt lở các công trình giao thông quan trọng trên địa bàn.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, từ 19 giờ ngày 27/9 đến 8 giờ ngày 28/9, mưa lớn tập trung tại các địa bàn như: Ngũ Chỉ Sơn, Liên Minh, Tả Van, Ô Quý Hồ của thị xã Sa Pa, lượng mưa đo được từ 102-113mm; Võ Lao, Nậm Mả, Sơn Thủy (huyện Văn Bàn) mưa từ 93-111,2mm...

Tại Sa Pa, mưa lớn gây thiệt hại nặng về cơ sở hạ tầng. Đoạn Km100+300 Quốc lộ 4D thuộc địa phận phường Phan Si Păng bị sạt lở taluy dương; Km 109+300 thuộc địa phận phường Hàm Rồng có hiện tượng sạt lở taluy dương nhiều đoạn với khối lượng đất đá khoảng 500m3. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, hai điểm trên vẫn có nguy cơ sạt lở tiếp, gây mất an toàn cho người và phương tiện qua lại.

Tại tỉnh Yên Bái, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ chiều tối 26/9 đến 28/9, mưa lớn đã làm sạt lở một số tuyến đường ở 2 xã Làng Nhì và Bản Mù, huyện Trạm Tấu.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, mưa lớn đã làm sạt lở 50m đường trục chính từ thôn Làng Nhì đi vào trụ sở UBND xã Làng Nhì; sạt taluy dương trục đường từ thôn Lừu 1 xã Hát Lưu đi xã Bản Mù với khối lượng đất đá khoảng 100m3, gây tắc đường, cản trở giao thông. Tại huyện Trấn Yên, mưa lớn kèm gió lốc đã làm tốc mái một ngôi nhà ở xã Quy Mông, khiến một cháu bé bị thương, đã được điều trị cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Ngay sau khi nhận được tin báo của địa phương bị thiệt hại, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện Trấn Yên, Trạm Tấu, Yên Bình đã chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả; thăm hỏi, động viên gia đình có người bị thương và gia đình có nhà bị tốc mái.

Dọn dẹp sau lũ tại Trường Tiểu học Châu Thắng (Quỳ Châu, Nghệ An). Ảnh: Điền Bắc.

Dọn dẹp sau lũ tại Trường Tiểu học Châu Thắng (Quỳ Châu, Nghệ An). Ảnh: Điền Bắc.

Tan hoang sau lũ

Tại Nghệ An, mưa to liên tục trong 3 ngày qua khiến nước lũ dâng cao, nhiều địa phương bị ngập, trong đó huyện Quỳ Châu là "tâm lụt" của tỉnh. Mực nước ở huyện này có nơi lên đến 4 mét.

Mưa lớn nhấn chìm nhiều xã, thị trấn của huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Sáng 28/9, chúng tôi có mặt tại thị trấn Tân Lạc, nơi trung tâm của huyện và cũng được xem là “tâm lũ”. Trận lũ lớn đã làm cho nhiều làng mạc, trường học, công sở chìm trong biển nước. Người dân nơi đây cho biết, bắt đầu từ chiều ngày 26/9, những cơn mưa tầm tã liên tiếp đổ xuống huyện Quỳ Châu, vào lúc hơn 3h ngày 27/9, địa bàn miền núi xã Châu Hội bất ngờ xảy ra lũ ống, lũ quét. Thời điểm xảy ra vào đêm tối, mất điện cục bộ nên nhiều hộ dân đã không kịp trở tay khiến nhiều tài sản, đồ đạc, vật dụng trong nhà bị lũ cuốn trôi, hỏng hóc. Trong khi đó, tại thị trấn Tân Lạc, lũ bắt đầu lên nhanh. Đến sáng cùng ngày, lũ thượng nguồn đổ về mạnh làm mực nước sông Hiếu dâng cao khiến hàng chục nhà dân ở xã Châu Hội, Châu Hạnh, thị trấn Tân Lạc… bị ngập sâu trong nước.

Anh Nguyễn Văn Hoàng (xã Châu Hội) vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại: “Khoảng hơn 3h sáng 27/9 thì lũ ống xảy ra. Nước, bùn, đất từ đâu đổ ầm ầm về trong lúc mưa đang rất to. Lúc ấy, tôi hô hoán cả nhà chạy lên chỗ cao, và chỉ sau thời gian ngắn, nước đã ngập sâu đến mái nhà. Sau 15 năm, tại Quỳ Châu mới xảy ra đợt lũ lớn như vậy”.

Theo thống kê của huyện Quỳ Châu, toàn huyện có khoảng 1.108 hộ bị ngập, trong đó, tại thị trấn Tân Lạc có 4 khối bị ngập, với khoảng 200 hộ. Xã Châu Hạnh có 5 bản bị ngập, với khoảng 146 hộ; xã Châu Tiến có 4 bản bị ngập, với khoảng 566 hộ; xã Châu Bình có 5 bản bị ngập, với khoảng 50 hộ… Tất cả các cầu tràn trên địa bàn huyện Quỳ Châu đều bị ngập. Đối với sản xuất nông nghiệp, tổng diện tích lúa bị thiệt hại 442ha... Thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ đồng.

Tại tỉnh Thanh Hóa, diễn biến mưa lũ vẫn hết sức phức tạp. Ngày 28/9, mưa lũ tiếp tục gây ngập úng cục bộ một số đoạn đường giao thông; một số tuyến taluy âm bị sạt lở trên QL47. QL217, QL16; diện tích cây lương thực bị ngập trong nước lên tới hàng nghìn héc ta...

Số liệu tổng hợp của huyện Thọ Xuân, tính đến đầu giờ chiều 28/9, diện tích bị ngập úng trên địa bàn là 500ha; trong đó, diện tích lúa bị ngập 62,45ha, ngô 168ha... Toàn huyện có 6 hộ dân thuộc xã Thuận Minh phải di dời do ảnh hưởng bởi mưa lũ.

Cùng ngày 28/9, tin từ UBND huyện Quan Sơn cho biết, đơn vị đang phối hợp với UBND xã Sơn Hà huy động lực lượng tìm kiếm bà Lò Thị T. mất tích hôm 27/9 do bị lũ cuốn trôi. Cụ thể, vào 12h45’ ngày 27/9, vợ chồng ông Lộc Văn V. (44 tuổi) và vợ là bà Lò Thị T. (45 tuổi, trú bản Lầu, xã Sơn Hà) trên đường đi làm ruộng thì nước lũ chảy qua suối Chăng (bản Lầu) dâng cao. Vợ chồng ông V. đã dùng cây luồng làm phao qua suối. Tuy nhiên, do dòng nước chảy xiết đã cuốn trôi cả hai vợ chồng. Ông V. đã bơi được vào bờ, còn bà T. bị nước lũ cuốn đi mất. Đến hết ngày 28/9, bà T. vẫn chưa được tìm thấy.

Tại Bình Phước, trong ngày 28/9, chính quyền huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước phối hợp với các đơn vị liên quan đã tiến hành kiểm tra, khắc phục tạm thời tuyến đường băng qua Suối Lạnh, bị mưa lũ cuốn trôi, đảm bảo lưu thông cho người dân.

Theo đó, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, địa bàn xã Đường 10, huyện Bù Đăng xuất hiện mưa lớn trên diện rộng. Lưu lượng nước trên lưu vực Suối Lạnh về lớn kèm theo cây rác dẫn đến tắc nghẽn cống thoát nước, gây xói, phá vỡ khoảng 50m đường bê tông đoạn băng qua Suối Lạnh. Ngay sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương đã kiểm tra, khắc phục tạm thời bằng việc đắp đường tạm cho người dân đi lại.

Nỗ lực khắc phục hậu quả

Nhằm khắc phục và ứng phó với mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm Công điện số 898 ngày 28/9 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.

Các tỉnh, thành phố huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất ngay sau lũ, sớm ổn định đời sống người dân; kịp thời hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các hộ dân bị thiệt hại, kiên quyết không để người dân nào bị thiếu đói.

Các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, nhất là tại Thanh Hóa, Nghệ An và một số tỉnh miền núi phía Bắc; triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Đồng thời, các địa phương sẵn sàng lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra...

Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã thăm hỏi, động viên những gia đình có người thương vong và mất tích, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.

Theo thống kê ban đầu, mưa lớn đã làm 1 người chết do sét đánh (xã Triệu Lăng, Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), 7 người bị thương (Yên Bái 1, Thừa Thiên - Huế 6), 1 người bị lũ cuốn trôi (tại bản Lầu, xã Sơn Hà, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa); 2 nhà bị sập (Nghệ An); 297 nhà bị hư hại (Thanh Hóa 20, Nghệ An 99, Hà Tĩnh 6, Quảng Trị 88, Thừa Thiên - Huế 84).

Mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất làm 7 điểm đường giao thông bị sạt lở (Yên Bái, Hòa Bình); 7 cầu dân sinh bị hư hỏng (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình); sạt lở đất đá tại 84 điểm đường giao thông (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình); 6 cống bị hư hỏng, cuốn trôi (Thanh Hóa, Nghệ An); một ngầm tràn bị xói lở (Quảng Bình); 5.807ha lúa, hoa màu và các loại cây khác bị thiệt hại; 2.388 con gia súc và gia cầm bị chết; 677,5ha ao hồ bị ngập (Thanh Hóa, Nghệ An); 3 lồng cá bị cuốn trôi (Nghệ An). Cùng với đó, mưa lớn đã làm 10m mái đê tả sông Hoàng (Thanh Hóa) bị sạt lở, 1 tàu cá bị chìm khi đang neo đậu trên sông Gianh (Quảng Bình)...

Nhóm PV

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khan-truong-khac-phuc-hau-qua-mua-lu-5739833.html