Khâm phục người chiến sĩ nhỏ

Tác phẩm 'Út Teng' của tác giả Chu Lai được nhà xuất bản Kim Đồng tái bản lần thứ hai và nằm trong tủ sách kỉ niệm 35 năm giải phóng miền Nam.

Đọc “Út Teng”, độc giả sẽ được tiếp cận với cậu bé Út Teng – một chiến sĩ nhỏ tuổi nhí nhảnh, hài hước nhưng đã mang bản lĩnh kiên cường, dũng cảm khi tham gia cuộc chiến đấu giải phóng quê hương…

Không chùn bước!

Tác phẩm “Út Teng” của tác giả Chu Lai được nhà xuất bản Kim Đồng tái bản lần thứ hai và nằm trong tủ sách kỉ niệm 35 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1975 - 2010).

Cuốn sách gồm 4 chương, kể lại câu chuyện suốt những năm tháng tuổi thơ của cậu bé Út Teng. Sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, Út Teng đã sớm cùng các chiến sĩ đặc công lập nên những chiến công hiển hách, góp phần đánh đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi Việt Nam.

Khởi nguồn của tinh thần chiến đấu quả cảm ấy chính là lòng căm thù giặc Mỹ của cậu bé Út Teng khi phải chứng kiến ba mình – một chiến sĩ Việt cộng đã ngã xuống trước họng súng của kẻ thù ngay trên mảnh đất quê hương. Lòng hận thù của Út Teng được tác giả Chu Lai thể hiện qua những “phi vụ” mạo hiểm mà cậu bé đã thực hiện cùng người bạn thân tên Đảm.

Đó là khi Út Teng không ngần ngại định rút dao đâm lão trưởng ấp làm tay sai cho giặc Mỹ. Khi bị ông Tư Đờn ngăn cản, cậu đã thốt ra câu nói thể hiện quyết tâm chiến đấu, không chùn bước: “Vậy là ông già làm nhỡ việc của chúng tôi rồi. Được! Đêm nay không xong, đêm mai tôi làm nữa”.

Chưa dừng lại ở đó, Út Teng còn táo bạo đặt hầm chông trừng phạt lão trưởng ấp gian ác. Thậm chí, cậu bé chưa tròn tuổi 13 ấy đã dũng cảm đặt quả bom hẹn giờ sẵn trong chiếc giỏ lươn để tiêu diệt những tên đầu sỏ ác ôn khét tiếng, và cũng không ngần ngại chạy trốn giữa một làn đạn đầy nguy hiểm.

Hơn thế nữa, dù còn nhỏ tuổi nhưng cậu bé ấy vẫn có thể cắn răng chịu đựng khi bị đạn bắn vào bụng, giữ im lặng, bảo đảm bí mật tuyệt đối để các đặc công có thể nhổ bật những căn cứ địa của quân địch.

Tất cả hành động khi ấy của Út Teng chỉ nhằm phục vụ một mục đích duy nhất: Đánh đuổi tất cả bọn lính Mỹ khỏi ngôi làng của mình để trả thù cho ba và những người đã ngã xuống vì quê hương, đất nước.

Minh họa Út Teng cùng các đặc công đột nhập vào căn cứ của giặc. Ảnh: Tấn Quyết

Minh họa Út Teng cùng các đặc công đột nhập vào căn cứ của giặc. Ảnh: Tấn Quyết

Niềm vui chiến sĩ

Bên cạnh những trận chiến trực tiếp với quân địch, tác giả cũng dành những trang viết khá dày dặn để miêu tả cuộc sống đời thường luôn rộn tiếng cười của những con người rất đỗi bình dị mà ấm áp như Út Teng, bà con chòm xóm, những du kích và các chiến sĩ đặc công.

Đó có thể là khi anh Đoan nói đùa: “Người ta “giận cá chém thớt”, đằng này cậu lại “giận cá bóp muỗi””, lúc thấy anh Thành tức giận vì phải nằm mãi một chỗ mà không được đánh.

Hay có thể là khi anh Thậm đùa với Út Teng: “Ồ… Thằng Teng đâu? Ma Vương, Hà Bá lên bắt thằng Teng xuống cưới con gái vua Thủy Tề đây… ò!”. Những câu nói đầy “tếu táo” và hài hước của anh Đoan, hay anh Thậm đã phần nào giúp cho bầu không khí giữa mọi người trở nên thân thiện, gần gũi hơn.

Hay với những người chiến sĩ đặc công, khi liên tục phải ẩn nấp, bám vị trí tại nơi hẻo lánh, thì mong muốn được những người dân xung quanh, dù chỉ một người quan tâm tới cũng rất ấm áp rồi.

Chẳng hạn như khi được trực tiếp gặp ông Năm – cha anh Thậm, không khí của cả tổ trinh sát bỗng trở nên vui vẻ hẳn lên vì biết rằng mình không hề cô độc mà mọi người xung quanh vẫn luôn ủng hộ cho kháng chiến và chỉ mong bộ đội chóng về giải phóng thôn ấp quê hương. Đó cũng là động lực giúp các chiến sĩ tiếp tục dấn thân vào cuộc chiến tranh khốc liệt để giành lại sự bình yên cho quê hương mình.

Tác phẩm “Út Teng” kể về thời chiến cách đây gần 50 năm nhưng mỗi chi tiết, nhân vật vẫn luôn gần gũi và thông điệp được truyền tải ở đây vẫn luôn giá trị. Cuốn sách đã góp phần ươm mầm lòng yêu nước trong mỗi người qua những trang văn tái hiện một cách sinh động cậu bé Út Teng cùng bộ đội đặc công và dân làng mưu trí, dũng cảm đánh đuổi giặc xâm lăng ra khỏi quê hương mình.

Mầm xanh này luôn cần vun trồng, nhất là hiện nay có nhiều nguồn thông tin độc hại gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Không chỉ thế, mỗi độc giả cũng có thể học được những cách ứng xử tốt đẹp từ đây, như nên biết quan tâm đến mọi người xung quanh để cộng đồng trở nên gắn kết hơn. Nhiều khi chỉ cần một câu nói đùa cũng đủ giúp mọi người thấy ấm lòng!

Với tác phẩm “Út Teng”, tác giả Chu Lai đã thành công trong việc khắc họa chân dung người chiến sĩ nhỏ tuổi dũng cảm, kiên cường tham gia vào cuộc chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm ở miền Đông Nam Bộ. Và, dù chiến tranh luôn là những mất mát, đau thương nhưng những trang văn này vẫn truyền đến cho độc giả một tinh thần lạc quan hướng về ngày mai tươi sáng...

Nhà văn Chu Lai là một cây bút đa tài ở nhiều thể loại như: Tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản sân khấu… Trước khi “bén duyên” với văn học, ông từng là chiến sĩ đặc công hoạt động ở Sài Gòn. Những tác phẩm nổi tiếng ông có thể kể đến: “Ăn mày dĩ vãng” (1991, Giải thưởng Hội đồng Văn học chiến tranh Cách mạng và lực lượng vũ trang (Hội Nhà văn)), “Phố” (1993, Giải thưởng tiểu thuyết Nhà xuất bản Hà Nội), “Mưa đỏ” (2016, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam)... Ông được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007...

Tấn Quyết

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kham-phuc-nguoi-chien-si-nho-post650068.html