Khám phá truyện Nôm qua di cảo của học giả Pháp

Với tuyển tập truyện Nôm, Maurice Durand đã thêm một lần đóng góp vào việc tìm hiểu văn học truyền thống của Việt Nam.

Thế giới của Truyện Nôm (tên nguyên tác tiếng Pháp L’Univers des Truyện Nôm) của nhà nghiên cứu Maurice Durand “một nhà Việt Nam học lỗi lạc của Pháp” (theo như cách gọi của cố giáo sư Đinh Gia Khánh), vừa được Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng dự án ERC - Vietnamica và Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) tại TP.HCM giới thiệu đến bạn đọc gần xa.

 Sách Thế giới của truyện Nôm. Ảnh: Q.M.

Sách Thế giới của truyện Nôm. Ảnh: Q.M.

Một chặng đường dài để đến tay độc giả

Tác phẩm vốn là một bản di cảo còn dang dở vào thời điểm Maurice Durand qua đời (1966). Vì thế nó không hoàn thiện và chưa thực sự ăn khớp như những trước tác của Maurice Durand, thậm chí là khó tránh khỏi những thiếu sót.

Cố giáo sư Đinh Gia Khánh từng nhận định: "Mặc dù đây chỉ là sự dựng lại từ bản thảo dạng nháp của tác giả, mọi độc giả đều có thể nhận thấy tầm vóc lớn của công trình còn dang dở này và tìm thấy được nhiều kiến thức bổ ích về Việt Nam học tại Pháp. Với tuyển tập "truyện Nôm" và "ngâm khúc" này, Maurice Durand đã thêm một lần đóng góp vào việc tìm hiểu văn học truyền thống của Việt Nam".

Thế giới của Truyện Nôm được biên soạn bởi cố GS Đinh Gia Khánh, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Nguyên, giáo sư Philippe Papin và phó giáo sư Philippe Le Failler.

Về cơ bản nội dung, nội dung vẫn tôn trọng nguyên tác và gắng công hoàn thiện nhất có thể với kho tư liệu mà tác giả để lại.

Để đến tay độc giả một cách trọn vẹn nhất có thể, công trình Thế giới của Truyện Nôm đã đi một chặng đường dài.

Đầu tiên, vợ của tác giả gom góp tư liệu dưới dạng bản thảo chép tay ở dạng bản nháp từ sau khi ông qua đời. Theo lời khuyên và tư vấn của những nhà nghiên cứu uyên thâm thân thiết với tác giả, bà gửi ông L. Vandermeersch (1994, Giám đốc Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp), rồi gửi tiếp đến ông Lê Hữu Mục (Nhà nghiên cứu Việt Nam sống ở Canada) tiến hành biên soạn và bổ sung thêm.

Sau đó, bản thảo được đưa trở lại Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp và ông L. Vandermeersch chuyển tiếp cho ông D. Lombard (Giám đốc kế nhiệm của Viện) - người trực tiếp mời cố giáo sư Đinh Gia Khánh tham gia vào việc biên soạn lại cuốn sách để có thể công bố.

Công việc đưa bản thảo từ dạng nháp đến gần như hoàn thiện là một chặng đường dài và phức tạp, đó cũng là nhờ vào công của cố giáo sư Đinh Gia Khánh.

 Một trang trong sách Thế giới của truyện Nôm. Ảnh: Q.M.

Một trang trong sách Thế giới của truyện Nôm. Ảnh: Q.M.

Góp phần tìm hiểu văn học truyền thống của Việt Nam

Theo cố giáo sư Đinh Gia Khánh, tên của công trình nghiên cứu này là Truyện thơ Nôm Việt Nam xưa nhưng nội dung lại bao quát rộng hơn nhiều so với gợi ý từ tên sách. Tác giả không chỉ bàn đến những vấn đề liên quan đến truyện Nôm (truyện thơ viết bằng chữ Nôm) mà còn đề cập đến những thể loại liên quan như ngâm khúc, ca

“Dĩ nhiên, trong truyện Nôm có thể thấy những đoạn trữ tình miêu tả về đời sống tình cảm và những biến động tâm lý nhân vật. Cũng vậy, trong ngâm khúc, vãn, ca cũng có những đoạn tự sự nói về các mối quan hệ với đời sống nhân vật.

Sự xen kẽ các yếu tố tự sự trữ tình, trong truyện Nôm cũng như ngâm khúc, ca, vãn, không thể thu hẹp sự khác biệt căn bản giữa tính chất tự sự và trữ tình căn cốt của các thể loại này. Dù sao thì sự lựa chọn tiêu đề cần phản ánh được nội dung của công trình nghiên cứu”, cố giáo sư viết.

Vì vậy, ngoài phần dẫn nhập, cố giáo sư đã chia chuyên khảo của Maurice Durand này thành hai phần riêng biệt: Phần chính - dành cho nghiên cứu chuyên sâu về truyện Nôm và phần phụ lục dành cho các nghiên cứu sơ bộ về ngâm khúc, vãn, ca…

Theo sự phân chia đó, phần chính của cuốn sách là nghiên cứu về truyện Nôm, tuyển tập 18 truyện: Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên, Ngư tiều vấn đáp y thuật, Hoa Tiên, Tỳ Bà truyện, Nhị Độ Mai, Truyện Tú Uyên, Lý Công truyện, Ngọc Hoa truyện, Nguyễn Đạt, Nguyễn Sinh tân truyện, Hoàng Trừu truyện, Tuyển phu ngộ phối tân truyện, Lưu Bình Dương Lễ, Truyện Quan Âm Thị Kính, Phương Hoa truyện, Hữu Kế truyện, Phù Dung tân truyện, Tống Trân Cúc Hoa truyện.

Cũng theo cố giáo sư Đinh Gia Khánh, tác phẩm cung cấp cho độc giả cái nhìn chính xác về hai thể loại văn học, truyện Nômngâm khúc, nhưng tiếc rằng một số truyện thơ Nôm quan trọng lại vắng mặt, trong đó có một số truyện Nôm lịch sử, chẳng hạn như Nghĩa sĩ truyện, Lâm tuyền kỳ ngộSong Tinh.

Lý do là Maurice Durand đã ra đi khi việc nghiên cứu chuyên khảo này vẫn còn dang dở, bản thảo ông để lại có một số phần vẫn chưa hoàn thành. Vì vậy, sẽ không ngạc nhiên khi chúng ta thấy có một số chỗ khuyết thiếu hay những ghi chép dạng như: một số vấn đề còn do dự, giải pháp để tiếp tục, đánh dấu khoanh vùng, bỏ lửng.

Tuy nhiên, như nhận định của cố giáo sư Đinh Gia Khánh, với tuyển tập truyện Nômngâm khúc này, Maurice Durand đã thêm một lần đóng góp vào việc tìm hiểu văn học truyền thống của Việt Nam.

Maurice Durand (1914 - 1966), sinh ra ở Hà Nội, cha là GS Gustave Durand - một nhà Hán học người Pháp, mẹ là Nguyễn Thị Bình, người Việt quê gốc ở Kiến An. Ông là một trong những nhà nghiên cứu song ngữ hiếm hoi của Viện Viễn Đông Bác cổ sở hữu hai nguồn văn hóa Việt, Pháp và có mối liên hệ với chữ Hán.

Maurice Durand đảm trách giám đốc trung tâm của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội (từ 1954 đến 1957). Ông đã để lại nhiều công trình nghiên cứu tầm cỡ và có giá trị lâu dài như: Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam, Tranh dân gian Việt Nam sưu tầm và nghiên cứu, Nhập môn văn học Việt Nam, Tri thức văn hóa cổ truyền Việt Nam, Lịch sử thời Tây Sơn, Thế giới của Truyện Nôm….

Trong đó, Giải thưởng Sách Quốc gia Việt Nam từng hai lần vinh danh tác phẩm của ông thực hiện và đóng góp vào năm 2019 với Tranh dân gian Việt Nam sưu tầm và nghiên cứu; vào năm 2021 với Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam Thánh Mẫu linh tiêm do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kham-pha-truyen-nom-qua-di-cao-cua-hoc-gia-phap-post1338038.html