Khám phá thị trấn của các nhà khoa học Liên Xô trong rừng Siberia

Vào những năm 1950, cả một thị trấn được xây dựng trong một khu rừng ở Siberia, để các nhà vật lý, toán học và sinh học giỏi nhất của Liên Xô có thể nghiên cứu khoa học mà không bị phân tâm.

Nằm heo hút giữa cánh rừng toàn thông và bạch dương ở trung tâm Siberia, cách Moscow khoảng 3.000 km, thị trấn Akademgorodok được xây dựng riêng cho các nhà khoa học và nghiên cứu xuất sắc của Liên Xô. Nó còn được gọi là “Thung lũng Silicon” của Liên Xô.

Ngày nay, thị trấn Akademgorodok vẫn tồn tại với rất nhiều các nghiên cứu khoa học.

Hãy tưởng tượng rằng bạn đi dạo trong một khu rừng vào mùa đông ở một nơi nào đó sâu trong Siberia và trên đường đi, bạn sẽ gặp được đủ loại nhà khoa học hoặc ít nhất là sinh viên. Họ vội vã băng qua khu rừng rậm rạp để đến nơi làm việc hoặc học tập tại hàng chục viện nghiên cứu ở thị trấn Akademgorodok.

Cuộc sống khoa học trong rừng

“Cha tôi đến đây vào năm 1961 để làm việc tại Viện Tự động hóa và Đo điện sau khi tốt nghiệp Học viện Bách khoa Tomsk và mẹ tôi đã đến sớm hơn một năm để dạy văn ở trường sau khi tốt nghiệp Đại học Leningrad”, Anastasia Bliznyuk, người được sinh ra ở thị trấn Akademgorodok cho biết.

Anastasia Bliznyuk lớn lên ở Akademgorodok và từng làm nhà tâm lý học ở đó và hiện là người lưu giữ lịch sử kiêm hướng dẫn viên du lịch của thị trấn này.

Anastasia trong căn hộ được làm theo phong cách của những năm 1960, khi các nhà khoa học từ khắp Liên Xô đến đây. Căn phòng này cũng là một bảo tàng thời đó. Ảnh: Anna Sorokina.

Akademgorodok (nghĩa đen là 'Thị trấn Học viện') được xây dựng vào năm 1957 giữa một khu rừng làm trung tâm nghiên cứu cho chi nhánh Siberia của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, tập trung vào vật lý, công nghệ và khoa học tự nhiên. Các nhà toán học lỗi lạc Mikhail Lavrentyev, Sergei Sobolev và Sergei Khristianovich đã đề xuất ý tưởng này với chính phủ và ngay lập tức được ủng hộ. Theo thời gian, nhiều “cộng đồng các nhà khoa học” tương tự - các phân khu của Chi nhánh Siberia của Viện Hàn lâm Khoa học Nga - mọc lên ở Tomsk, Krasnoyarsk và Irkutsk, nhưng Akademgorodok là lớn nhất và uy tín nhất ở Liên Xô.

Chi nhánh Siberia của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, năm 1978. Ảnh: TASS.

Các nhà khoa học mới nổi và những người lao động bình thường bắt đầu đến với thị trấn của các nhà khoa học Liên Xô ở Siberia xa xôi, lạnh giá từ khắp nơi trên đất nước. Có một bầu không khí đặc biệt và không ai muốn rời khỏi nơi này. Anastasia nói: “Chúng tôi có những ví dụ về những người thợ xây dựng và công nhân bình thường, những người khi ở đây đã bắt đầu học tập, đắm mình trong khoa học và sau đó trở thành tiến sĩ khoa học.

Đại lộ tương lai

Đại lộ Lavrentyev, nơi có hơn 20 viện nghiên cứu khoa học và phòng thí nghiệm.

“Con phố thông minh nhất thế giới”, là cách mà người dân địa phương thường gọi Đại lộ Viện sĩ Lavrentyev. Có hơn 20 viện nghiên cứu khoa học và phòng thí nghiệm nằm trên một đoạn đường chỉ hơn hai km. Hơn nữa, đại lộ Lavrentyev được thiết kế là con đường duy nhất từ nơi làm việc về nhà đi qua rừng chứ không phải là những con đường đông đúc. Điều này giúp các nhà khoa học tránh bị phân tâm.

Trung tâm của Akademgorodok là Viện Vật lý Hạt nhân, nơi lắp ráp các máy va chạm hadron đầu tiên để nghiên cứu các hạt cơ bản. Giờ đây, các nhà khoa học ở nơi này đang nghiên cứu một synchrotron (bức xạ điện từ) mới có tên SKIF (viết tắt tiếng Nga của Nguồn Photon Tròn Siberia).

Thị trấn này còn có Viện Khảo cổ học và Dân tộc học nghiên cứu về nguồn gốc con người và quá trình hình thành dân tộc của các tộc người. Trong quá trình khai quật khảo cổ học, các nhân viên của viện đã tìm thấy một công chúa Altai cổ đại ở Cao nguyên Ukok và giải mã DNA của hài cốt được tìm thấy trong Hang động Denisova ở Altai. Hóa ra, những đại diện hoàn toàn xa lạ của loài người sống ở đó.

Các nhà khoa học từ Viện Hóa học Vô cơ đang nghiên cứu các vật liệu mới để có thể “làm ổ đĩa flash từ chai nhựa”, theo cách gọi của họ.

Ngày nay, hơn 20.000 người sống trong thị trấn Akademgorodok, nhưng nếu tính toàn bộ Quận Sovetsky của Novosibirsk, nơi có thành phố khoa học, thì con số này cao gấp 6 lần. Vì chi phí ăn ở đắt đỏ nên các gia đình trẻ thường xuyên di chuyển đến các khu vực lân cận của thành phố.

Một kế hoạch phát triển Akademgorodok đã được soạn thảo ở cấp chính phủ vào năm 2018. Việc xây dựng Akademgorodok 2.0 gần đó, dự định trở thành thủ đô khoa học mới của Nga, được hứa hẹn trong những năm tới.

Thảo Nguyên (Theo RBTH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/the-gioi/kham-pha-thi-tran-cua-cac-nha-khoa-hoc-lien-xo-trong-rung-siberia-1807854.html