Khám phá kho tàng 'khuôn tranh cổ' của nghệ nhân làng Đông Hồ

Để có một bức tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) thì những bản khắc là hồn cốt tạo nên nét độc đáo của dòng tranh này bởi từ bản khắc nét đến bản khắc màu là công đoạn khó nhất đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật cao.

Kho tàng 'khuôn tranh cổ' của nghệ nhân làng Đông Hồ (Bắc Ninh).

Theo nghệ nhân làng Đông Hồ, mỗi bức tranh Đông Hồ thường có từ hai đến năm bản khắc gỗ khác nhau tùy theo màu sắc của từng bức tranh (mỗi ván khắc tương ứng với 1 màu).

Cùng với tranh Hàng Trống (Thăng Long - Hà Nội), tranh Kim Hoàng (xứ Đoài - Hà Tây xưa) và tranh Làng Sình (Thừa Thiên Huế), tranh dân gian Đông Hồ là một trong 4 dòng tranh dân gian nổi tiếng nhất.

Hồn cốt của những bức tranh Đông Hồ là bản khắc gỗ, bởi vậy, người nghệ nhân làng Đông Hồ cần tạo nên nét độc đáo của dòng tranh này bởi từ bản khắc nét đến bản khắc màu là công đoạn khó nhất đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật cao, cẩn thận và yêu nghề.

Nói về quy trình cho ra một sản phẩm tranh Đông Hồ, đầu tiên không kể khâu khắc tranh trên bản gỗ, có sẵn giấy và màu, mỗi nghệ nhân làm tranh phải rất công phu, cẩn thận trong từng công đoạn như: Sơn hồ lên giấy, phơi giấy cho khô hồ, quét điệp rồi lại phơi giấy cho khô lớp điệp, lúc in tranh phải in lần lượt từng lớp màu. Nếu có 5 màu thì 5 lần in, mỗi lần in là một lần phơi.

Không có số liệu chứng minh lịch sử của nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, nhưng theo gia phả của dòng họ Nguyễn Đăng làng Đông Hồ thì từ thế kỷ XVI đã có nghề làm tranh và phát triển rực rỡ vào thập niên 40 của thế kỷ XX. Nhưng rồi sau năm 1945, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đứng trước nguy cơ mai một.

Theo dòng thời gian, đến nay làng Đông Hồ chỉ còn hai dòng họ làm tranh: Họ Nguyễn Hữu (gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam) và họ Nguyễn Đăng (gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế) tâm huyết còn bám trụ với nghề.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm tranh lâu đời ở làng Đông Hồ (theo gia phả dòng họ Nguyễn Đăng, ông là thế hệ thứ 20). Ngay từ nhỏ, ông Nguyễn Đăng Chế đã được người cha tài hoa là cụ Nguyễn Đăng Tụy (1898 - 1959) truyền dạy tỉ mỉ các bước làm tranh.

Năm 1957, học hết trung cấp, ông được bố mẹ cho học ở Trường Quốc gia Mỹ nghệ (nay là Đại học Mỹ thuật Công nghiệp). Khi nhà trường biết gia đình có nghề làm tranh, ông được các thầy truyền tải về giá trị văn hóa của tranh Đông Hồ. Ông đã say sưa với nó từ năm 1960 đến bây giờ.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế giới thiệu cho khách về bộ 'khuôn tranh cổ' mà gia đình ông lưu giữ.

Ông là cựu giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Việt Nam. Năm 1992 được nhà nước cho nghỉ hưu, với tâm huyết và sự hiểu biết sâu sắc về nghề tranh quê hương, ông nhận ra điều làm nên giá trị đặc biệt và sức sống của tranh Đông Hồ là "ván khắc gỗ" - hồn cốt tạo nên nét độc đáo của dòng tranh này.

Nói về việc giữ nghề truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cho biết ông chắt chiu dành dụm lương hưu, tìm cách mua lại những bản khắc của các gia đình rời bỏ nghề, rồi sửa sang, phục chế, hòng ra sức cứu vãn những bản khắc cổ thoát khỏi bàn tay thần lửa trong giai đoạn suy thoái nghề tranh.

Tính đến nay, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã sưu tập được hàng trăm bản khắc cổ, có những bản khắc có niên đại hơn 200 năm; đặc biệt là những bản nét, đây có thể coi như những cỗ máy luân hồi của kiếp tranh và đã trở thành vật gia bảo.

Ông tự hào khi đã sớm biết trân quý và giữ gìn "bảo vật" của nghề, để nay có cơ hội phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho hậu thế.

Sau nhiều năm ấp ủ, sưu tầm tư liệu, hiện vật và tích lũy nguồn lực, mới đây nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cùng gia đình đã mở không gian Nhà trưng bày tranh dân gian Đông Hồ với 7 chủ đề chính: Quê hương và gia đình; NNƯT Nguyễn Đăng Chế với tâm huyết bảo tồn và phát triển dòng tranh dân gian Đông Hồ; màu và quy trình sản xuất màu; quy trình vẽ mẫu; quy trình khắc ván in tranh; quy trình các bước in tranh; còn mãi với thời gian.

Nhà trưng bày sưu tầm & bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ. Một khu trưng bày duy nhất về dòng tranh dân gian tại Việt Nam - Nơi bảo tồn, lưu giữ, phát huy và trao truyền, lan tỏa những giá trị tinh hoa của nghề truyền thống, hy vọng sẽ mang đến cho quý khách những hiểu biết đầy đủ, thú vị về các quy trình vẽ mẫu, tạo màu, in tranh của một dòng tranh dân gian đã tồn tại từ nhiều thế kỷ ở Việt Nam.

Hiện nay, Nhà trưng bày tranh dân gian Đông Hồ của NNƯT Nguyễn Đăng Chế là bảo tàng tư nhân duy nhất về dòng tranh dân gian tại Việt Nam.

Sự tận tâm, gìn giữ và phát triển nghề làm tranh dân gian Đông Hồ của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng việc trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (năm 2020) vì những cống hiến trong 60 năm bảo tồn và phát triển tranh dân gian Đông Hồ.

Tuấn Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/kham-pha-kho-tang-khuon-tranh-co-cua-nghe-nhan-lang-dong-ho-169240420161115889.htm