Khai thông dự án Vành đai 3 TP HCM

Nguồn vật liệu đất, cát cho tuyến đường Vành đai 3 TP HCM rất khó khăn, vì vậy cần có sự điều phối giữa các địa phương để sử dụng hợp lý. Song song đó, các tỉnh, thành cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng

Sáng 27-9, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn đã làm việc với lãnh đạo TP HCM và các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai về kiểm điểm tiến độ dự án đường Vành đai 3 TP HCM.

Thiếu nguồn cát san lấp

Theo báo cáo chung, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của TP HCM đạt 94%, Bình Dương 75%, Long An 98%; riêng Đồng Nai còn chậm, mới đạt 66%. Các địa phương đã từng bước khởi công những gói thầu xây dựng đầu tiên sau khi hoàn tất các thủ tục. Tuy vậy, số gói thầu chưa triển khai thi công vẫn còn nhiều.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý các dự án giao thông TP HCM, cho rằng về tiến độ GPMB thì TP HCM bảo đảm, đã có 4 gói thầu xây lắp chính được phê duyệt, các gói thầu còn lại đang tiếp tục thẩm định, đấu thầu, sẵn sàng khởi công trong năm 2023. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nguồn cát san lấp cho dự án rất lớn với khối lượng hơn 4,8 triệu m3 cát đắp nền và cần có sự điều phối hợp lý để bảo đảm tiến độ dự án.

"TP HCM kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, làm việc với UBND các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh và Đồng Tháp để điều phối, thực hiện cam kết khối lượng cụ thể tại các mỏ khoáng sản trên địa bàn các tỉnh phục vụ dự án đường Vành đai 3 TP HCM" - ông Phúc nói.

Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết tuy địa phương bảo đảm tiến độ dự án về giải ngân, GPMB và triển khai các gói thầu nhưng khó khăn hiện nay là nguồn cát san lấp cho dự án. Nếu nguồn cát gặp khó khăn thì tiến độ dự án bị chậm lại. Do đó, tỉnh đề xuất Bộ GTVT có phương án phụ nếu tình huống xấu xảy ra, ví dụ có thể dùng mỏ sét, mỏ cấp đất nào đó và giao cho các địa phương rà soát.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho rằng về nguồn vật liệu, dự án cần tới 7,23 triệu m3 cát nên việc điều phối giữa các địa phương là hết sức cần thiết. Song song đó là sự điều tiết các mỏ vật liệu từ các tỉnh ĐBSCL.

Đoạn đường Vành đai 3 TP HCM đi qua TP Thủ Đức được nhà thầu thi công đường dẫn, lán trại

Trước tình hình khó khăn về nguồn vật liệu, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đề nghị các địa phương như Long An, Đồng Nai, Bình Dương… phối hợp hỗ trợ về vật liệu cát, kiểm soát chặt chẽ nguồn cát, chất lượng, giá cả. Đồng thời, cần phát huy vai trò điều phối của TP HCM đối với các địa phương trong việc sử dụng nguồn vật liệu."Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo các tỉnh ĐBSCL rà soát, tìm mỏ vật liệu phù hợp về giá cả, chất lượng và sẽ nghiên cứu có phương án phụ về nguồn vật liệu thay thế cát san lấp, chứ không nhất thiết phải dùng cát để san lấp cho toàn tuyến mà tùy địa chất, địa hình từng đoạn, miễn giá cả không tăng, chất lượng công trình bảo đảm" - ông Lê Anh Tuấn cho biết.

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành giải phóng mặt bằng

Đánh giá về việc triển khai thi công dự án đường Vành đai 3, ông Bùi Xuân Cường nhận định các địa phương đều nỗ lực, phối hợp triển khai dự án khá hiệu quả. Với TP HCM, diện tích cần GPMB còn lại khoảng 6%, thành phố sẽ nỗ lực thực hiện để bảo đảm bàn giao trong năm 2023.

Ông Nguyễn Văn Út cho biết sau khi khởi công dự án, các nhà thầu đã triển khai lán trại, nhà điều hành, huy động thiết bị, nhân lực… Đến nay, công tác chuẩn bị cơ bản đã xong, nhà thầu đang bước vào giai đoạn triển khai trên thực địa. Tỉnh Long An sẽ giám sát và yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dự án. Đối với công tác GPMB, tỉnh đã đạt 98%, đang tiếp tục vận động người dân để hoàn tất trong thời gian tới.

Ông Trần Hùng Việt, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Dương, cho hay từ nay đến cuối năm, địa phương và chủ đầu tư khẩn trương vận động người dân để hoàn thành GPMB. Ngoài ra, tỉnh kiến nghị các bên liên quan phê duyệt dự án xây dựng nút giao Tân Vạn để đồng bộ với đường Vành đai 3 TP HCM khi đưa vào khai thác.

Là địa phương có tiến độ GPMB còn khá chậm, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cam kết sẽ nỗ lực để giải phóng xong mặt bằng theo kế hoạch từ nay đến cuối năm.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đề nghị các địa phương cần tiếp tục nỗ lực hơn trong công tác GPMB, đặc biệt tại tỉnh Đồng Nai cũng như tranh thủ Nam Bộ chuẩn bị bước vào mùa khô để đẩy nhanh thi công các gói thầu xây lắp.

"Số lượng vướng mắc hiện nay không còn nhiều nhưng chủ yếu là những trường hợp khó, mất thời gian xử lý. Do đó, các địa phương cần chỉ đạo quyết liệt hơn để hoàn thành GPMB trong năm 2023 như chỉ đạo của Chính phủ" - Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu.

Triển khai quy hoạch chi tiết Vành đai 4 TP HCM trong tháng 10

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các địa phương cho ý kiến về việc triển khai xây dựng tuyến đường Vành đai 4 TP HCM. Hiện nay, các địa phương còn lúng túng về cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương dự án bởi nguồn vốn ngân sách mỗi địa phương chi cho dự án khác nhau. Ngoài ra, các địa phương cũng gặp khó khăn về kinh phí đầu tư bởi nguồn vốn quá lớn.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết sẽ giao đơn vị tư vấn triển khai điều chỉnh quy hoạch chi tiết trong tháng 10. Sau đó sẽ xây dựng đề án đầu tư, đề xuất hình thức đầu tư công, PPP hoặc BOT cũng như dự kiến thời gian thực hiện, đơn vị nào sẽ là đầu mối... Phấn đấu đến ngày 31-12-2023 hoàn tất.

Vành đai 4 có chiều dài 199 km, 8 làn xe, có đường song hành. Dự án đi qua các tỉnh, thành gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu (18 km), Đồng Nai (45 km), Bình Dương (49 km), TP HCM (17,6 km) và Long An (71 km). Thời gian triển khai trước năm 2030.

Bài và ảnh: THU HỒNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/khai-thong-du-an-vanh-dai-3-tp-hcm-20230927213047722.htm