Khai thác hiệu quả hợp tác du lịch giữa các địa phương dọc hành lang kinh tế Việt - Trung

Trong bức tranh tổng thể hợp tác triển vọng chung giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, có thể khẳng định, tiềm năng hợp tác giao lưu trong lĩnh vực du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung và các địa phương Việt Nam dọc hành lang kinh tế Việt - Trung với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) nói riêng còn rất lớn.

Chiều 13/11, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang đã phát biểu tại Phiên hội nghị chuyên đề về “Văn hóa, y tế, giáo dục, du lịch” trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ X năm 2023.

Bà Đặng Hương Giang cho biết, ngành Du lịch Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng luôn coi trọng Trung Quốc là thị trường trọng điểm số 1 trong số các thị trường du lịch quốc tế hàng đầu gửi khách du lịch. Trong những năm qua, hợp tác du lịch giữa hai nước ngày càng được tăng cường bền chặt ở cả phương diện cấp Trung ương và địa phương. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc ký Kế hoạch hợp tác văn hóa và du lịch giai đoạn 2023-2027.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang phát biểu tại Phiên thảo luận.

Ở cấp địa phương, hợp tác du lịch giữa các tỉnh biên giới được đẩy mạnh triển khai thông qua Ủy ban công tác liên hợp giữa các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang với Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây. Bên cạnh đó, cơ chế hai hành lang, một vành đai kinh tế giữa 5 tỉnh của Việt Nam (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai) và Trung Quốc (Vân Nam) được triển khai từ tháng 5/2004 cũng hỗ trợ cho hợp tác du lịch giữa tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với tỉnh biên giới Lào Cai và Quảng Ninh (Việt Nam).

Mới đây, tháng 3/2023 tại Hà Nội, Chính quyền châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội và Sở Du lịch các tỉnh, thành phố Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng tổ chức Hội nghị xúc tiến khởi động tuyến du lịch vàng “2 quốc gia - 6 điểm đến” của Trung Quốc và Việt Nam. Đó là những cơ sở pháp lý quan trọng tạo điều kiện để các tỉnh dọc hành lang kinh tế Việt - Trung tăng cường thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch.

Theo thống kê, khách du lịch qua lại giữa hai nước xu hướng ngày càng tăng. Trung Quốc luôn là thị trường gửi khách hàng đầu của du lịch Việt Nam, chiếm tỉ lệ cao (trung bình khoảng 30%) trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Năm 2019, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt gần 6 triệu lượt, tăng 16,9% so với năm 2018. Riêng đối với Thủ đô Hà Nội, năm 2019, lượng khách du lịch Trung Quốc đến Hà Nội đạt gần 0,8 triệu lượt, chiếm 16% tổng khách quốc tế (có lưu trú) đến du lịch Hà Nội. Trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch Trung Quốc đến tham quan Hà Nội đạt gần 210 nghìn lượt, chiếm gần 10% tổng lượng khách quốc tế (có lưu trú) đến Thủ đô Hà Nội.

Các đại biểu tham dự Phiên thảo luận.

Việt Nam là 1 trong 5 thị trường nước ngoài gửi nhiều khách tới Trung Quốc. Theo số liệu của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, năm 2019, có gần 8 triệu lượt khách Việt Nam đến Trung Quốc bao gồm cả khách du lịch trong ngày xuất biên nhập biên, tăng 4,8% so với năm 2019. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 và các biện pháp hạn chế đi lại được áp dụng với thị trường Trung Quốc từ ngày 31/01/2020, trao đổi khách du lịch giữa hai nước bị ngưng trệ. Trung Quốc áp dụng mở cửa trở lại cho phép đón khách du lịch quốc tế từ ngày 8/1/2023 và với nỗ lực hợp tác từ hai bên, Trung Quốc đã bổ sung Việt Nam vào danh sách thí điểm trên từ ngày 15/3/2023. Theo đó, 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón gần 1,3 triệu lượt khách Trung Quốc đến tham quan du lịch.

Nhằm khai thác hiệu quả hợp tác song phương tương xứng với tiềm năng sẵn có hai bên, việc tăng cường thúc đẩy, làm sâu sắc, hiệu quả thiết thực hơn nữa mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa các tỉnh, thành phố dọc hành lang kinh tế giữa hai bên là vô cùng cần thiết.

Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang đề nghị, hai bên tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành thuộc các tỉnh, thành phố trong hành lang kinh tế về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính về xuất nhập cảnh nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho khách du lịch đi lại giữa hai nước; tăng cường phối hợp quảng bá, xúc tiến du lịch chung thông qua mời các đoàn doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, báo chí hai bên tham quan khảo sát các điểm đến du lịch; tham dự hội chợ, hội thảo du lịch chuyên đề do các tỉnh, thành phố hai bên tổ chức.

Đặc biệt, hai bên tăng cường trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch; hỗ trợ nhau trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch về quản lý, điều hành du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch, hướng dẫn viên du lịch tiếng Trung Quốc và tiếng Việt Nam; trong đó trọng tâm là nghiên cứu hoàn thiện và triển khai chương trình (tour) du lịch kiểu mẫu “Hai quốc gia, sáu điểm đến”; phát triển tuyến du lịch bền vững nhằm thu hút khách du lịch hai nước và khách nước thứ 3 “Côn Minh - Châu Hồng Hà (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam). Khuyến khích hình thành các liên minh kích cầu giữa doanh nghiệp du lịch hai bên để xây dựng các tour du lịch theo tuyến Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Lào Cai - Vân Nam có chất lượng cao và giá cạnh tranh trên nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cũng khẳng định: “Thành phố Hà Nội cam kết chủ động, tích cực tham gia vào các chương trình quảng bá du lịch đối ứng với hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), và các hoạt động xúc tiến du lịch quốc tế khác, trong đó chúng tôi sẽ nghiên cứu để báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức các chương trình quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc”.

Cũng tại Phiên thảo luận, về lĩnh vực văn hóa, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đã đề xuất hai bên tăng cường hoạt động trao đổi đoàn nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý văn hóa; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; bảo tàng, thư viện, điện ảnh; tìm hiểu các cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, thảo luận về những vấn đề đặt ra trong hợp tác văn hóa và phát huy nguồn lực văn hóa xây dựng thành phố sáng tạo giữa hai Thành phố.

Liên quan đến lĩnh vực y tế, bà Đặng Hương Giang cũng đề nghị hai bên tăng cường hỗ trợ, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý nhà nước, cung ứng dịch vụ y tế công, xây dựng chính sách, chiến lược, các giải pháp điều hành, điều tiết hoạt động của các bệnh viện, các cơ sở y tế nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Đặc biệt, hai bên phối hợp xây dựng cơ chế liên kết, hợp tác giữa các bệnh viện lớn, uy tín ở thành phố Hà Nội và với các bệnh viện địa phương trong hành lang kinh tế Việt - Trung, xây dựng các đề án bệnh viện vệ tinh theo chuyên ngành.

Song song với đó, hai bên đẩy mạnh liên kết vùng, tập trung vào các nội dung: Trao đổi thông tin, phối hợp giám sát và phát hiện các bệnh truyền nhiễm và phòng chống dịch; triển khai mạng lưới bệnh viện vệ tinh chuyên ngành tim mạch, sản phụ khoa và ung bướu; thúc đẩy và hỗ trợ các chương trình trao đổi nhân lực với các Bệnh viện y học cổ truyền tại các tỉnh thành lân cận, tại Vân Nam - Trung Quốc và có thể mở rộng tại các bệnh viện y học cổ truyền của Trung Quốc, thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn, chuyển giao các kỹ thuật, các mô hình điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khai-thac-hieu-qua-hop-tac-du-lich-giua-cac-dia-phuong-doc-hanh-lang-kinh-te-viet-trung-162652.html