Khai thác đất hiếm, Việt Nam sẽ phải đánh đổi những gì?

Dù có nguồn trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 thế giới song Việt Nam chưa có công nghệ khai thác và chế biến. Việc khai thác đất hiếm cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường không khí, đất, nước….

Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về tài nguyên đất hiếm

Ngày 18/10, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học Đất hiếm Việt Nam – Thực trạng công nghệ khai thác, chế biến và triển vọng

Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam vào khoảng 22 triệu tấn. Các mỏ đất hiếm ở Việt Nam có quy mô từ trung bình đến lớn, chủ yếu là đất hiếm nhóm nhẹ (nhóm lantan – ceri), có nguồn gốc nhiệt dịch và tập trung ở vùng Tây Bắc. Các mỏ đất hiếm gốc và vỏ phong hóa phân bố ở Tây Bắc gồm Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai), Yên Phú (Yên Bái). Ngoài các mỏ đất hiếm trên, ở vùng Tây Bắc còn có nhiều điểm quặng có biểu hiện sa khoáng nhưng chưa được điều tra, đánh giá như điểm mỏ Sin Chải, Thèn Sin (Lai Châu), Làng Phát, Làng Nhẻo (Yên Bái)…

Hội thảo khoa học Đất hiếm Việt Nam – Thực trạng công nghệ khai thác, chế biến và triển vọng.

GS.VS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, đất hiếm là nguyên liệu không thể thiếu trong nhiều ngành công nghệ cao như thông tin y tế, năng lượng, giao thông – vận tải, quân sự… Mặc dù giá trị giao dịch của đất hiếm trên thế giới hiện nay chỉ dưới 10 tỷ USD/năm, nhưng đây lại là nguyên liệu chiến lược, không thể thay thế đối với nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia phát triển. Với trữ lượng đất hiếm được đánh giá là đứng thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc, Việt Nam đang được coi như một nhà cung cấp nguyên liệu đất hiếm tiềm năng trong tương lai.

Dù được thăm dò, đánh giá trữ lượng từ hơn 40 năm nay song đến nay Việt Nam vẫn chưa khai thác và chế biến được mỏ đất hiếm nào. Cùng với nguyên nhân về thị trường tiêu thụ, một trong những nguyên nhân chính là chúng ta chưa có công nghệ khai thác, chế biến đất hiếm. Mà đây lại là lĩnh vực các nước giữ độc quyền, không chuyển giao công nghệ.

"Chúng ta có nên khai thác đất hiếm lúc này không khi mà giá trị giao dịch đất hiếm trên thế giới không phải là lớn, trong khi khai thác, chế biến đất hiếm được cho là có tác động xấu đến môi trường, môi sinh. Trong trường hợp khai thác, chúng ta nên làm đến đâu, triển vọng tự phát triển được công nghệ chế biến đất hiếm ở Việt Nam như thế nào?", GS.VS Châu Văn Minh đặt câu hỏi tại hội thảo.

Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, giai đoạn 2021-2030, Việt Nam dự kiến triển khai thăm dò 8 đề án, với mục tiêu trữ lượng là 983.176 tấn; Giai đoạn 2031-2050 sẽ thăm dò 1 dự án với mục tiêu trữ lượng là 1,5 triệu tấn. Về khai thác, giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 2 triệu tấn quặng; Giai đoạn 2031-2050 đạt khoảng 2,1 triệu tấn quặng NK/năm. Giai đoạn 1 sẽ chế biến 22.500-62-500 tấn tổng oxit đất hiếm/năm để có thể chiết tách ra các loại đất hiếm riêng rẽ. Giai đoạn 2 chế biến khoảng 42.500-82.500 tấn tổng oxit đất hiếm/năm để có thể chiết tách ra các loại đất hiếm riêng rẽ.

Nan giải bài toán môi trường

Hiện nay, Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ chế biến đất hiếm, chưa chế biến được các sản phẩm thủy luyện và chiết tách các oxit đất hiếm riêng rẽ phục vụ nhu cầu trong nước và nước ngoài. Việt Nam mới chỉ dừng lại ở công đoạn chế biến tinh quặng đất hiếm có hàm lượng khoảng 30%, chưa chế biến được các sản phẩm thủy luyện và chiết tách các oxit đất hiếm riêng rẽ phục vụ nhu cầu trong nước và nước ngoài.

GS Nguyễn Quang Liêm, Viện Khoa học Vật liệu cho biết đất hiếm là nguyên liệu quan trọng dùng để sản xuất các linh kiện trong điện thoại di dộng, pin năng lượng, mô tơ điện hiệu suất cao, tivi màn hình phẳng, thiết bị quốc phòng và các công nghệ năng lượng sạch khác. Đất hiếm ngày càng đóng vai trò lớn với các ngành công nghiệp và tương lai của thế giới.

GS Liêm đưa ra con số, 1 tua bin điện gió 2.5MW cần nửa tấn nam châm đất hiếm. 1 máy bay US F-53 cần 427kg đất hiếm; 1 xe ô tô nhỏ hybrid cần 10-15kg La. Lợi ích của đất hiếm sau này sẽ rất lớn, hiện tại có giá khoảng 100 USD/kg.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu chỉ đạo tại hội thảo sáng ngày 18/10.

Dù có vai trò không thể thiếu trong nhiều ngành công nghiệp song chuyên gia cho biết, khai thác và chế biến đất hiếm không mang lại hiệu quả kinh tế cao, hủy hoại môi trường, ô nhiễm do hóa chất sử dụng. Giá trị kinh tế thu được phần lớn ở các ứng dụng của đất hiếm với nhu cầu chính là nam châm vĩnh cửu cường độ cao ứng dụng trong các nhà máy điện gió, động cơ ô tô điện…

Khai thác đất hiếm lợi nhuận thấp, phá hoại môi trường, ô nhiễm bụi bặm. Từ quặng thô, làm giàu lên phải sử dụng rất nhiều hóa chất, lợi nhuận kinh tế rất thấp trong khi chất thải của chế biến là phóng xạ độc hại. Đến khâu tách ra từng nguyên tố nhưng cũng đem lại lợi nhuận rất thấp, vẫn phải sử dụng những hóa chất độc hại.

Theo TS Dương Văn Nam, Viện Khoa học Vật liệu, vấn đề môi trường trong khai thác đất hiếm là vấn đề nhức nhối chưa thể giải quyết. Khảo sát ở Trung Quốc cho thấy, để sản xuất ra 1 tấn đất hiếm thì tốn khoảng 50 tấn quặng, 1,9 tấn nước, 12,32 tấn NaCl, 1,64 tấn NaOH, 1,17 tấn HCl, 4,41 tấn H2SO4. Để chiết xuất 1 tấn sản phẩm đất hiếm cần đến lượng nước và hóa chất cực lớn. Không chỉ thế, để tạo ra 1 tấn quặng đất hiếm sẽ phá hủy 200m2 thảm thực vật, tạo ra 2000m3 chất thải.

Do mỗi mỏ đất hiếm có thành phần khoáng vật riêng, công nghệ chế biến (tuyển nổi, thuốc tuyển…) cũng khác nên thành phần của bã thải này ở từng mỏ cũng có những đặc trưng riêng. Hầu hết các bã thải quặng đuôi này đều có hàm lượng kim loại, hóa chất tồn dư và có yếu tố phóng xạ.

Để nghiên cứu khai thác đất hiếm, theo GS Nguyễn Quang Liêm, cần triển khai xây dựng các dự án và phòng thí nghiệm nâng cao năng lực nghiên cứu công nghệ khai thác, chế biến, đánh giá tác động môi trường, xử lý hoàn nguyên môi trường sau khai thác và chế biến sâu đất hiếm ở Việt Nam, ứng dụng trong những sản phẩm công nghiệp có giá trị cao. Thời gian để triển khai một dự án đất hiếm ở Việt Nam cần đến không dưới 10 năm.

Để giảm thiểu những tác hại này, cần thực hiện tốt đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Xem xét công tác giám sát môi trường sau thẩm định ĐTM là yếu tố quan trọng nhất trong quản lý môi trường của dự án vì bản chất của ĐTM là dự báo, do vậy khó có thể một báo cáo ĐTM chi tiết đến mức có thể dự báo định lượng và nêu rõ các giải pháp giảm thiểu tất cả các tác động sự cố, rủi ro đối với môi trường và xã hội có thể xảy ra trong suốt vòng đời của dự án. Ngoài ra cần xây dựng, ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường cho ngành mỏ nói chung, ngành khai thác, chế biến đất hiếm nói riêng. Nghiên cứu đổi mới công nghệ khai thác, chế biến và các công nghệ kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết những ý kiến của các nhà khoa học sẽ được nghiên cứu tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, qua đó để đề xuất một giải pháp khoa học công nghệ phục vụ khai thác, chế biến đất hiếm Việt Nam một cách hợp lý, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khai-thac-dat-hiem-viet-nam-se-phai-danh-doi-nhung-gi-169231018134540545.htm