Khai mạc trưng bày 'Bảo vật quốc gia – Sưu tập An Biên'

Sáng 11/5, tại Bảo tàng Hải Phòng, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức Khai mạc trưng bày 'Bảo vật quốc gia – Sưu tập An Biên'.

Khai mạc trưng bày “Bảo vật quốc gia – Sưu tập An Biên” sáng 11/5.

Khai mạc trưng bày “Bảo vật quốc gia – Sưu tập An Biên” sáng 11/5.

Theo đó, trưng bày “Bảo vật quốc gia – Sưu tập An Biên” là sự kiện quan trọng, ý nghĩa nhân dịp kỉ niệm 69 năm Ngày thành giải phóng Hải Phòng, Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2024.

Tại Bảo tàng Hải Phòng, từ ngày 11/5 sẽ mở cửa miễn phí đón nhân dân, du khách tới chiêm ngưỡng, chiêm bái 18 bảo vật quốc gia cùng hàng trăm cổ vật quý hiếm qua các thời kì, triều đại trong suốt 2 thiên niên kỉ qua. Các hiện vật được lựa chọn trưng bày có niên đại từ văn hóa Đông Sơn đến quốc gia Đại Việt thế kỷ XIX.

Đông đảo cán bộ, nhân dân, du khách thăm quan tại Bảo tàng Hải Phòng.

Đông đảo cán bộ, nhân dân, du khách thăm quan tại Bảo tàng Hải Phòng.

Đặc biệt, Bảo tàng Hải Phòng còn trưng bày bộ sưu tập hiện vật bằng vàng có tổng trọng lượng gần 4 lạng gồm đôi vòng, một thẻ, một lá, bộ lá trầu – ba quả cau, chuỗi vòng 999 hạt, quạt, thẻ kim khánh, hai thẻ kim bài, hai hộp đựng sáp môi và ba đôi hoa tai.

Đây là bộ hiện vật vô cùng có giá trị và ý nghĩa to lớn đối với người dân Hải Phòng, là bộ hiện vật gắn liền với tín ngưỡng thờ nữ tướng Lê Chân, người đặt nền móng hình thành nên thành phố Hải Phòng ngày nay, được nhân dân suy tôn là Thánh Mẫu, Thành hoàng của Thành phố.

Bộ sưu tập An Biên của doanh nhân Trần Đình Thăng (Hải Phòng) làm chủ sở hữu, sưu tập trong suốt 40 năm qua.

Sau 40 năm sưu tập, 500 hiện vật có hồ sơ khoa học đăng ký với cơ quan nhà nước được đặt tên là bộ sưu tập An Biên, chia thành bốn nhóm không gian văn hóa.

Đó là cổ vật thuộc nhà nước Đại Việt, thế kỷ XI - XIX; cổ vật Trung Hoa, thế kỷ IX - XIX; cổ vật thời Bắc thuộc, thế kỷ V trước công nguyên đến thế kỷ IX và bộ tượng Phật gỗ, đá thế kỷ XVII - XIX.

Hiện vật cổ quý giá gắn với lịch sử, văn hóa của vùng đất Hải Phòng xưa được bảo quản, trưng bày, giới thiệu tới du khách, nhân dân trong nước và quốc tế.

Hiện vật cổ quý giá gắn với lịch sử, văn hóa của vùng đất Hải Phòng xưa được bảo quản, trưng bày, giới thiệu tới du khách, nhân dân trong nước và quốc tế.

Trong đó, bộ sưu tập An Biên có 18 món đồ được công nhận là bảo vật quốc gia vào các năm 2021, 2022 và 2023.

Năm 2021, 9 hiện vật gốm men trắng, có từ triều Lý gồm 4 ấm, 2 liễn và 3 đĩa nằm trong bộ sưu tập An Biên được công nhận bảo vật quốc gia.

Tiếp đó, năm 2022, có thêm 6 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia gồm 2 chiếc đĩa gốm men ngọc (niên đại: Thời Lý, thế kỷ XI - XII); đĩa gốm men lam tím (niên đại: Thời Lê sơ, thế kỷ XV); lư hương gốm hoa lam (niên đại: Thời Lê sơ, thế kỷ XV); 2 đài đồng đốt trầm, nắp tượng nghê (niên đại: thế kỷ XVI - XVII).

Năm 2023, 3 bảo vật tiếp theo được công nhận là bảo vật quốc gia gồm: Bình đồng Đông Sơn (An Biên), niên đại Văn hóa Đông Sơn, Thế kỷ II - I trước sau Công nguyên; Bình gốm hoa nâu, niên đại Thế kỷ XI - XII; Lư hương gốm men lam xám, niên đại Khoảng niên hiệu Hưng Trị (1588 - 1591), đời vua Mạc Mậu Hợp.

Lãnh đạo thành phố và đại diện lãnh đạo Sở, ngành cắt băng Khai mạc sự kiện trưng bày “Bảo vật quốc gia – Sưu tập An Biên”.

Lãnh đạo thành phố và đại diện lãnh đạo Sở, ngành cắt băng Khai mạc sự kiện trưng bày “Bảo vật quốc gia – Sưu tập An Biên”.

Phát biểu khai mạc, bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng nhấn mạnh:

"Sự kiện trưng bày “Bảo vật quốc gia – Sưu tập An Biên” góp phần khơi dậy và phát huy những tiềm năng, những di sản quý giá đang ẩn chứa trên vùng đất nơi cửa biển để giới thiệu với bạn bè cả nước và quốc tế. Đồng thời, khẳng định vai trò, vị thế của thành phố trong thực hiện định hướng “Phát triển Hải phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước với trọng tâm là phát triển hạ tầng du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố gắn liền với biển, đảo và các di tích lịch sử, văn hóa.

Tại Bảo tàng Hải Phòng trưng bày bộ sưu tập hiện vật bằng vàng quý giá.

Tại Bảo tàng Hải Phòng trưng bày bộ sưu tập hiện vật bằng vàng quý giá.

Những di sản trên đây, là những dấu ấn văn hóa nghệ thuật minh chứng tư duy, thẩm mỹ, óc sáng tạo và đôi tay khéo léo của tổ tiên qua từng vương triều, giai thời trong quá khứ.

Chính những di sản làm nên truyền thống yêu quê hương đất nước, trọng đạo nghĩa, giữ gia phong, tạo nên giá trị quý báu trong tâm thức, làm nội lực, sức mạnh tinh thần cho các thế hệ nối tiếp nhau hướng về nguồn cội", bà Mai chia sẻ.

Hải Phòng là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và đậm đặc các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, với 553 di tích được xếp hạng, trong đó 118 di tích cấp quốc gia, 433 di tích cấp thành phố, 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 12 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 21 bảo vật quốc gia.

Nguyễn Dịu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khai-mac-trung-bay-bao-vat-quoc-gia-suu-tap-an-bien-post682854.html