Khai mạc hội thảo khoa học đầu tiên về Thiền phái Liễu Quán

Đây là hội thảo đầu tiên mang tính lịch sử về Thiền phái Liễu Quán, thu hút hơn 500 đại biểu, học giả, nhân sĩ trí thức về dự và góp bài tham luận.

Ngày 31-12, tại TP Huế, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Huế khai mạc hội thảo khoa học "Thiền phái Liễu Quán: Lịch sử hình thành và phát triển".

Khai mạc Hội thảo khoa học "Thiền phái Liễu Quán: Lịch sử hình thành và phát triển"

Đây là hội thảo khoa học đầu tiên mang tính lịch sử về Thiền phái Liễu Quán Nam, thu hút hơn 500 đại biểu, học giả, nhân sĩ trí thức về dự và góp bài tham luận.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Hòa thượng Thích Hải Ấn, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo đã khái lược về sự hình thành, truyền thừa của Thiền phái Liễu Quán trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam từ xưa cho đến nay, trong suốt gần 3 thế kỷ.

Sự truyền thừa của dòng Thiền Liễu Quán đã được liên tục tiếp nối và phát triển theo cùng bước chân Nam tiến, mở mang bờ cõi của đất nước. Cũng từ dòng Thiền này, các bậc Tổ sư, Cao tăng đã dấn thân trong sự nghiệp phụng sự đạo pháp và dân tộc, đặc biệt là công cuộc Chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX.

Cũng theo Hòa thượng Thích Hải Ấn, hội thảo khoa học tổ chức với mục tiêu nhằm minh định chính thức về vị thế cũng như nội hàm giá trị đóng góp to lớn của Thiền phái trong dòng chảy văn hóa dân tộc Việt Nam.

Diễn ra từ ngày 31-12-2023 đến ngày 1-1-2024, hội thảo gồm 3 diễn đàn chính về các nội dung: Tổ sư Liễu Quán: Cuộc đời, Đạo nghiệp và nền tảng tư tưởng; Phổ hệ truyền thừa và quá trình phát triển của Thiền phái Liễu Quán; Kế thừa, phát huy di sản thiền phái Liễu Quán.

Triển lãm Bảo đạc trường minh trưng bày, giới thiệu hơn 200 đầu mục tư liệu gồm kinh điển, trước tác, Chánh pháp nhãn tạng, Hộ giới điệp, Châu bản triều Nguyễn và các văn bản Hán Nôm với niên đại trải dài từ cuối thế kỷ 17 đến nửa cuối thế kỷ 20

Trong khuôn khổ các hoạt động thuộc sự kiện tưởng niệm 281 năm ngày Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán viên tịch, tại không gian cơ sở I - Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế (chùa Hồng Đức, 109 Minh Mạng, TP Huế) diễn ra triển lãm Bảo đạc trường minh trưng bày, giới thiệu hơn 200 đầu mục tư liệu gồm kinh điển, trước tác, Chánh pháp nhãn tạng, Hộ giới điệp, Châu bản triều Nguyễn và các văn bản Hán Nôm với niên đại trải dài từ cuối thế kỷ 17 đến nửa cuối thế kỷ 20.

Đây là triển lãm đầu tiên trưng bày bức hoành (phỏng chế) chùa Viên Thông do chúa Nguyễn Phúc Chu ban và các kinh sách do Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán truyền dạy, hộ trì in ấn lưu hành, bia tháp ngài Tử Dung và nhiều hiện vật quý khác… Bên cạnh đó, triển lãm còn trưng bày hơn 100 tác phẩm ảnh về các ngôi cổ tự, bảo tháp, pháp tượng, pháp khí… liên quan quá trình học đạo, hành đạo, khai sáng tự vũ, tục diệm truyền đăng của Tổ sư Liễu Quán và các thế hệ truyền thừa kéo dài từ Thanh Hóa đến các tỉnh miền Tây Nam bộ.

VĂN THẮNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khai-mac-hoi-thao-khoa-hoc-dau-tien-ve-thien-phai-lieu-quan-post720764.html