Khai hội đền Lăng Sương

Trong không khí trẩy hội đầu Xuân mới, ngày 5/2 (tức ngày 15 tháng Giêng âm lịch) tại Khu Di tích Quốc gia Đền Lăng Sương, xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy, Ban tổ chức Lễ hội truyền thống Đền Lăng Sương tổ chức lễ khai hội Đền Lăng Sương. Tới dự có đồng chí Nguyễn Thị Thanh Huyền - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương đến tham quan, bái lễ.

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thanh Huyền cùng các đại biểu dâng hương tại buổi lễ.

Tương truyền bà Đinh Thị Đen lấy ông Nguyễn Cao Hành, tuổi cao mà chưa có con. Một hôm bà đang tắm có con rồng nhả ngọc phun châu, rồi thụ thai, sau sinh ra Tản Viên tại động Lăng Sương nay thuộc xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy. Thánh Tản Viên trong tín ngưỡng dân gian thờ thần của người Việt là vị thần có công giúp dân trị thủy, khai hoang, dạy dân trồng lúa nước, giết thú dữ, dẹp giặc ngoại xâm. Khắc ghi công lao to lớn của ngài, người dân lập Đền thờ Tản Viên Sơn Thánh khắp các vùng miền, quanh năm khói hương tri ân công đức. Nhưng chỉ duy nhất Đền Lăng Sương thờ cả ngài, thân mẫu cùng các bộ tướng là Cao Sơn và Quý Minh.

Lãnh đạo huyện Thanh Thủy đánh trống khai hội.

Lễ hội Đền Lăng Sương được tổ chức tại Di tích lịch sử Quốc gia Đền Lăng Sương, xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy, vào ngày sinh của Đức Thánh Tản, ngày 15 tháng Giêng. Đây là ngôi đền duy nhất hiện nay thờ cả gia đình Đức Thánh Tản gồm: thân phụ Nguyễn Cao Hành; thân mẫu Đinh Thị Đen, dưỡng mẫu Ma Thị Cao Sơn, phu nhân Ngọc Hoa công chúa và hai bộ tướng là Cao Sơn, Quý Minh. Ngoài dịp chính hội, lễ hội Đền Lăng Sương còn tổ chức vào ngày hóa của Thánh Mẫu vào ngày 25 tháng Mười (âm lịch).

Nghi thức Tế lễ tại Lễ hội truyền thống Đền Lăng Sương năm 2023.

Lễ hội Đền Lăng Sương là sự khẳng định và tiếp nối việc bảo tồn, phát huy vai trò của người anh hùng văn hóa - Đức Thánh Tản Viên Sơn - được hình thành vào thời kỳ đầu của nền văn hóa và văn minh của người Việt. Bên cạnh đó, lễ hội Đền Lăng Sương cũng là một tiếng nói góp phần khẳng định về sự tồn tại của thời đại Hùng Vương, nhà nước đầu tiên trong tâm thức của người Việt, là một trong những lễ hội dân gian đặc sắc, nổi tiếng của vùng núi Tản, sông Đà, thể hiện sự ngưỡng mộ, tôn vinh của dân tộc đối với Đức Thánh Tản, đồng thời bổ sung cho tín ngưỡng thờ tổ tiên của người Việt. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử và nhiều lần trùng tu, nâng cấp, đến nay Đền Lăng Sương vẫn giữ được kiến trúc bằng gỗ truyền thống, mang phong cách nghệ thuật đan xen của các thời đại nối tiếp nhau. Với giá trị lịch sử riêng, năm 1993 Đền được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; năm 2005 Đền được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia và năm 2018 Lễ hội truyền thống Đền Lăng Sương được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Giang Ngân

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//du-lich-le-hoi/khai-hoi-den-lang-suong/190661.htm