Khách quốc tế tăng 68,3%, vì sao doanh nghiệp lo lắng vẫn chưa hết khó khăn?

Số lượng du khách tại Việt Nam tăng mạnh nhưng khách đi tour không tăng nhiều. Hơn nữa trong số du khách quốc tế đến Việt Nam, không phải tất cả là khách du lịch thuần túy.

Trung tâm thông tin du lịch, Cục du lịch Quốc gia Việt Nam, cho biết sau 4 tháng đầu năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã vượt 6 triệu lượt, cao hơn 3,9% so với thời điểm trước dịch, cao hơn 3,9% so với thời điểm trước dịch. Điều này cho thấy sự phục hồi và phát triển rất tốt của thị trường du lịch Việt Nam.

Khách Trung Quốc quay trở lại mạnh mẽ

Riêng trong tháng 4, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,55 triệu lượt, cao hơn 58,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Số liệu thống kê cho thấy châu Á đang là khu vực dẫn đầu với mức tăng 77,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Hàn Quốc vẫn là thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam trong 4 tháng đầu năm với 1,6 triệu lượt (chiếm 25,8%), Trung Quốc đại lục đạt 1,25 triệu lượt (chiếm 20%), Đài Loan (Trung Quốc) ở vị trí thứ 3 (418 nghìn lượt), Mỹ ở vị trí thứ 4 (301 nghìn lượt), Nhật Bản ở vị trí thứ 5 (235 nghìn lượt)…

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên tháng 4 chứng kiến sự "trỗi dậy" mạnh mẽ từ tệp khách Trung Quốc. Lượng khách giữa hai thị trường này rút ngắn chênh lệch xuống còn 10.000 lượt, 368.000 lượt khách Hàn Quốc và 358.000 lượt khách Trung Quốc. Trong khi đó vào các tháng trước, lượng khách Hàn Quốc thường nhiều hơn khách Trung Quốc từ 1,4 đến 2 lần.

Bà Nguyễn Bích Hồng, Giám đốc công ty lữ hành Sky Tour (Hà Nội), chia sẻ do kinh tế ảm đạm sau dịch nên nhiều khách Trung Quốc chọn đi du lịch nội địa và các quốc gia gần. Lợi thế của Việt Nam với thị trường này là chung biên giới đường bộ và văn hóa tương đồng, nên đã thu hút được lượng du khách lớn từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Trước đó, công ty du lịch trực tuyến nổi tiếng tại Trung Quốc - CTrip, cũng đưa ra nhận định dịp 1/5 lượng khách Trung Quốc có nhu cầu đến Đông Nam Á nhiều nhất do đi lại gần, giá cả phải chăng, phù hợp với ngân sách chi tiêu tiết kiệm hiện nay của người Trung Quốc.

Ngoài thị trường châu Á và Đông Nam Á có sự tăng trưởng ấn tượng, thị trường châu Âu tiếp tục tăng trưởng mạnh với 63,8% nhờ vào hiệu quả từ chính sách thị thực thông thoáng được áp dụng từ 15/8/2023. Hầu hết các thị trường đều rất khả quan, trong đó có các thị trường chính như: Anh, Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha, Nga, Thụy Điển, Thụy Sỹ...

Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh đánh giá, hơn 2 năm mở cửa trở lại sau đại dịch, du lịch Việt Nam đang trên đà khôi phục và phát triển với nhiều thành tựu nổi bật. Đặc biệt, từ khi Việt Nam áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ với thời hạn lưu trú lên đến 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần, đồng thời kéo dài thời hạn tạm trú đối với các nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày.

“Chính sách này đã được cộng đồng quốc tế chào đón, trở thành đòn bẩy quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam”, ông Khánh nhận định.

Các chuyên gia nhận định, nếu 8 tháng sau Việt Nam tiếp tục giữ vững "phong độ" đón khách như 4 tháng đầu năm, ngành du lịch sẽ vượt mục tiêu đề ra là đón 18 triệu lượt khách, phục hồi 100% như trước dịch.

Lợi nhuận chảy về doanh nghiệp chưa cao

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp du lịch, tình hình sức khỏe của các doanh nghiệp trong hệ sinh thái du lịch vẫn chưa theo kịp đà tăng của du khách. Trong đó, khó khăn đến với cả doanh nghiệp đón khách quốc tế và đơn vị tổ chức tour du lịch nội địa.

Một doanh nghiệp tại Phú Quốc cho biết, trước dịch lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đến Phú Quốc ở mức ngang nhau. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay lượng khách quốc tế tăng trưởng tốt, ngược lại khách nội địa sụt giảm mạnh. Do đó, hệ thống nhà hàng, khách sạn vẫn gặp khó.

Chưa kể, nhiều doanh nghiệp cho biết, kinh tế khó khăn, giá vé máy bay tăng cao xu hướng khách đi du lịch tự túc ngày càng tăng, khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại khó hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh.

Ông Võ Việt Hòa, Giám đốc khối du lịch quốc tế, Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, chia sẻ khách quốc tế đến Việt Nam tăng nhưng lợi nhuận chảy về doanh nghiệp chưa cao. Bởi các công ty lữ hành trong nước rất khó "chen chân" vào hệ sinh thái của họ. Chẳng hạn khách Hàn Quốc, doanh nghiệp lữ hành Việt Nam không thể cung cấp dịch vụ trọn gói mà chỉ làm những dịch vụ nhỏ lẻ khá "xương xẩu". Hơn nữa khách quốc tế đang quay trở lại Việt Nam rất mạnh mẽ nhưng chi tiêu của họ cũng thắt chặt hơn do suy thoái kinh tế, và điều này cũng diễn ra ngay với du khách nội địa.

"Nhìn chung, Đông Bắc Á là thị trường thuận lợi nhất đối với du lịch Việt Nam nhưng hiện vẫn đang khó. Chưa kể chi tiêu của người dân trong nước và một số quốc gia cũng thắt chặt hơn do suy thoái kinh tế. Vì thế, lượng khách đông nhưng làm sao để "thấm" vào nền kinh tế, làm sao để các doanh nghiệp trong hệ sinh thái hấp thụ được, là vấn đề cấp bách cần suy xét kỹ lưỡng", ông Hòa nhìn nhận.

Về phía hàng không cũng cho biết lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không tăng, nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng. Nguyên nhân do các thị trường chính Trung Quốc, Nga chưa khai thác được. Khách Nhật Bản cũng giảm do nước này có chính sách thu hút khách vào hơn khuyến khích người dân ra nước ngoài.

Thống kê cho thấy 4 tháng đầu năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 5,2 triệu lượt người, chiếm 83,7% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 1,6 lần cùng kỳ năm trước.

Đại diện Vietnam Airlines cũng chia sẻ hãng bay đang phải xoay xở tìm nguồn khách mới bù đắp lượng bị thiếu hụt từ các thị trường trọng điểm trước dịch. Cụ thể, Vietnam Airlines đang chuẩn bị mở thêm đường bay đến Philippines vào tháng 6 tới, và mở đường bay Munich, Đức vào tháng 10, hy vọng đón thêm luồng khách mới.

Bà Hồng cũng đánh giá: Lượng khách quốc tế đến hoàn toàn có cơ sở để lạc quan đạt hoặc vượt chỉ tiêu, song chưa thể nói được đến bao giờ các doanh nghiệp mới phục hồi lại được như thời trước dịch. Còn rất nhiều yếu tố tác động, nhiều thách thức.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/khach-quoc-te-tang-68-3-vi-sao-doanh-nghiep-lo-lang-van-chua-het-kho-khan-1099530.html