Khắc phục ùn tắc trên đường vành đai 3 Hà Nội

Là một trong những tuyến giao thông có lưu lượng cao nhất tại Hà Nội, đường vành đai 3 thường xuyên gặp cảnh ùn tắc, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, nhiều trường hợp vi phạm quy định về giao thông trên tuyến đường này đã được phát hiện, xử lý kịp thời.

 Xe máy đi vào đường vành đai 3 trên cao (Hà Nội), tiềm ẩn nguy cơ xảy ra va chạm, tai nạn giao thông.

Xe máy đi vào đường vành đai 3 trên cao (Hà Nội), tiềm ẩn nguy cơ xảy ra va chạm, tai nạn giao thông.

Theo ghi nhận của chúng tôi, vào hầu hết khung giờ trong ngày, tuyến đường vành đai 3 thường xuyên đông đúc. Tại đường vành đai 3 trên cao, xuất hiện ùn ứ ở khu vực đường nhánh lên xuống. Mặc dù đường đông nhưng tình trạng xe đi vào làn dừng khẩn cấp đã giảm hẳn. Đây là kết quả đáng ghi nhận sau một tháng (từ ngày 20-9 đến 20-10-2022) lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) triển khai đợt cao điểm tuyên truyền, xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về an toàn giao thông. Theo đó, Cục CSGT (Bộ Công an) chủ trì, phối hợp với Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) sử dụng xe mô tô tuần tra kiểm soát lưu động để kịp thời xử lý, giải quyết các tình huống, sự cố phương tiện lưu thông trên tuyến đường vành đai 3.

Trong thời gian thực hiện đợt cao điểm, lực lượng chức năng đã phát hiện, ghi hình 457 trường hợp vi phạm (336 xe con, 66 xe tải và 55 ô tô khách) với các lỗi chủ yếu như: Đi vào làn dừng xe khẩn cấp, dừng đỗ không đúng nơi quy định. Trong đó, vi phạm đi vào làn khẩn cấp chiếm phần lớn (451 trường hợp). Lực lượng chức năng cũng kịp thời phát hiện, giải quyết 196 sự cố phương tiện, tai nạn giao thông (TNGT), khắc phục ngay không để xảy ra ùn tắc; phát hiện, ngăn chặn phương tiện quay đầu đi vào đường ngược chiều lối lên nút giao.

Ước tính, mỗi ngày đường vành đai 3 trên cao có khoảng 125.000 lượt xe lưu thông, cao gấp 8-10 lần so với thiết kế, đặc biệt, lượng phương tiện tăng cao vào dịp lễ, tết dẫn đến quá tải hạ tầng. Bên cạnh đó, tình hình tai nạn, sự cố cũng xuất hiện nhiều với khoảng 6 vụ/ngày. Hệ thống biển báo hiệu đường bộ trên tuyến đường này cũng chưa đồng bộ, đặc biệt là đoạn từ cầu cạn Pháp Vân đến cầu Thanh Trì. Việc bố trí xe cẩu kéo để giải phóng phương tiện chết máy hoặc gặp TNGT trên cầu Thanh Trì gặp nhiều khó khăn do xe cẩu kéo không có đường lên cầu. Toàn tuyến có chiều dài 20km với 10 lối lên, xuống ở mỗi chiều, các vị trí này gây ra xung đột giao thông.

Vừa qua, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã thực hiện tổ chức lại giao thông trên cầu Thanh Trì, điều chỉnh dải phân cách để mở rộng làn đường cho xe ô tô với 3 làn xe và 1 làn cho xe máy, góp phần giảm ùn tắc, người dân đi lại thuận tiện hơn. Cùng với hoàn thiện hệ thống biển báo, tổ chức giao thông hợp lý, một vấn đề đang đặt ra với đường vành đai 3 trên cao là hệ thống camera giám sát hiện nay không hoạt động. Vì vậy, khi vắng bóng lực lượng chức năng, có thể tái diễn hành vi vi phạm của phương tiện. Điều này đặt ra yêu cầu cần đầu tư hệ thống giám sát bằng hình ảnh, tạo cơ sở để xử phạt “nguội”, qua đó, vừa kịp thời xử lý các tình huống vừa góp phần nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành quy định pháp luật của người tham gia giao thông.

Bài và ảnh: MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/an-ninh-trat-tu/khac-phuc-un-tac-tren-duong-vanh-dai-3-ha-noi-709415