Khắc phục trở ngại trong thi hành án tín dụng, ngân hàng

Trước tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, tốc độ phục hồi kinh tế chậm, thị trường bất động sản trầm lắng là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình hình nợ xấu của các tổ chức tín dụng tăng lên, đã tạo ra áp lực và thách thức không chỉ cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng mà còn cho cả tòa án và cơ quan thi hành án dân sự. Nhận thức được tầm quan trọng trong việc thu hồi các khoản nợ theo các bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực thi hành, hàng năm Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp đều chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự địa phương đặc biệt quan tâm tổ chức thi hành những vụ việc liên quan đến án tín dụng, ngân hàng.

Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, công tác thi hành án dân sự liên quan đến án tín dụng, ngân hàng luôn được lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên và đạt được nhiều kết quả khả quan. Kết quả thi hành năm 2022 (từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30/9/2022), về việc, tổng số đã thụ lý 941 việc, trong đó số có điều kiện thi hành là 713 việc, số giải quyết xong là 208 việc, chiếm tỷ lệ 29,17% số có điều kiện thi hành. Về tiền, tổng số đã thụ lý là 1.397.689.224.000 đồng, số có điều kiện thi hành là 1.132.252.916.000 đồng, số giải quyết xong là 240.531.714.000 đồng, chiếm tỷ lệ 21,24% số có điều kiện thi hành.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức thi hành án nói chung và việc tổ chức thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng nói riêng vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm. Để giải quyết vấn đề này, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng Chuyên đề về “Thực trạng công tác thi hành án dân sự liên quan đến án tín dụng, ngân hàng” và tổ chức hội nghị để đánh giá kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc gặp phải khi thực hiện, từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị thiết thực, có hiệu quả.

Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Hội nghị chuyên đề nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác thi hành án dân sự liên quan đến án tín dụng, ngân hàng. Ảnh: CHÍ BẢO

Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Hội nghị chuyên đề nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác thi hành án dân sự liên quan đến án tín dụng, ngân hàng. Ảnh: CHÍ BẢO

Đồng chí Nguyễn Thị Út - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Sóc Trăng chia sẻ: “Cơ quan thi hành án dân sự thành phố Sóc Trăng đã chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng và các cơ quan, tổ chức có liên quan để thống nhất biện pháp tổ chức thi hành dứt điểm loại vụ việc này. Phần lớn việc thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng là có tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ thi hành án. Đây là thuận lợi đối với cơ quan thi hành án dân sự do không phải xác minh, tìm kiếm tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án giống như các loại việc thi hành án khác. Tuy nhiên, thực tế việc thi hành án cũng gặp khó khăn do nhiều trường hợp tài sản nằm ở nhiều nơi; chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định pháp luật khác nhau, từ pháp luật về thi hành án, pháp luật về dân sự, pháp luật về đất đai, pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật về doanh nghiệp… do đó, trong quá trình tổ chức thi hành án, chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự cũng gặp nhiều khó khăn. Số lượng tiền phải thi hành cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng là rất lớn, điều này tạo ra một áp lực rất lớn cho cơ quan thi hành án dân sự. Khó khăn nữa là trong việc xác định thứ tự xử lý tài sản bảo đảm của bên thứ ba thế chấp tài sản của mình để bảo lãnh các khoản vay của người phải thi hành án. Khi xử lý tài sản đảm bảo của bên thứ ba thế chấp tài sản của mình để bảo lãnh các khoản vay của người thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự mặc dù đã xử lý xong tài sản bảo đảm của bên thứ ba nhưng không kết thúc được hồ sơ án phí”.

Đồng chí Nguyễn Thị Út cũng cho biết, để giải quyết vấn đề này, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Sóc Trăng đề ra một số giải pháp trong thời gian tới như: Chấp hành viên phụ trách hồ sơ cần tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án trong xác minh điều kiện thi hành án, kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản… trong đó đặc biệt lưu ý đến quy định về thời hạn, tránh để hồ sơ kéo dài, chậm đôn đốc, giải quyết. Cần tích cực, chủ động, quyết liệt tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi hành án đối với các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng. Đối với các tổ chức tín dụng, ngân hàng cần phát huy vai trò trách nhiệm phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong việc xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; hỗ trợ cơ quan thi hành án dân sự trong việc tiếp nhận trông coi, bảo quản tài sản sau khi kê biên, tìm và giới thiệu khách hàng mua tài sản để đẩy nhanh tiến độ bán đấu giá; chủ động phối hợp cùng cơ quan thi hành án dân sự và chấp hành viên tìm biện pháp giải quyết cụ thể đối với từng hồ sơ thi hành án. Đối với những trường hợp đương sự đã thi hành được phần lớn nghĩa vụ thi hành án theo án tuyên, cần có chính sách miễn, giảm một phần lãi suất để có hướng giải quyết xong vụ việc.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, trong thi hành án tín dụng, ngân hàng, đơn vị gặp một số khó khăn trong việc thi hành án tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình; việc thi hành án tài sản thế chấp là động sản; trong việc định giá khi phát mãi tài sản thế chấp; việc xác minh điều kiện thi hành án; xử lý tài sản trên đất cho thuê và tài sản thi hành án là quyền sử dụng đất bị hết hạn sử dụng. Ngoài ra, việc chậm kê biên cũng gây khó khăn trong công tác thi hành án tín dụng, ngân hàng, do một số chấp hành viên sau khi thụ lý vụ việc đã quá thời gian tự nguyện thi hành án vẫn không thực hiện kê biên, xử lý tài sản kéo dài hơn 12 tháng, ảnh hưởng kết quả thu hồi nợ của ngân hàng và tài sản bị mất mát, hao mòn, hư hỏng, mất giá trị…

Các khó khăn, vướng mắc trên chủ yếu phát sinh do đã tồn tại từ hồ sơ vay vốn, một số phát sinh do chấp hành viên chưa sâu sát, chưa quan tâm công tác tổ chức thi hành án và một số vướng mắc khác. Lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng đề nghị các cơ quan thi hành án, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Sóc Trăng xem xét từng trường hợp để đề xuất hướng xử lý nhằm tháo gỡ các án tồn đọng liên quan đến tín dụng, ngân hàng.

Đồng chí Nguyễn Văn Uốt - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng cho biết, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Hội nghị chuyên đề “Thực trạng công tác thi hành án dân sự liên quan đến án tín dụng, ngân hàng”, qua đó đã có nhiều ý kiếnthảo luận, đã giải quyết được nhiều vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ trong công tác thi hành án dân sự liên quan đến án tín dụng, ngân hàng. Từ đó, các đơn vị tiếp tục duy trì phối hợp tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự liên quan đến tín dụng, ngân hàng trong thời gian tới.

CHÍ BẢO

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/khac-phuc-tro-ngai-trong-thi-hanh-an-tin-dung-ngan-hang-66122.html