Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trước thềm năm học mới

Năm học 2022-2023 đang cận kề, các trường học trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực chuẩn bị điều kiện sẵn sàng cho năm học mới. Song nhiều địa phương còn tình trạng thiếu giáo viên, gây khó khăn, bất cập trong công tác dạy và học. Đây là “bài toán” cần sớm có lời giải nhằm duy trì và đảm bảo chất lượng giáo dục của tỉnh.

Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, ngành GDĐT đang nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trước thềm năm học mới

Năm học mới, "bài toán" cũ

Hiệu trưởng Trường tiểu học Yên Bình, huyện Vĩnh Tường Hoàng Liên Sơn cho biết: “Theo quy định đối với cấp tiểu học, tối đa sẽ có 1,5 giáo viên/lớp, tuy nhiên, nhiều năm nay, nhà trường không đủ điều kiện để đạt định mức do thiếu giáo viên. Năm học 2022-2023, nhà trường có 1.050 học sinh với 30 lớp và 36 giáo viên; trong đó có 10 giáo viên bộ môn, 26 giáo viên văn hóa. Theo quy định, nhà trường còn thiếu 4 giáo viên văn hóa.

Năm học vừa qua, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, nhà trường phải phân công 2 Phó hiệu trưởng phụ trách đứng lớp và đề nghị cấp trên bổ sung thêm giáo viên hợp đồng. Tình trạng thiếu giáo viên đã gây khó khăn trong quá trình xây dựng trường chuẩn quốc gia mức độ II của trường vào năm 2023”.

Theo thông tin từ Phòng GDĐT huyện Vĩnh Tường, năm học 2022-2023, toàn huyện có 449 lớp mầm non (MN), 675 lớp tiểu học (TH), 391 lớp THCS, tăng 21 lớp so với năm học 2021-2022. Tổng số giáo viên biên chế hiện có là 2.265 người, thiếu 109 người so với số giáo viên biên chế được giao.

Nguyên nhân chính khiến “bài toán” thiếu giáo viên trên địa bàn huyện Vĩnh Tường trở nên nan giải là do quy mô lớp học và số học sinh/lớp có xu hướng tăng hằng năm, nhưng các nhà trường không được giao bổ sung biên chế giáo viên mà lại phải thực hiện tinh giản 10% theo quy định. Bên cạnh đó, nguồn giáo viên hợp đồng đang dần trở nên khan hiếm do đa số giáo viên còn trẻ, năng động trong công việc nhưng thu nhập còn thấp, thời gian chăm sóc gia đình không nhiều nên đội ngũ này không mấy mặn mà với việc đứng lớp…

Là huyện miền núi, tình trạng thiếu giáo viên cũng là trở ngại lớn đối với nhiều trường học trên địa bàn huyện Sông Lô. Phó trưởng Phòng GDĐT huyện Sông Lô Nguyễn Thị Thu Hương cho biết: “Toàn huyện có tổng số 48 trường, 787 lớp học từ MN đến cấp THCS; tổng số giáo viên biên chế hiện có là 1.248 người, thiếu 231 giáo viên theo quy định. Riêng bậc giáo dục MN có 17 trường, 250 nhóm lớp, thiếu 104 biên chế, đây là cấp học thiếu giáo viên nhiều nhất.

Một số trường MN như Lãng Công, Đồng Thịnh, Đức Bác, Nhạo Sơn, Đôn Nhân... là những đơn vị có tỷ lệ thiếu giáo viên cao nhất, trung bình thiếu 8-10 giáo viên. Với đặc thù của ngành Giáo dục, mỗi năm học đều có giáo viên nghỉ hưu, nghỉ thai sản nên tình trạng thiếu giáo viên xảy ra ở mọi thời điểm”.

Theo thống kê, hiện nay toàn ngành GDĐT tỉnh có hơn 500 trường học và cơ sở giáo dục với gần 336 nghìn học sinh, hơn 17 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Theo rà soát, hiện toàn ngành còn thiếu hơn 3.600 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên so với số biên chế được giao.

Tín hiệu tích cực

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 02/2014/QĐ-UBND ngày 9/1/2014 ban hành quy định về phân cấp quản lý tổ chức biên chế, cán bộ, công chức, viên chức đến các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, Sở GDĐT đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, nhà trường thực hiện, chuẩn bị về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cho ý kiến chỉ tiêu, cơ cấu tuyển dụng giáo viên đối với các huyện, thành phố còn thiếu; chỉ đạo các Phòng GDĐT thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, rà soát, sắp xếp đội ngũ để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Năm 2022, các Phòng GDĐT đã tham mưu UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tuyển mới giáo viên các cấp trên địa bàn tỉnh. Điển hình như huyện Vĩnh Tường, chỉ tiêu tuyển dụng gồm 95 giáo viên (MN 12 chỉ tiêu, TH chỉ tiêu, THCS 22 chỉ tiêu, THPT&QLDN 5 chỉ tiêu); huyện Bình Xuyên, chỉ tiêu tuyển dụng gồm 113 giáo viên (MN 12 chỉ tiêu, TH 78 chỉ tiêu, THCS 23 chỉ tiêu); huyện Yên Lạc chỉ tiêu tuyển dụng gồm 99 giáo viên (TH 50 chỉ tiêu, THCS 42 chỉ tiêu, THPT 7 chỉ tiêu)…

Trong trường hợp các địa phương chưa tuyển đủ giáo viên, các nhà trường tiếp tục tự bố trí Ban Giám hiệu đứng lớp và tiếp tục gia hạn hợp đồng đối với các giáo viên đã giảng dạy từ năm học trước nhằm đảm bảo số lượng cũng như số tiết theo quy định.

Với những giải pháp đồng bộ, hy vọng rằng, các địa phương trong tỉnh sẽ giải quyết được bài toán thiếu giáo viên trong nhiều năm nay để các nhà trường sẵn sàng đón năm học mới với những thành công mới.

Bải, ảnh: Thảo My

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/giao-duc/82089/khac-phuc-tinh-trang-thieu-giao-vien-truoc-them-nam-hoc-moi.html