Khắc phục tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hẹn

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang - Nguyễn Thanh Nhàn yêu cầu các sở, ngành, địa phương trong tỉnh khắc phục ngay tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hẹn.

Chiều 12-10, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và cải thiện, nâng cao các chỉ số: PCI, PAR INDEX, PAPI, SIPAS tỉnh (Ban Chỉ đạo) và tổ giúp việc Ban Chỉ đạo để đánh giá kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính 9 tháng năm 2022.

Cuộc họp do đồng chí Nguyễn Thanh Nhàn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì.

Theo báo cáo tại cuộc họp, 9 tháng năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành trên 22 văn bản chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính của tỉnh.

Kế hoạch số 248/KH-UBND, ngày 31-12-2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra 55 nhiệm vụ cho các sở, ngành liên quan thực hiện công tác cải cách hành chính. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành được 33 nhiệm vụ, đạt 60% so với kế hoạch, các nhiệm vụ còn lại đang tổ chức thực hiện.

Quang cảnh cuộc họp.

Quang cảnh cuộc họp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đánh giá các ngành và địa phương trong tỉnh từng lúc chưa quyết liệt trong chỉ đạo, thiếu thường xuyên rà soát, đôn đốc nhắc nhở công chức thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nên dẫn đến việc thực hiện trễ hạn nhiệm được giao.

Một trong những hạn chế của tỉnh trong công tác cải cách hành chính đó là số hồ sơ giải quyết trễ hẹn còn khá nhiều. 9 tháng đầu năm, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính của tỉnh được giải quyết trước và đúng hạn chỉ đạt 61,45% (105.541/171.750 hồ sơ), thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2021, đạt tỷ lệ 73,78%).

Nhiều hồ sơ thủ tục hành chính trễ hẹn nhưng không có thư xin lỗi người dân như hồ sơ trễ hẹn tại TP. Phú Quốc, TP. Rạch Giá. Việc xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức còn chậm, hiện còn 129 phản ánh, kiến nghị chưa được xử lý.

Đồng chí Huỳnh Xuân Luật (đứng) - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang báo cáo một số kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính của tỉnh từ đầu năm 2022 đến nay.

Trước thực trạng giải quyết thủ tục hành chính còn nhiều hồ sơ trễ hạn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang - Nguyễn Thanh Nhàn yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương trong tỉnh nâng ca tinh thần trách nhiệm, đề ra các giải phát khắc phục việc giải quyết hồ sơ trễ hẹn.

Để tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí và thời gian cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, đồng chí Nguyễn Thanh Nhàn yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Rà soát cắt giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

"Các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cần hoàn thiện phần mềm điện tử giải quyết thủ tục hành chính ở các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đất đai theo hướng chặt chẽ, chính xác, nhanh gọn, thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp", đồng chí Nguyễn Thanh Nhàn đề nghị.

Người dân đến thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Kiên Giang.

Lưu ý một số nhiệm vụ để thực hiện tốt công tác cải cách hành chính của tỉnh trong những tháng cuối năm 2022, góp phần cải thiện và nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang - Nguyễn Thanh Nhàn đề nghị các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh việc thực hiện Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh cung cấp thông tin và tiếp cận thông tin của người dân và doanh nghiệp, nhất là các vấn đề được nhiều người dân quan tâm như quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất... Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại trong quản lý và giải quyết thủ tục hành chính....

Đồng chí Nguyễn Thanh Nhàn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang phát biểu tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, một số đại biểu nêu một số khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến. Ngoài một vài vướng mắc liên quan hạ tầng số, cơ sở dữ liệu, đại diện một số sở, ngành cho rằng nhiều người dân chưa quen với việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường internet, vẫn giữ thói quen làm thủ tục hành chính trực tiếp…Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến của tỉnh Kiên Giang còn thấp.

Do đó, một số đại biểu đề nghị thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, tích cực hướng dẫn người dân và doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các nền tảng số trong thực hiện thủ tục hành chính.

Tin và ảnh: MINH KHANG

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//chinh-tri/khac-phuc-tinh-trang-giai-quyet-ho-so-tre-hen-11044.html