Khắc họa tương lai giao thông Kiên Giang

Trong tương lai, Kiên Giang sẽ có hệ thống giao thông đồng bộ và liên hoàn, đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng gia tăng phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Dự án đường bộ ven biển kết nối TP. Rạch Giá với huyện Hòn Đất (Kiên Giang).

PHÁ THẾ ĐỘC ĐẠO

Gia đình chị Tạ Thị Ngọc Diễm, ngụ xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành (Kiên Giang) là một trong số hàng trăm hộ dân ở xã có đất bị giải tỏa để phục vụ thi công đường 3 Tháng 2 nối dài đoạn TP. Rạch Giá đến Tắc Cậu (Châu Thành).

“Khi được chính quyền địa phương vận động giao đất để thi công đường, gia đình tôi ủng hộ ngay. Dự án đi ngang qua gần 1.000m2 đất của gia đình tôi. Tôi và nhiều người dân ở đây rất mừng vì đường 3 Tháng 2 hoàn thành sẽ giúp việc đi lại thuận tiện”, chị Diễm chia sẻ.

Hàng ngày, chị Diễm đưa đón con đi học từ nhà đến TP. Rạch Giá 2 lượt, với quãng đường khoảng 15km/lượt. Đường 3 Tháng 2 nối dài, đoạn TP. Rạch Giá đến Tắc Cậu hoàn thành, chị Diễm rút ngắn được 50% quãng đường. “Ngán nhất là chạy xe trên quốc lộ 61 có mật độ xe cộ đông đúc, tôi chạy rất chậm và mất thời gian”, chị Diễm cho biết.

Đường 3 Tháng 2 nối dài đoạn TP. Rạch Giá đến Tắc Cậu khoảng 8,5km nhưng nhiều năm nay nằm trên giấy với nhiều phương án thực hiện khác nhau, gần đây mới đấu thầu và thi công. Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kiên Giang, dự án đường 3 Tháng 2 nối dài đoạn Rạch Giá đến Tắc Cậu có tổng vốn đầu tư gần 730 tỷ đồng, thi công trong 720 ngày. Đây là một trong số những dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Kiên Giang trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Anh Trần Xuân Hảo - chỉ huy công trường Công ty Cổ phần Hà Đô 1 - đơn vị thi công đường 3 Tháng 2 nối dài đoạn TP. Rạch Giá đến Tắc Cậu cho biết: “Chúng tôi khắc phục khó khăn thiếu nguyên vật liệu, cát đắp nền, giải phóng mặt bằng… để làm sao đường phải xong trong năm 2024, bởi người dân rất mong chờ tuyến đường này”.

Để kết nối liên vùng, liên huyện và phá thế độc đạo của quốc lộ 80 qua các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang đầu tư đường bộ ven biển từ TP. Rạch Giá đi huyện Hòn Đất và từ huyện Hòn Đất đến huyện Kiên Lương. Đoạn đường bộ ven biển từ Rạch Giá đi Hòn Đất hiện cơ bản hoàn thành phần đường, các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công các cầu còn lại. Đối với đoạn từ Hòn Đất đi Kiên Lương có tổng mức đầu tư gần 1.480 tỷ đồng, tiến độ đến nay đạt 35,38%.

Như vậy có thể hình dung được từ nay đến năm 2025, người dân sẽ có thêm tuyến đường ven biển song song với các quốc lộ hiện hữu nối TP. Rạch Giá đi các huyện lân cận như Châu Thành, Hòn Đất, Kiên Lương. Tuyến đường bộ ven biển từ TP. Hà Tiên có thể nối liền đến tận vùng Miệt Thứ. Tuyến đường bộ ven biển này không chỉ giúp cho tỉnh phát triển kinh tế - xã hội mà còn cực kỳ quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Thi công đường 3 Tháng 2 nối dài đoạn Rạch Giá đến Tắc Cậu.

ĐA KẾT NỐI

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, trong tương lai, hệ thống giao thông của Kiên Giang sẽ có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua dài 99km, trong đó đầu tư mới khoảng 30km, còn lại trùng với cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài 26,5km, trùng với quốc lộ 61 dài 34,6km, trùng với quốc lộ 63 dài 7,9km. Đường có quy mô 4 làn xe.

Giai đoạn từ nay đến năm 2025 đầu tư 2 đoạn theo kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ Giao thông Vận tải với quy mô cấp III đồng bằng, 2 làn xe, nền rộng 12m, đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhứt dài 11,2km, đoạn Bến Nhứt - Gò Quao - Vĩnh Thuận dài 40,6km.

Ngoài tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi hiện nay còn có tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đi qua địa bàn Kiên Giang dài 17km qua địa bàn huyện Vĩnh Thuận. Đây là đường cao tốc loại A, quy mô 4 làn xe, hiện đang trong giai đoạn thi công. Trong tương lai, Kiên Giang sẽ có thêm tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu với quy mô 4 làn xe. Đường hành lang ven biển phía Nam qua Kiên Giang dài 28km quy mô 2-4 làn xe.

Ngoài các trục đường kết nối giữa tỉnh Kiên Giang với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, từ nay đến năm 2030, sẽ đầu tư, nâng cấp các tuyến quốc lộ. Cụ thể các quốc lộ 61, 63, 80, 80C, 91D, N1, N2 với tổng chiều dài đi qua địa bàn tỉnh dài 388,6km, trong đó nhiều đoạn sẽ được đầu tư trước năm 2025.

Kiên Giang sẽ phát triển hệ thống giao thông đường bộ theo 3 hành lang. Hành lang Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dọc theo hành lang ven biển phía Nam có tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu. Hành lang TP. Hồ Chí Minh - Hà Tiên có tuyến quốc lộ N1. Hành lang TP. Hồ Chí Minh - An Giang - TP. Rạch Giá có quốc lộ 80 và cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.

Định hướng của tỉnh sẽ tập trung hoàn thành xây dựng các tuyến giao thông kết nối vùng kinh tế biển với các trục giao thông trọng điểm quốc gia và các tỉnh trong vùng biển và ven biển phía Tây. Đặc biệt, tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu kết nối hai đô thị lớn của Kiên Giang là TP. Rạch Giá và TP. Hà Tiên. Đây là trục ngang chiến lược với nhiều điểm kết nối với mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn Kiên Giang như kết nối với quốc lộ 80, quốc lộ N2, quốc lộ 80C, cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, tỉnh lộ 963F.

Ngoài các tuyến đường lớn, tỉnh Kiên Giang sẽ đầu tư mới hoặc nâng cấp, kéo dài nhiều tỉnh lộ. Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kiên Giang, tổng nhu cầu sử dụng đất đến năm 2030 cho hệ thống đường bộ là 1.013ha. Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông khoảng 74.222 tỷ đồng; trong đó đến năm 2025 là hơn 44.762 tỷ đồng...

Bài và ảnh: TÂY HỒ - THANH DƯ

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/xa-hoi/khac-hoa-tuong-lai-giao-thong-kien-giang-19064.html