Khắc họa sinh động tinh thần công khai, minh bạch, làm rõ đến cùng vấn đề đặt ra

113 - đây là con số đại biểu đăng ký chất vấn hiện trên bảng điện tử của Chủ tọa điều hành khi Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn với nhóm lĩnh vực đầu tiên - kinh tế tổng hợp, vượt hơn hẳn so với con số 88 đại biểu đăng ký chất vấn với nhóm lĩnh vực thứ hai về kinh tế ngành tiếp ngay sau đó. Điều này phần nào cho thấy sự quan tâm, kỳ vọng của đại biểu, cử tri và Nhân dân với các tư lệnh ngành đang được giao những công việc liên quan mật thiết đến trọng sự quốc gia: Kế hoạch và đầu tư - tài chính - ngân hàng.

Và đương nhiên, các nội dung này thuộc trách nhiệm trả lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cùng sự tham gia, giải trình và làm rõ thêm của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.

Từ “không có vướng mắc gì từ Luật Đầu tư công!”...

Đều đã có kinh nghiệm trả lời chất vấn hoặc tham gia giải trình tại các phiên thảo luận của Quốc hội, lại nắm giữ những lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn, chuyên ngành sâu, nên trước những vấn đề đại biểu đặt ra, cả 3 “tư lệnh ngành” đều ngắn gọn trả lời thẳng vào trọng tâm câu hỏi, cho thấy sự nắm chắc thực trạng tình hình, những kết quả đã làm được, những việc chưa làm được, nguyên nhân, lộ trình và giải pháp để tạo chuyển biến căn bản, thực chất trong từng lĩnh vực được chất vấn. Vậy nên, trong khoảng 150 phút diễn ra phiên chất vấn với nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp, phần hỏi - đáp của các đại biểu và bộ trưởng, trưởng ngành dưới sự điều hành linh hoạt, dân chủ, trí tuệ và sắc sảo của Chủ tọa, đã khắc họa sinh động và đậm nét tinh thần được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu trong phát biểu khai mạc phiên chất vấn, đó là: Làm rõ đến cùng việc thực hiện kiến nghị về những vấn đề đã được giám sát, chất vấn.

Đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) chất vấn. Ảnh: Quang Khánh

Đề cập trực diện về vướng mắc trong việc áp dụng quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước liên quan đến các khoản chi thường xuyên có tính chất đầu tư, ĐBQH Trần Chí Cường (Đà Nẵng) đề nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, có hay không sự chồng lấn giữa các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật chuyên ngành khác trong việc sử dụng chi thường xuyên để mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản công?

“Thực ra đây là một vướng mắc”. Khẳng định điều này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, “vướng mắc này cần có sự giải thích luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện một cách chính xác nhất, hay nói cách khác là yên tâm nhất”. Bởi theo Bộ trưởng, với quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư công, thì “thế nào là chi thường xuyên, thế nào là chi đầu tư vẫn đang bị bế tắc và thực tế đã tạo nên sự vướng trong quá trình thực hiện”...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn. Ảnh: Quang Khánh

Tham gia “chia lửa” với Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận thấy, vấn đề này “cũng không hẳn là do Luật Đầu tư công, mà có cả ở Luật Ngân sách nhà nước”. Vì, sửa chữa, nâng cấp hiện nay vẫn được triển khai bình thường, không vướng mắc gì, chỉ có đầu tư mới thì phải thực hiện quy trình theo Luật Đầu tư công. Chính phủ cũng đang trình Quốc hội cho phép với những dự án dưới 15 tỷ đồng, thì được thực hiện từ chi thường xuyên. “Việc này đang chờ quyết định của Quốc hội”, Bộ trưởng nói.

Nhận thấy “quả bóng” trách nhiệm về “ranh giới” giữa chi thường xuyên và các khoản chi có tính chất đầu tư không chỉ “lăn” từ bộ nọ sang bộ kia, luật này sang luật kia, mà dường như đang “lăn” tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trực tiếp “vào cuộc”: Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội đã khẳng định và Quốc hội đã có văn bản trả lời Chính phủ, là trong thực tiễn cũng như quy định pháp luật không có một văn bản nào, hay một trường hợp nào quy định về mức chi phí thường xuyên và chi đầu tư mà căn cứ vào giá trị số tiền 15 tỷ đồng trở lên là đầu tư công, và dưới 15 tỷ đồng lại là chi thường xuyên.

“Chúng ta chi lương hàng trăm nghìn tỷ đồng, chi cho giáo dục đào tạo hàng trăm nghìn tỷ đồng đều là chi thường xuyên. Đó là tính chất của các khoản chi chứ không phải là giá trị của các khoản chi”. Khẳng định điều này, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, các cơ quan Quốc hội đã trả lời là không có vướng mắc gì trong Luật Đầu tư công và yêu cầu Chính phủ rà soát lại xem có vướng mắc gì trong Luật Ngân sách nhà nước hay không? Và cho đến bây giờ, sau khi rà soát cũng kết luận không có vướng mắc về Luật Ngân sách nhà nước. Do đó, Quốc hội đã đưa việc giải quyết Nghị quyết đặc thù về vấn đề chi thường xuyên và chi đầu tư ra khỏi chương trình, không chấp nhận việc đó. “Nếu như các Bộ và Chính phủ thấy rằng trách nhiệm giải thích pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như thế nào, thì các Bộ phải có đề xuất, chứ Ủy ban Thường vụ Quốc hội không giải thích những gì đã rõ hoặc những nội dung không có ai yêu cầu giải thích”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

... đến “nếu thông tư, nghị định sai thì phải sửa”

Và để công khai, minh bạch và đúng với tinh thần “làm rõ đến cùng” vấn đề đặt ra, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách “báo cáo thêm” với Quốc hội, đồng thời khẳng định, “trường hợp có vướng mắc, chúng ta sẵn sàng sửa đổi, bổ sung”; “nếu chưa rõ, sẵn sàng có giải thích vấn đề, nguyên nhân nằm ở đâu”; và “nếu thông tư, nghị định sai thì phải sửa”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Qua phần báo cáo sau đó của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh, câu chuyện “có phải vướng mắc trong giải ngân chi thường xuyên là do vướng mắc từ Luật Đầu tư công hay không” ngay lập tức được làm rõ và có câu trả lời công khai, minh bạch trước Quốc hội cũng như cử tri và Nhân dân cả nước. Đó là, sau khi Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và Luật Đầu tư công năm 2014 (sửa đổi năm 2019) có hiệu lực, Bộ Tài chính đã ban hành rất nhiều thông tư hướng dẫn để tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các bộ, ngành và địa phương sử dụng nguồn chi thường xuyên thực hiện việc sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất. Trong đó, có Thông tư số 65/2021/TT-BTC, ngày 29.7.2021, quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công.

Thời điểm này vẫn chưa xảy ra bất kỳ vướng mắc gì. Mọi việc vẫn vận hành trơn tru.

Tuy nhiên, “vấn đề chỉ phát sinh bắt đầu từ ngày 15.9.2021 khi Thông tư 65 có hiệu lực”. Theo đó, tuy Thông tư 65 không điều chỉnh các vấn đề về việc sử dụng nguồn chi thường xuyên cho xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản, nhưng lại bãi bỏ Thông tư 92/2017/TT-BTC (ban hành ngày 18.9.2017 hướng dẫn chi tiết về việc lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí để sửa chữa, bảo trì, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất từ nguồn chi thường xuyên). Và kể từ ngày 15.9.2021 đến nay, đặc biệt trong năm 2022, tất cả các bộ, ngành, địa phương, đều vướng mắc do không có cơ sở pháp lý, không có căn cứ để lập dự toán, thanh toán cũng như thực hiện các khoản liên quan đến chi từ nguồn thường xuyên cho các hạng mục có tính chất đầu tư, như sửa chữa nhỏ, nâng cấp, mở rộng.

Các đại biểu dự Phiên chất vấn. Ảnh: Quang Khánh

Trích dẫn nội dung Điều 6, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Mạnh nêu rõ, khoản 1 của điều này là phân loại theo tính chất của dự án (chia làm 2 loại có cấu phần xây dựng và không có cấu phần xây dựng), và khoản 2 phân loại theo tính chất quan trọng của dự án. Với những câu chữ cụ thể như vậy, khi cho ý kiến về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khẳng định không có quy định nào cấm việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên để chi cho các khoản chi có tính chất đầu tư. “Nếu bây giờ giải quyết vướng mắc này, chúng ta có thể đề nghị giải thích pháp luật theo đúng quy định tại Chương XIV của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, từ đó Bộ Tài chính có căn cứ để sửa lại Thông tư như Thông tư 92 trước đây”, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Mạnh đề xuất.

và, "thể hiện đậm nét tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch"

Với những vấn đề thuộc nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp, trong thời lượng 150 phút đã có 22 chất vấn và 7 tranh luận của đại biểu Quốc hội. Và “có hay không vướng mắc từ Luật Đầu tư công” chỉ là một trong số những vấn đề được đại biểu đưa ra tái chất vấn và được “làm rõ đến cùng” ngay tại nghị trường. Qua chất vấn, hàng loạt tồn tại không mới trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tài chính và ngân hàng tiếp tục được đại biểu nêu câu hỏi với 3 bộ trưởng, trưởng ngành.

Trong đó, nổi lên là vấn đề đầu tư công chưa thật sự tiết kiệm, thậm chí còn lãng phí rất lớn, mà thực trạng phổ biến “ngành nào cũng thấy, người nào cũng biết” được đại biểu nêu ra, đó là “cùng một công trình, dự án, nếu là đầu tư tư nhân, thì chỉ bằng phân nửa hoặc tối đa cũng chỉ bằng 2/3 so với tổng mức vốn đầu tư công”, đồng thời yêu cầu Bộ trưởng cho biết giải pháp nâng cao hiệu quả, giảm tình trạng lãng phí trong đầu tư công.

Các đại biểu dự Phiên chất vấn. Ảnh: Quang Khánh

Hay, với lĩnh vực ngân hàng, nhiều đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, giải pháp nào để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội (hiện mới đạt khoảng hơn 100 tỷ đồng) - một chủ trương rất nhân văn của Đảng, Nhà nước ta? Và nguyên nhân vì sao tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm nay chỉ đạt 5,91%? Các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước là gì để tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu 14% như đã đề ra trong khi chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2023? Nghị quyết số 62 của Quốc hội về Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV có nêu "nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành, phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng" - vậy lộ trình thực hiện thực tế như thế nào?...

Đây là lần đầu trong nhiệm kỳ Khóa XV và là lần thứ tư, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, về chất vấn đối với các lĩnh vực. Trong ngày đầu tiên của quỹ thời gian hai ngày rưỡi dành cho hoạt động chất vấn, Quốc hội tiến hành chất vấn hai nhóm lĩnh vực là kinh tế tổng hợp và kinh tế ngành. Trong đó, với nhóm lĩnh vực kinh tế ngành, sáng nay, các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ còn khoảng 70 phút để tiếp tục trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội. Và, còn hai nhóm lĩnh vực nội chính, tư pháp và văn hóa, xã hội cùng phần trả lời trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ đang được cử tri và Nhân dân mong đợi, đặt nhiều kỳ vọng. Nhưng, với diễn biến thực tế của phiên chất vấn cùng những nhân tố mới rất hiếm khi xuất hiện, nếu không nói là lần đầu tiên tham gia làm rõ vấn đề tại phiên chất vấn là Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, đã một lần nữa khẳng định chất vấn là “hình thức giám sát đặc biệt hiệu quả, thể hiện đậm nét tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch và là một khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”. Và, việc tái giám sát, chú trọng giám sát những vấn đề sau giám sát, theo dõi đến cùng các vấn đề đã giám sát, chất vấn đều chung một mục đích hướng tâm: Giúp Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành có cơ hội báo cáo với Quốc hội, cử tri và Nhân dân về những việc mình đã làm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giải quyết thấu đáo, tận gốc những vấn đề Quốc hội đã đặt ra.

Như khẳng định mang tính biện chứng và rất thực tiễn của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đó là “mặc dù không phải lời hứa, cam kết, nhiệm vụ nào cũng có thể giải quyết nhanh chóng, có thể làm được ngay, nhưng Quốc hội, cử tri và Nhân dân có quyền được biết về tình hình, tiến độ thực hiện và quan trọng nhất, những gì đã hứa trước Quốc hội, cử tri và Nhân dân; những nhiệm vụ Quốc hội đã giao cần phải được hoàn thành”.

Lam Giang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/khac-hoa-sinh-dong-tinh-than-cong-khai-minh-bach-lam-ro-den-cung-van-de-dat-ra-i349138/