Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ

Những vấn đề Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dạy khi sinh thời đến nay vẫn giữ nguyên tính thời sự khi đặt công tác cán bộ là công tác then chốt của Đảng, việc huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng.

Bác Hồ nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo xã và Ban chủ nhiệm HTX nông nghiệp thôn Lạc Trung, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc về công tác quy hoạch ruộng đất (25/1/1961). (Ảnh tư liệu)

Bác Hồ nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo xã và Ban chủ nhiệm HTX nông nghiệp thôn Lạc Trung, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc về công tác quy hoạch ruộng đất (25/1/1961). (Ảnh tư liệu)

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng vào công tác cán bộ. Người nhiều lần nhấn mạnh rằng cán bộ là cái gốc của mọi công việc.

Quyền lực có được sử dụng đúng hay không phụ thuộc rất lớn vào cán bộ, để có cán bộ tốt, trước hết phải thực hiện tốt công tác cán bộ.

Cán bộ là cái gốc của mọi công việc

Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh vị thế, uy tín, sức mạnh của Đảng cao hay thấp, mạnh hay yếu phụ thuộc chủ yếu vào đội ngũ cán bộ của Đảng trong hệ thống chính trị.

Quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta vững mạnh vì luôn đào tạo được một đội ngũ cán bộ từ Trung ương đến địa phương vững mạnh về mọi mặt.

Công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng được Đảng ta thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Đảng ta đã nhiều lần nhấn mạnh: Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt và xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ “then chốt của then chốt.”

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Thị Thanh Hà, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định điều này hoàn toàn đúng và có cơ sở lý luận từ tư tưởng Hồ Chí Minh.

Sinh thời, nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc;” “muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém;” đồng thời, quyền lực có được sử dụng đúng hay không phụ thuộc rất lớn vào cán bộ.

Bởi “cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được.”

Mà để có cán bộ tốt, trước hết phải thực hiện tốt công tác cán bộ. Những tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.

 Đại hội XIII của Đảng (25/1-1/2/2021) - thống nhất "ý Đảng, lòng dân", đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới. (Ảnh: TTXVN)

Đại hội XIII của Đảng (25/1-1/2/2021) - thống nhất "ý Đảng, lòng dân", đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới. (Ảnh: TTXVN)

Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Tăng cường xây dựng Đảng về cán bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Hoàn thiện thể chế, quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, luôn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết.”

Ngay trong phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh công tác cán bộ là phải lựa chọn khách quan, chính xác những nhân tố “vừa có đức vừa có tài, trong đó đức là gốc;” “Công tác nhân sự Đại hội là vô cùng quan trọng nhưng cũng hết sức phức tạp, khó khăn, nặng nề, đòi hỏi Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cả hệ thống chính trị phải làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, với quyết tâm, nỗ lực rất lớn, có cách làm thật sự công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia-dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết.”

Tiến sỹ Lê Trung Kiên, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh những vấn đề Người chỉ dạy khi sinh thời cho đến nay vẫn giữ nguyên tính thời sự, khi đặt công tác cán bộ là công tác then chốt của Đảng và việc huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng.

Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận rõ trách nhiệm chính trị gắn với trách nhiệm đạo đức để khi giữ cương vị lãnh đạo, quản lý cần thấu suốt “quyền lực thuộc về nhân dân”, nhân dân giao phó cho mình đảm trách nhiệm vụ vẻ vang, nên mỗi cán bộ phải ý thức về quyền năng để phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân hết lòng, hết mực.

Thực hành đạo đức cách mạng suốt đời

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lê Thị Thanh Hà cho rằng đa số cán bộ, công chức, viên chức có lập trường tư tưởng vững vàng, đạo đức trong sáng, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với xu thế hội nhập, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Đặc biệt, cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở các cấp có năng lực, phẩm chất, uy tín, nhất là cán bộ cấp chiến lược có tư duy đổi mới, có năng lực hoạch định đường lối, chính sách và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị đông nhưng chưa mạnh. Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ, đảng viên vi phạm đạo đức, thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nguyên trọng.

Nguyên nhân có nhiều, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Cho rằng nguyên nhân chủ quan là chính, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lê Thị Thanh Hà dẫn chứng hiện nay có một số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, đề cao chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, thiếu gương mẫu, gia trưởng, quan liêu, xa dân, chưa thật sự gắn bó máu thịt, mật thiết với nhân dân dẫn đến không làm tròn bổn phận trước Đảng, trước nhân dân.

Chia sẻ quan điểm của mình, Tiến sỹ Lê Trung Kiên khẳng định công tác cán bộ hiện nay được làm bài bản, công phu, thận trọng, khoa học và đã phát huy được những sở trường, trình độ, năng lực, phẩm chất của mỗi cá nhân và tập thể.

Điều đó mang lại những thành tựu to lớn và sự thịnh vượng của đất nước, uy tín và vẻ vang của Đảng và chế độ trong suốt chặng đường đẩy mạnh công cuộc đổi mới.

Đó là kết quả của lãnh đạo tập thể giàu trí tuệ, sáng tạo và tâm huyết; đó cũng là những cống hiến, đóng góp thể hiện dấu ấn của những cá nhân trải qua các nhiệm kỳ Đại hội.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các giáo sư, cán bộ giảng dạy các trường Đại học và THCN (12/1958). (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các giáo sư, cán bộ giảng dạy các trường Đại học và THCN (12/1958). (Ảnh tư liệu)

Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Lê Trung Kiên, bên cạnh kết quả đạt được, cũng không tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót, xuất phát từ yếu tố chủ quan và khách quan.

Nguyên nhân quan trọng nhất là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, không giữ mình, không tu dưỡng suốt đời, không giữ vững bản lĩnh và chí khí cách mạng nên đã để xảy ra vi phạm, khuyết điểm đáng tiếc của một bộ phận cán bộ, đảng viên thời gian vừa qua.

Để việc vận dụng và học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ hiện nay đạt hiệu quả, Tiến sỹ Lê Trung Kiên nhấn mạnh, điều cốt yếu mà lãnh tụ Hồ Chí Minh để lại cho Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên lãnh đạo hiện nay là thực hành đạo đức cách mạng suốt đời; giữ vững bản chất cách mạng để "nói đi đôi với làm" trong việc phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân...

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lê Thị Thanh Hà, cần cụ thể hóa bộ tiêu chí đánh giá cán bộ theo hướng xác định cụ thể công việc; bảo đảm lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao làm thước đo chủ yếu để đánh giá phẩm chất, năng lực của cán bộ.

Tuy nhiên, cũng cần có sự vận dụng linh hoạt quy định của Trung ương với điều kiện thực tế tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, xây dựng cơ chế, quy trình đánh giá cán bộ dân chủ, khách quan, khoa học, dựa trên nhiều kênh thông tin, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong đánh giá cán bộ.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải nắm vững căn cứ, nắm chắc tiêu chuẩn đánh giá. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm, từng cơ quan, đơn vị yêu cầu cán bộ, công chức xây dựng kế hoạch các nhiệm vụ chính sẽ thực hiện; tiến hành phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, làm cơ sở quan trọng trong việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt cần lựa chọn người đứng đầu có tâm, đủ tầm, có đủ đức, đủ tài; tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm; xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung...

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, trong công tác cán bộ phải “khéo dùng người;” để ai cũng có thể phát huy tốt sở trường, năng lực của mình, "Chúng ta phải nhớ rằng người đời ai cũng có chỗ hay, chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong, đều tùy chỗ mà dùng được;" khéo dùng cán bộ còn thể hiện ở chỗ biết kết hợp các thế hệ cán bộ một cách đúng đắn.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/khac-ghi-loi-day-cua-chu-tich-ho-chi-minh-ve-cong-tac-can-bo-post952108.vnp