Khắc ghi kế sách của tiền nhân qua chiến lược hôm nay

Tư tưởng lo giữ nước từ khi nước chưa nguy là phương châm nổi bật, cốt yếu, xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt được thể hiện rõ nét qua câu thơ:'Biên phòng hảo vị trù phương lược' của vua Lê Thái Tổ vào năm 1432. Cùng với thời gian, tư tưởng ấy luôn là một 'sợi chỉ đỏ' xuyên suốt, là lời huấn thị có giá trị sâu sắc trên cả phương diện lý luận và thực tiễn, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của vua Lê Thái Tổ trong việc định ra đường lối lãnh đạo toàn dân thực hiện sự nghiệp giữ nước nói chung, kế sách bảo vệ an ninh biên giới quốc gia nói riêng.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry, BĐBP Quảng Nam cùng các lực lượng, nhân dân trên địa bàn thực hiện nghi thức chào cột mốc biên giới trong quá trình phối hợp tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Hồng Anh

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry, BĐBP Quảng Nam cùng các lực lượng, nhân dân trên địa bàn thực hiện nghi thức chào cột mốc biên giới trong quá trình phối hợp tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Hồng Anh

Để rồi 586 năm sau, ngày 28/9/2018, Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết 33-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia với những quan điểm, đường lối quốc phòng, an ninh được cụ thể hóa một cách sâu sắc, thể hiện rõ tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới. Một lần nữa, tư tưởng của các bậc tiền nhân được nhắc lại bằng một cách biểu đạt mới, dựa trên việc xây dựng một hệ thống các quan điểm phản ánh thực tiễn, được đúc rút qua hàng trăm năm dựng nước và giữ nước của cha ông, nhất là quá trình cách mạng vẻ vang dưới thời đại Hồ Chí Minh.

Nghị quyết 33-NQ/TW nêu rõ: “Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biên giới Việt Nam, cùng mục đích xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển đều là đối tác. Bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xâm phạm tính nguyên trạng của biên giới quốc gia, hệ thống mốc quốc giới, dấu hiệu đường biên giới, cửa khẩu; sử dụng biên giới quốc gia để chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đều là đối tượng”.

Điều đó thể hiện rất rõ việc “trù phương lược” khi tiến hành kỹ lưỡng, khoa học từ phân tích môi trường chiến lược, đặc điểm, tình hình thế giới, khu vực, trong nước đến đưa những dự báo cụ thể về các tình huống, mức độ xâm phạm biên giới, xâm hại lợi ích quốc gia ở khu vực biên giới để hoạch định rõ đối tượng cần phải lưu ý để chủ động bảo vệ biên giới quốc gia. Khi đã xác định rõ tình huống, mức độ và chủ thể, khách thể một cách khách quan, toàn diện sẽ là căn cứ giúp cho lực lượng vũ trang và nhân dân khu vực biên giới nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng đối phó thắng lợi với các tình huống được dự đoán có thể xảy ra.

Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia đã xác định cần giữ vững các nguyên tắc: độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế; không liên minh, liên kết với nước này để chống lại nước kia; giải quyết mọi mâu thuẫn, bất đồng, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, biên giới bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế và các điều ước quốc tế về biên giới quốc gia mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập. Đồng thời nhấn mạnh mục tiêu “… Xây dựng biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác…” - điều đó càng khẳng định Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia đã kế thừa sâu sắc truyền thống yêu chuộng hòa bình, giữ vững ý chí độc lập, tự do của dân tộc.

Một quan điểm khác có tính chất chỉ đạo quan trọng của Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia là cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, đối tác, đối tượng đan xen, chuyển hóa mau lẹ, khó lường, các thế lực thù địch tăng cường chống phá ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.

Xác định rất rõ thực tiễn này, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia đã nêu rõ sự cần thiết phải tăng cường, củng cố, xây dựng các tổ chức cơ sở đảng, hệ thống chính trị ở các địa phương, nhất là trên các vùng biên giới trong sạch, vững mạnh. Chú trọng chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo. Đây là một quan điểm có nhiều nét tương đồng với phương lược biên phòng của cha ông là thực hiện nhất quán kế sách “nhu viễn”, tạo “phên dậu” bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.

Các triều đại phong kiến đều hết sức chú trọng hoạch định đường lối xây dựng các vùng đất tiếp giáp các nước lân bang vững mạnh, gắn kết giữa miền xuôi với miền ngược, nhằm giữ vững ổn định khu vực biên giới, phát huy sức mạnh của lực lượng tại chỗ, nhất là các “thổ binh”, “dân binh” ở vùng biên cương Tổ quốc. Khi quan điểm này được nâng lên một tầm cao mới với những quyết sách cụ thể của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các địa phương, thì hiệu quả của nó không những tạo nên diện mạo mới cho vùng biên, vun đắp cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, mà còn chuyển hóa thành sức mạnh lớn lao trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Một phương lược khác của tiền nhân là vận dụng kế sách đối ngoại khéo léo với các nước lân bang, ngăn ngừa chiến tranh, kiến tạo hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước cũng được thể hiện đầy minh triết và mang tính lý luận khoa học cao trong Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, đó là quan điểm tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân trong bảo vệ biên giới quốc gia.

Một luận điểm khác cũng hết sức đáng trân trọng trong Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia là khẳng định rõ cần xây dựng lực lượng toàn dân bảo vệ biên giới rộng khắp, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP là lực lượng chuyên trách. Đồng thời, chỉ ra các giải pháp cụ thể nhằm định hướng tư tưởng, nhận thức, xác định phương thức, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia của các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị phù hợp với thực tiễn. Soi chiếu vào lịch sử, cũng dễ dàng nhận thấy, cha ông ta đã hết sức chú trọng việc “định biên” và các chính sách duy trì an ninh biên giới. Điều đó thể hiện trong việc hoạch định và điều chỉnh thế trận phòng thủ biên giới, điều động lực lượng tinh nhuệ lên trấn ải cùng lực lượng “thổ binh”, “dân binh” tại chỗ và kết hợp xây mới hoặc nâng cấp, củng cố hệ thống đồn, thành lũy, nhất là ở các ải quan trọng án ngữ những tuyến giao thông huyết mạch.

Với quyết tâm chính trị cao cùng một hệ thống lý luận vững chắc, một “kim chỉ nam” vừa sắc bén, vừa cụ thể, đề cập một hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện phù hợp với thực tiễn, tin tưởng rằng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ phát huy hiệu quả tinh thần, nội dung của Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, từ đó tăng cường, củng cố tiềm lực, phát huy sức mạnh tổng hợp nhằm quản lý và bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Có thể khẳng định, giá trị và ý nghĩa của Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia là một bước phát triển đặc biệt quan trọng trong tư duy bảo vệ Tổ quốc của Đảng ta. Không chỉ kế thừa tư tưởng của các bậc tiền nhân kết hợp với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mà còn được đúc rút, nghiên cứu sâu sắc từ thực tiễn tình hình đất nước và thế giới, kết hợp hài hòa các lợi ích, giá trị của đất nước, dân tộc, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam cùng luật pháp và các điều ước quốc tế về biên giới quốc gia mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập. Ngoài ra, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia không chỉ cho thấy tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt của mình, mà còn là một văn bản mang tính khoa học cao.

Phạm Vân Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khac-ghi-ke-sach-cua-tien-nhan-qua-chien-luoc-hom-nay-post459162.html