Khả năng Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân có cao?

Qua theo dõi số lượng các vụ phóng tên lửa liên tiếp của Triều Tiên trong năm nay, giới quan sát nhận thấy sự tương đồng với thời điểm 5 năm trước. Khi đó, Triều Tiên đã tiến hành thử hạt nhân. Vậy động thái lần này của Triều Tiên báo hiệu điều gì? Báo chí thế giới đã có 1 số bài viết phân tích.

“Vì sao Triều Tiên tăng cường phóng tên lửa đạn đạo và phương Tây có nên lo lắng?” là nhan đề của một bài viết trên trang CNN. Bài viết dẫn quan điểm của cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ Carl O.Schuster, cho hay “Triều Tiên phóng tên lửa để gây sự chú ý nhưng cũng để tạo sức ép buộc Mỹ và Nhật Bản phải đối thoại với nước này”. Vậy Triều Tiên cố gắng đạt được mục tiêu gì? Theo đánh giá của chuyên gia Carl O.Schuster, các vụ thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên có 2 mục đích chính là thể hiện năng lực quân sự của Triều Tiên và củng cố vai trò, vị thế của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Vậy liệu Triều Tiên có thử nghiệm hạt nhân trong thời gian tới hay không, chuyên gia Lewis tại Viện Middlebury cho rằng điều này có thể “xảy ra bất cứ lúc nào”. Nhưng các nhà phân tích Schuster và Lankov lại cho rằng, Bình Nhưỡng sẽ đợi qua Đại hội Đảng của Trung Quốc.

Trong khi đó, một bài phân tích trên trang tin Reuters có tiêu đề “Khi nào Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân? Câu hỏi này chỉ có Triều Tiên mới biết rõ, cụ thể hơn là ông Kim Jong Un hoặc một số rất ít người thân cận với ông có thể biết được chính xác về thông tin này. Bài viết nhận định, Triều Tiên vẫn luôn là một mục tiêu “khó nhằn” đối với điệp viên của Mỹ và các nước khác – những người dường như đã không thể đánh giá đúng những bước tiến của Bình Nhưỡng, bao gồm cả vụ thử bom khinh khí và phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có tầm bắn vươn đến lãnh thổ Mỹ hồi năm 2017. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy, Triều Tiên đã và đang nỗ lực khôi phục lại một số đường hầm tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri trong năm nay. Ngoài ra, tác giả cho hay, nếu Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân, điều đó có thể bao gồm việc phát triển các đầu đạn nhỏ hơn dành cho chiến trường, không dùng để tấn công các thành phố, và được thiết kế để phù hợp với các tên lửa tầm ngắn. Mỹ và các đồng minh ở châu Á cảnh báo rằng việc Triều Tiên nối lại thử hạt nhân sẽ hứng chịu phản ứng “mạnh mẽ và kiên quyết” nhưng không nêu chi tiết phản ứng đó là gì. Giới quan sát đánh giá, cả Moscow và Bắc Kinh có thể đều không hoan nghênh việc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân nhưng cả hai nước này vẫn sẽ không ủng hộ bất kỳ hình thức trừng phạt mới nào nhằm vào Bình Nhưỡng.

Thực hiện : QT

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/kha-nang-trieu-tien-thu-vu-khi-hat-nhan-co-cao