Khả năng hấp thụ vốn tín dụng rất hạn chế, cần sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ban ngành

Để giải quyết tình trạng hạn chế trong khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều bộ, ban ngành.

Khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất hạn chế

Ngày 22/8, Viện Chiến lược ngân hàng đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức Hội thảo “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm”.

Tại Hội thảo, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết chúng ta đang trải qua một giai đoạn hết sức khó khăn, bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều trở ngại, thách thức, gây áp lực lớn đối với hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Theo Báo cáo Đầu tư thế giới do Hội nghị Liên Hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) công bố mới đây, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu đã giảm 12% trong năm 2022, riêng các nước phát triển giảm 37%. Nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam bị thu hẹp, như Hoa Kỳ thu hẹp 20%, EU 11%, Trung Quốc 10%... .

 Để giải quyết tình trạng hạn chế trong khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều bộ, ban ngành. Ảnh minh họa

Để giải quyết tình trạng hạn chế trong khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều bộ, ban ngành. Ảnh minh họa

Trong nước, theo khảo sát năm 2022 của Vietnam Report, 96,1% doanh nghiệp đang chịu áp lực tăng giá của các yếu tố đầu vào sản xuất; 61,5% gặp khó khăn bởi gián đoạn do “di chứng” của đại dịch Covid-19 gây ra, 53,9% chịu tác động từ đứt gãy chuỗi cung ứng, 48,1% cho rằng sức mua của người tiêu dùng giảm sút, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp và 40,4% khó khăn về thiếu nhân lực sản xuất.

Sang đến năm 2023, tình hình càng trở nên khó khăn hơn, bằng chứng là tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ở mức thấp trong vòng từ năm 2011 đến nay (ngoại trừ năm 2020), khu vực sản xuất liên tục bị thu hẹp trong nhiều tháng, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm cả về số lượng và quy mô vốn trong khi số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể tiếp tục tăng.

Trước tình hình hiện nay, việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì và khôi phục sức khỏe của khu vực doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu, trong đó sự suy giảm khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn là vấn đề được đặc biệt quan tâm, cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp, chính sách hiệu quả để tháo gỡ.

Chính vì vậy, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt đối với các bộ, ngành trong việc triển khai đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ khá toàn diện, tác động lên cả về phía cung và cầu để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, sự an toàn của hệ thống ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trong đó, những nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí thanh toán … đã góp phần hỗ trợ khu vực doanh nghiệp vượt qua các khó khăn, thách thức, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh để từng bước phục hồi.

Tuy nhiên, tín dụng chỉ mới có tín hiệu tăng trở lại từ tháng 6, sang đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,6%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%), điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất hạn chế - giải quyết vấn đề này sao cho có hiệu quả là một thách thức lớn của ngành Ngân hàng.

Cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều bộ, ban ngành

TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã đưa ra đề xuất để cải thiện khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.

Về phía cung, ông Thảo đề xuất tiếp tục hạ lãi suất để doanh nghiệp dễ dàng hơn trong tiếp cận vốn vay; Tiếp tục áp dụng các hỗ trợ về cho phép cơ cấu lại nợ, mua lại trái phiếu, các gói tín dụngBên cạnh đó, cần phục hồi các kênh huy động vốn khác: chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; Hạ thấp các điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được vốn từ các Quỹ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo ông Thảo, cũng cần triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ về giảm, hoãn, giãn thuế; Kiến nghị Tổng liên đoàn Lao động giảm phí công đoàn.

Bộ Tài chính (Tổng cục thuế) nên chỉ đạo và giám sát công tác hoàn thuế, đảm bảo hoàn thuế đúng hạn cho doanh nghiệp.

“Cần coi trọng cải cách thể chế môi trường kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Tuyệt đối không ban hành các quy định tạo thêm gánh nặng chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp”, ông Thảo kiến nghị.

Về phía cầu, ông Thảo cho rằng cần tiếp tục triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ người lao động: hỗ trợ tiền thuê nhà; cho vay ưu đãi hỗ trợ tạo việc làm thông qua Ngân hàng chính sách xã hội; Triển khai hiệu quả gói hỗ trợ giảm thuế VAT 2%.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Trong những tháng còn lại của năm 2023 cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đã đề ra; đồng thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế.

Bên cạnh các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng, bà Giang mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, phối hợp, triển khai của các bộ, ngành, địa phương (về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác cầu nội địa cải thiện môi trường kinh doanh, khơi thông thị trường bất độn sản, trái phiếu doanh nghiệp, Phát huy hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa...), sự vào cuộc của các Hiệp hội, sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả hoạt động... nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hoàn thành cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2023 mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.

Hoàng Tú

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kha-nang-hap-thu-von-tin-dung-rat-han-che-can-su-vao-cuoc-dong-bo-cua-cac-bo-ban-nganh-post261492.html